Qua 2 vụ sản xuất (2007-2008 và 2008-2009) cây bông vải đứng trước nguy cơ “xóa sổ” khi diện tích gieo trồng chỉ còn hơn 200 ha. Nhưng mọi thứ đã bắt đầu thay đổi trong vụ sản xuất 2009-2010 khi các chính sách đầu tư của nhà nước đang từng bước khuyến khích được nông dân gieo trồng trở lại.
Chăm sóc ruộng bông. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Được xem là loại cây xóa đói giảm nghèo vì cây bông vải phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở các vùng đất còn nhiều khó khăn về nước tưới như: Kông Chro, Krông Pa, Chư Prông và Chư Sê (Gia Lai)… Cây bông được đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương đưa vào sản xuất đại trà. Cùng với đó, các chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, giá cả thu mua hợp lý của Công ty cổ phần Bông Việt Nam- Chi nhánh Gia Lai đã kích thích nông dân sản xuất mạnh tạo ra vùng nguyên liệu rộng lớn với diện tích lên đến 6.000 ha. Mặc dù vậy, trong những năm tiếp theo giá cả các mặt hàng nông sản khác như mì, bắp… tăng cao trong khi giá bông vẫn ở mức thấp khiến nông dân không còn mặn mà với cây bông. Diện tích bông giảm mạnh theo từng năm, với đỉnh điểm trong 2 vụ sản xuất liên tiếp 2007-2008 và 2008-2009 chỉ còn hơn 200 ha, cây bông đứng trước nguy cơ “xóa sổ” khi không thể cạnh tranh với các loại cây trồng khác.
Để vực dậy ngành bông, phục hồi diện tích, trong vụ sản xuất 2009-2010 Chính phủ hỗ trợ (cấp không) cho tỉnh ta 7 tấn bông giống để khôi phục lại diện tích, đồng thời ngành bông cũng đã thay đổi cách làm bằng các chính sách đầu tư cụ thể như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất… Đặc biệt, giá cả mua bông ở mức bảo hiểm thấp nhất là 9.000 đồng/kg và con số này sẽ tăng theo giá thị trường. Ngay lập tức những “cú huých” mới này bước đầu đã phát huy tác dụng khi vụ sản xuất 2009-2010, toàn tỉnh trồng được 1.100 ha bông.
Chị Vương Thị Thẻ- tổ 5 thị trấn Kông Chro cho biết: Giá bông xuống thấp buộc gia đình phải chuyển một phần diện tích đất trồng bông sang trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế hơn. Mặc dù vậy, gia đình vẫn giữ lại 5 sào để trồng bông thường xuyên. Từ ngày được Công ty cổ phần Bông Việt Nam- Chi nhánh Chư Sê đầu tư giống, kỹ thuật, gia đình chị đã quay lại trồng bông. Nếu giá thu mua bảo hiểm ở mức ổn định như hiện nay người trồng bông sẽ có lãi hơn so với các loại cây trồng khác trên địa bàn.
Ông Huỳnh Năm- Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Trung là một trong những xã có diện tích bông lớn ở Kông Chro cho hay: Vụ sản xuất vừa qua nông dân trong xã đã bắt đầu trồng lại bông, mặc dù chỉ vài chục ha nhưng đây là tín hiệu vui cho cây bông. Bà con đang thu hoạch với năng suất ước tính khoảng 1,4-1,5 tấn/ha, khả năng có lãi so với các loại cây trồng khác.
Phải chăng cây bông ở Gia Lai đang trở lại thời hưng thịnh?
Nguyễn Hồng