(GLO)- Chỉ còn vài ngày nữa, Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN (Thông tư 22) ngày 26-9-2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường sẽ chính thức có hiệu lực. Theo quy định tại Thông tư 22, vàng trang sức, mỹ nghệ phải phù hợp và đúng với tiêu chuẩn về chất lượng và đo lường. Sản phẩm phải có đóng mã ký hiệu, hàm lượng vàng mới được lưu thông trên thị trường.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Trong những năm qua, mặc dù Chính phủ đã ban hành một số nghị định quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, tuy nhiên chưa có quy định cụ thể về quản lý đo lường và chất lượng đối với vàng trang sức, mỹ nghệ nên người tiêu dùng thường bị thiệt thòi. Để góp phần đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và thống nhất việc thực thi các quy định về tiêu chuẩn đo lường chất lượng vàng, ngày 26-9-2013, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường. Thông tư đưa ra các quy định, yêu cầu đối với việc quản lý chất lượng và đo lường vàng trang sức, mỹ nghệ như: tiêu chuẩn công bố áp dụng, ghi nhãn đối với vàng trang sức, mỹ nghệ; quy định rõ trách nhiệm thanh tra, kiểm tra yêu cầu về chất lượng và đo lường đối với vàng trang sức, mỹ nghệ… Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-6-2014.
Theo quy định tại Nghị định 80/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì tùy từng trường hợp, đối tượng vi phạm sẽ phải chịu mức phạt cụ thể. Mức phạt tối thiểu theo Nghị định này là 200 nghìn đồng và tối đa lên đến 300 triệu đồng. Ngoài ra, có thể bổ sung biện pháp xử lý như đối với sản phẩm không phù hợp thì yêu cầu doanh nghiệp phải tái chế xử lý lại để phù hợp chất lượng công bố, hoặc thay đổi mục đích sử dụng sản phẩm cho đúng hiện trạng sản phẩm đó. |
Chỉ còn vài ngày nữa, Thông tư 22 chính thức có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi thì 48 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có bất kỳ động thái gì. Chủ một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng khi được hỏi về thời hạn áp dụng Thông tư 22 thì cho rằng có biết, nhưng đang lúng túng chưa biết làm thế nào trước các quy định của thông tư này vì cho đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa tổ chức tập huấn phổ biến, triển khai thực hiện Thông tư 22. Khi được hỏi về chất lượng vàng của đơn vị mình, chủ doanh nghiệp cho biết thêm: Rất khó để đảm bảo tuổi vàng đúng như công bố. Chẳng hạn, một món nữ trang vàng 18k theo đúng quy chuẩn thì hàm lượng vàng phải là 75%. Tuy nhiên, khi chế tác nữ trang, miếng vàng dập ra ban đầu có thể kiểm tra được hàm lượng đúng 75%, nhưng trong quá trình chế tác, các điểm hàn sẽ có hàm lượng thấp hơn, nên khi trở thành sản phẩm chính thức thì sẽ không đảm bảo có hàm lượng đúng 75%. Hơn nữa, trước sự thả nổi về kiểm soát chất lượng trong một thời gian dài nên thực chất lâu nay vàng trang sức 18k mà các tiệm vàng đang bán ra trên thị trường thường có tuổi vàng dưới 70%.
Thông tư 22 được đánh giá là thiết thực trong công tác quản lý vàng trang sức, mỹ nghệ trên thị trường, góp phần hạn chế được chất lượng vàng mỗi nơi một kiểu, mỗi nơi một giá như hiện nay; đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để làm được điều này thì còn nhiều câu hỏi đang được đặt ra như: Xử lý như thế nào đối với vàng trang sức hiện đang lưu hành và đang được người dân nắm giữ? Đơn vị nào chịu trách nhiệm việc chuẩn hóa thiết bị đo hàm lượng vàng? Xử phạt như thế nào nếu doanh nghiệp vi phạm?…
Để Thông tư 22 đi vào cuộc sống, thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ đi vào khuôn khổ, cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc và có những hướng dẫn rõ ràng, cụ thể để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng thực hiện.
Kế Hiền