Thị trấn Đak Đoa phấn đấu trở thành đô thị loại IV

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mục tiêu trở thành đô thị loại IV vào năm 2025, thị trấn Đak Đoa đã huy động cả hệ thống chính trị cùng người dân chung tay xây dựng các tuyến đường nội thị xanh-sạch-đẹp-văn minh.
Thị trấn Đak Đoa có 4.548 hộ với hơn 17.140 khẩu. Toàn thị trấn có 13 khu dân cư, trong đó có 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: “Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Xây dựng thị trấn Đak Đoa đạt các tiêu chí đô thị loại IV đến năm 2025 và phát triển theo hướng đô thị văn minh, định hướng đến năm 2030”, UBND huyện luôn quan tâm đầu tư xây dựng các công trình công cộng, cơ sở hạ tầng, mở rộng hệ thống đường giao thông, chỉnh trang đô thị trên địa bàn thị trấn”.
Giai đoạn 2016-2020, huyện đầu tư xây dựng 118 công trình với kinh phí hơn 252 tỷ đồng để chỉnh trang đô thị và nâng cấp các tuyến giao thông nội thị, mở rộng hệ thống điện chiếu sáng và cấp nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, hệ thống y tế, văn hóa, giáo dục cũng được chú trọng đầu tư. Ủy ban nhân dân thị trấn Đak Đoa phối hợp với các ngành liên quan làm tốt công tác quản lý trật tự xây dựng, hướng dẫn người dân đầu tư cải tạo, xây dựng nâng cấp nhà ở, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị.
Diện mạo thị trấn Đak Đoa ngày càng khởi sắc. Ảnh: Lê Hòa
Diện mạo thị trấn Đak Đoa ngày càng khởi sắc. Ảnh: Lê Hòa
Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Trọng Thành cho biết: Ủy ban nhân dân thị trấn tập trung lập lại trật tự và mỹ quan đô thị trên các tuyến đường: A1, A2, A3, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Wừu, Trần Phú, Nguyễn Huệ; chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, đặt bảng hiệu quảng cáo sai quy định. Thường xuyên vận động người dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, dọn vệ sinh tại các khu vực công cộng, tạo cảnh quan môi trường đô thị theo hướng xanh-sạch-đẹp. Thị trấn cũng đã thành lập được 112 tổ tự quản an ninh trật tự, tăng cường đảm bảo an toàn giao thông, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Theo ông Thành, UBND thị trấn bố trí ngân sách và kết hợp vận động người dân tham gia đóng góp sửa chữa, nâng cấp, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, cống thoát nước, lát gạch vỉa hè, trồng cây xanh ở 9 tuyến đường với tổng chiều dài gần 15,9 km. Hệ thống điện chiếu sáng ở các tuyến đường chính trên địa bàn hiện đạt khoảng 60%. “Đến nay, 12/13 thôn, tổ dân phố đã có hội trường, nhà sinh hoạt cộng đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng/năm”-ông Thành nói.

Trên địa bàn thị trấn có 4 khu đất được lắp đặt, trang bị dụng cụ tập thể thao ngoài trời với diện tích 17 ha. Ngoài ra, còn có 7 sân bóng đá mi ni của tư nhân, 6 sân bóng chuyền, 2 hồ bơi và 3 phòng tập gym, 1 phòng tập yoga và câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe của tư nhân, tạo điều kiện cho người dân tham gia vui chơi và tập luyện thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần. Năm 2021, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt hơn 79,5%, 13/13 khu dân cư được công nhận danh hiệu văn hóa. Phó Bí thư Chi bộ thôn 4 Nguyễn Tiến Thanh cho biết: “Là địa bàn giáp ranh nhiều xã lân cận nên Chi bộ cùng Ban Nhân dân thôn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân quan tâm giáo dục con em không tham gia vào các tệ nạn xã hội, nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời, quan tâm củng cố 8 tổ hòa giải đi vào hoạt động ngày càng hiệu quả”.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại thị trấn Đak Đoa. Ảnh: Thanh Nhật
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại thị trấn Đak Đoa. Ảnh: Thanh Nhật
Thời gian qua, dân làng Piơm luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Trưởng ban Công tác Mặt trận Phan Công Hồng phấn khởi cho hay: “Thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, bà con đã có nhiều chuyển biến trong sản xuất và sinh hoạt. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm. Làng chỉ còn 14 hộ nghèo”.
Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết chuyên đề về “Xây dựng thị trấn Đak Đoa đạt các tiêu chí đô thị loại IV đến năm 2025 và phát triển theo hướng đô thị văn minh, định hướng đến năm 2030”, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Hữu Thọ khẳng định: Nghị quyết xác định: Đến năm 2025, thị trấn Đak Đoa đạt 5/5 tiêu chí và 52/52 tiêu chuẩn về đô thị loại IV; phấn đấu đạt 24 tiêu chí đô thị văn minh và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ và giải pháp để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân. Thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thời gian tới, UBND huyện và các ngành liên quan cùng hệ thống chính trị thị trấn cần tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết thành kế hoạch để tổ chức thực hiện đảm bảo đúng tiến độ.
THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm

Thông tin người sử dụng đất được ghi trên sổ đỏ như nào theo quy định mới?

Thông tin người sử dụng đất được ghi trên sổ đỏ như nào theo quy định mới?

Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Sổ đỏ, Sổ hồng) và hồ sơ địa chính đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến quy định cụ thể thông tin người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được ghi Giấy chứng nhận.