Theo dấu trà Shan: Trà Shan Việt ở xứ Đài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sang Đài Loan tìm hiểu về trà, được trà sư Lưu Văn Phương mời hồng trà. Tôi ngạc nhiên bởi hương vị kỳ lạ, và càng bất ngờ hơn khi biết sản phẩm độc đáo ấy là của Việt Nam.
 
Trà nhân Lý Chỉ Linh (Đài Loan), nhóm trà Âu Lộ, tịnh tâm trước lúc trình diễn pha trà thết khách. ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH
Bất ngờ, bởi xứ Đài là “kinh đô” của trà, nổi danh thế giới với các chủng Ô Long, Đông phương Mỹ nhân, hồng trà hương mật... Trà cổ thụ Việt chen chân được vào thế giới này vì đó là nguồn trà sạch, là những gốc trà đại thụ trên trăm năm tuổi. Hai yếu tố tưởng đơn giản nhưng kỳ thực không dễ kiếm trên thị trường trà thế giới hiện nay.
Chơi trà cổ thụ Việt
Không ồn ào, phô trương, giới thưởng trà Đài Loan có lượng đông đảo mộ điệu trà cổ thụ Việt. Mỗi nhóm hội, mỗi cá nhân có lối lựa chọn dòng sản phẩm trà theo phong cách riêng. Nhóm trà Âu Lộ với lối thưởng trà chú trọng vào tinh thần, lấy trà làm chất dẫn, sử dụng kỹ thuật qua rèn luyện từng ngày của trà nhân đưa người thưởng trà vào không gian - trạng thái - cảm xúc có chủ ý.
Trà sư Lưu Văn Phương chia sẻ: “Tùy từng buổi thưởng trà, tùy khách tham dự, tôi sẽ chọn loại trà phù hợp. Người Đài Loan ai cũng uống trà, nhất là hồng trà. Thị trường chúng tôi cũng có rất nhiều sản phẩm hồng trà nổi tiếng, nhưng hồng trà cổ thụ Việt có sự khác biệt rõ nét, có thể cảm nhận từ ngay ngụm trà đầu tiên bởi nội chất trong trà rất mạnh, hậu vị kéo dài. Sản phẩm này hợp cho những buổi thưởng trà trang trọng, thanh tĩnh, tận hưởng. Uống ngụm trà, chậm rãi để hương - vị thanh khiết lan tỏa, đem lại những giây phút cân bằng qua nghi thức thưởng trà”.
Ngồi trong trà thất được bài trí tỉ mỉ, chăm chút đến từng chi tiết nhỏ, câu chuyện thưởng trà được dẫn dắt từ dụng cụ pha trà do nghệ sư ấm đương đại của Đài Trung là Lại Đính Đằng chế tác, phần phụ họa có cổ cầm do nghệ sĩ Trương Nhã Tuệ thể hiện, trà có hồng trà cổ thụ Việt Nam. Hai trà nhân Lý Chỉ Linh và Tống Tín Hoa thong dong các thao tác pha trà nhuần nhuyễn nhịp theo tiếng cổ cầm thánh thót. Qua từng tuần trà, trà sư Lưu Văn Phương làm người dẫn chuyện, chia sẻ chi tiết về ấm chén, kỹ thuật pha trà, về âm nhạc, xuất xứ của trà. Thưởng chén hồng trà Việt nơi xa xứ, thấm được chân tình, như gói cả nhân gian chỉ trong một chén trà.
Trà Shan cổ thụ Hà Giang làm hồng trà hảo hạng vì có độ ngọt cao nhất trong dải trà cổ thụ Việt. Cái ngọt sâu lắng, nồng nàn, hậu vị mạnh, thấy trong đó độ chát, uống nhuận, nhưng sau đó cảm giác hơi khô nơi cuống họng. Theo kinh nghiệm uống hồng trà, độ khô ấy do nội chất trà mạnh, thường chỉ trà cổ thụ Shan tuyết mới đạt hậu vị này. Ông Quách Minh Huy, kinh nghiệm gần 30 năm ở vùng trà Hà Giang về hồng trà, tiết lộ: “Thị trường bây giờ kỹ thuật giỏi lắm, họ cũng có khả năng tạo hậu vị khô đánh lừa người tiêu dùng. Vì vậy, để phân biệt trà thật - giả, phải chờ xem pha được nhiều lượt nước hay không. “Trà cổ thụ giả” được ép hương, đẩy vị bằng kỹ thuật, chỉ pha đến ba nước là nhạt màu, dùng tay bóp bã trà mủn ngay. Riêng trà cổ thụ, pha đậm cũng phải sáu nước, uống bình thường trên 10 nước, bã trà pha xong vẫn đanh chắc, đấy mới là trà quý”.
 
Trà ép bánh nguyên liệu 100% trà cổ thụ vùng Quản Bạ (Hà Giang), hiện bán ở Cao Hùng (Đài Loan). ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH
Góp phần nâng tầm trà Việt
Nhân vật tiêu biểu trong số người Đài yêu và quảng bá trà Việt là ông Diệp Quốc Hoa, Chủ tịch Hội Thư pháp Cao Hùng. Tại trụ sở hội, cạnh không gian trưng bày các bức đại tự, liễn đối, không khó nhận ra những bánh trà cổ thụ với nguyên liệu từ vùng Quản Bạ (Hà Giang). Thết khách chén trà thơm nồng, ông Diệp Quốc Hoa cho biết đó là dòng bạch trà Hà Giang với lối chế biến không dùng nhiệt, giữ lại được mùi tươi mới, hương thơm dịu dàng, độ ngọt thanh sâu lắng. Loại trà này xứ Đài và Trung Quốc (TQ) đại lục gọi là Bạch Mẫu Đơn.
Ông Diệp tự hào khoe: “Tháng 7 năm ngoái tôi mang một ít bạch trà cổ thụ Hà Giang sang Hạ Môn, Phước Kiến (TQ) tặng hai vị lãnh đạo rất am hiểu trà của thành phố. Ngay hớp đầu tiên, các vị ấy nói rằng đây chính là trà ngon. Tiếp nước hai, nước ba, đến hơn... 10 nước, nhưng màu nước, chất trà vẫn không hề suy giảm. Các bạn biết đấy, trà Cao Sơn Ô Long của Đài Loan chỉ cần qua nước thứ tư là chẳng còn gì rồi. Hai vị lãnh đạo cũng cho biết họ từng uống qua bạch trà có nguyên liệu từ Việt Nam, nhưng được nhập sang Vân Nam tái sản xuất thành trà cao cấp”.
Về thói quen uống trà, ông Diệp chia sẻ thêm: “Gia đình tôi thường uống trà ép bánh, tôi sở hữu khá nhiều bánh trà cổ thụ Việt Nam. Bạch trà cổ thụ Việt cũng là loại tôi rất thích, mỗi lần gặp gỡ bạn bè, giao lưu làm ăn, ký kết hợp đồng, tôi đều đem bạch trà ra thết khách”.
Ở Đài Bắc, gia đình Từ Quốc An có sáu đời làm trà Ô Long nhưng hiện ông dành nhiều thời gian ở Việt Nam để giúp người Việt phát triển kỹ thuật sản xuất trà cổ thụ. Tại hội chợ trà quốc tế tại Thâm Quyến (TQ) cuối năm 2019, ông Từ đã giúp đỡ Hiệp hội Trà Việt Nam giới thiệu dòng sản phẩm măng trà vùng Hồ Thầu - Hà Giang gây tiếng vang tại hội chợ không chỉ bởi giá bán... rất đắt (70 triệu đồng/kg) mà còn bởi hương thơm kỳ diệu của thứ nguyên liệu trà cổ thụ mới được phát hiện hai năm trở lại đây dưới đỉnh Chiêu Lầu Thi và Tây Côn Lĩnh.
Nói về ngành trà cổ thụ Việt, ông Từ chia sẻ: “Nguyên liệu này quý lắm, sạch, vô cùng tốt cho sức khỏe nhưng đang bị khai thác bừa bãi. Tôi thấy phí quá. Bản thân tôi làm trà Ô Long, nguyên liệu Đài Loan hay Việt Nam đều như nhau nhưng riêng trà cổ thụ, tôi từng tiếp cận các cây trà ở Tây Côn Lĩnh, thân to ba, bốn người ôm, đi rừng ba ngày mới đến nơi, tôi khẳng định chỉ có Việt Nam mới còn tồn tại những cây trà, vùng trà quý đến vậy”. (còn tiếp)
Đẳng cấp trà cổ thụ Việt
Các nhà sưu tập trà, yêu trà từ Cao Hùng đến Đài Trung trong mỗi gia đình đều có góc trà thết khách. Nhìn vào góc trà, có thể đoán phần nào đẳng cấp, độ phong lưu của gia chủ, thông qua bộ sưu tập từng khay bánh trà chồng lớp. Bánh trà càng lâu năm, càng giá trị. Khách quý đến chơi nhà, gia chủ sẽ lấy những bánh trà đặc biệt từ các vùng trà quý hiếm, hay những bánh trà có độ tuổi cao 15 - 20 năm hoặc hơn để thết khách. Và không khó nhận ra trong hầu hết các bộ sưu tập trà ấy đều có sự hiện diện các bánh trà cổ thụ xuất xứ từ Việt Nam.
Nhà sưu tập trà cổ thụ Việt Đặng Tuấn Nghiêu, ngụ Cao Hùng, cho biết: “Tôi biết trà cổ thụ Việt hơn 20 năm vì chất trà tốt, vị ngon, giá hợp lý. Bây giờ, kỹ thuật chế biến trà cổ thụ Việt không thua người làm trà lâu năm của Đài Loan, nhất là các dòng bạch trà, hồng trà”.
Tầm ảnh hưởng của trà Shan Việt
Trong Cuộc thi trà châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Tea Competition) diễn ra tại TQ năm 2019, sản phẩm bạch trà (nguyên liệu trà Shan cổ thụ Tà Xùa, Sơn La) vượt qua 412 mẫu trà từ các cường quốc sản xuất trà thế giới như TQ, Ấn Độ, Sri Lanka, Nhật Bản... để giành giải bạc (không có giải vàng) về trà có tầm ảnh hưởng nhất hiện nay.
Cùng năm, trong cuộc thi trà quốc tế diễn ra tại Paris, Pháp, do Hiệp hội Bình chọn sản phẩm nông nghiệp thế giới tại Pháp (AVPA) tổ chức dành cho các doanh nghiệp có sản phẩm đặc biệt tốt trên toàn thế giới, với 128 mẫu trà của 17 quốc gia, sản phẩm trà Mây (trà xanh, dòng Shan tuyết cổ thụ) của Công ty Trà và đặc sản Tây Bắc giành giải đồng.
Nguyễn Đình (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Đổi thay tích cực cho nghề nuôi biển: Tháo gỡ các nút thắt

Với đường bờ biển dài, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nguồn lợi thủy sản phong phú, Việt Nam sở hữu lợi thế lớn về nghề nuôi biển. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ những nút thắt, phát huy tiềm năng, hướng tới mục tiêu phát triển nghề nuôi biển hiện đại, bền vững.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tặng giấy khen cho các nhà báo, phóng viên hoàn thành chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Ảnh: N.Q

Tác nghiệp trên Nhà giàn DK1

(GLO)- Vượt qua hàng trăm hải lý để đến với Nhà giàn DK1 là một trải nghiệm không thể nào quên đối với người làm báo. Càng đặc biệt hơn đối với tôi khi đây là lần đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1 tác nghiệp, để thấm thía thế nào là gian khó, thế nào là tự hào.

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

null