Theo chân shipper giữa ngày giãn cách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một ngày làm việc của Mừng bắt đầu từ tầm 9 giờ sáng, vì cô có 2 đứa con nhỏ. Một đứa chín tuổi, một đứa 2 tuổi. Không như các shipper nam có thể mở hệ thống từ sớm, cô nói cần phải sắp xếp xong cho hai đứa con rồi mới yên tâm đi làm.
 

 Những ngày dịch như thế này, nhu cầu shipper lên cao, Mừng có đơn chạy liên tục.
Những ngày dịch như thế này, nhu cầu shipper lên cao, Mừng có đơn chạy liên tục.


Ra đường mùa dịch cũng khiến Mừng run, nhưng “có công việc lúc này là tốt rồi”.

Mừng làm việc cho một hãng vận chuyển, cô có giấy phép hoạt động từ những ngày đầu tiên giãn cách. Đó là một thuận lợi lớn của người làm shipper. Từ nhà (Lĩnh Nam), cô sẽ nhận đơn rải rác trong ngày.

Những ngày dịch như thế này, nhu cầu shipper lên cao, cô có đơn chạy liên tục. Tuy nhiên cô khá thận trọng, vì không phải người nào cũng biết cách đặt đơn, có những đơn hàng ở các quận khác Mừng đều từ chối.

Mừng chỉ mới bắt đầu tập trung làm shipper theo hợp đồng đối tác với một hàng vận tải công nghệ từ đợt giãn cách thứ hai, dù cô đã đăng ký tài xế từ khá lâu. Trước đó, chồng cô chạy là chính. Đợt giãn cách thứ nhất, gia đình cô chủ yếu ở nhà nghe ngóng tình hình. Dịch bệnh lan rộng, nhà lại có con nhỏ, Mừng cũng ngần ngại mỗi khi ra đường. Nhưng cuối cùng cô vẫn chọn ra đường, vì vẫn còn món nợ lơ lửng mỗi ngày.

“Thực ra số lượng đơn nhiều không phải vấn đề, nhưng đi lại khó khăn hơn”, Mừng bảo. Chốt chống dịch khắp nơi, kiểm tra gắt gao khiến tốc độ giao hàng bị kéo dài. Theo chân Mừng từ quận Hoàng Mai sang Ciputra, quãng đường hơn 8 cây số, cô chỉ giao được hai đơn hàng.

Mặc dù phí vận chuyển những ngày này tăng lên nhưng cô thừa nhận vất vả hơn, “Phí tăng 1,5 lần vào giờ cao điểm thì cũng không phải quá cao, trong khi tốc độ giao hàng chậm lại”. Thời gian có thể đưa 4-5 đơn hàng vào ngày bình thường, giờ cô chỉ giao được 1-2 đơn.

Đi cùng Mừng, thấy rõ nhiều lúc cô cũng bị “đứng hình” bởi đường xá ở các khu đô thị. Một đơn hàng ở Phạm Văn Đồng khiến cô mất cả nửa tiếng loanh quanh tìm đường vào. Các đường tắc quen thuộc đã bị dựng hàng rào, đường mới thì nhiều nhánh. Mừng vốn không phải shipper chuyên nghiệp.

 

Mừng cho biết, những ngày này việc đi lại khó khăn hơn nên thời gian giao hàng bị kéo dài.
Mừng cho biết, những ngày này việc đi lại khó khăn hơn nên thời gian giao hàng bị kéo dài.


Vài năm trước, cô cũng từng là một người thành đạt, có nhà, có ô-tô. Những biến cố liên tiếp ập đến, khiến cô từ bà chủ phải ôm hai đứa con ra đi với hai bàn tay trắng: “Đẻ con bé con được một tháng mình từng định đi tự tử rồi đấy. Lúc đó chẳng có gì, một đống nợ. Con khóc mà không có sữa, mình phải lên các group để xin sữa cho con. Đẻ được ba tháng thì mình phải gửi con để đi làm kiếm sống”.

Cứ tưởng mọi việc sẽ ổn định trở lại khi cô mở một công ty sơn nho nhỏ, thì Covid đến. Nhưng đã qua được biến cố giữa sống và chết, nên thời điểm công ty của cô phải ngưng trệ vì dịch Covid, cô bình tĩnh lắm.

Công ty mới mở, chưa được đủ hai năm nên không được ở trong diện doanh nghiệp được hỗ trợ vì ảnh hưởng dịch bệnh. Bà chủ nhỏ lại lâm vào cảnh nợ nần, ngoài số tiền nợ từ những ngày trước, Mừng còn phải đối mặt với việc trả lương cho những người đã làm với mình lâu năm.

“Họ làm với mình lâu lắm rồi, vì giãn cách bất ngờ quá nên họ không kịp về quê. Bây giờ người ta mắc kẹt lại mình cũng phải hỗ trợ chứ làm sao đành lòng kệ được”, Mừng lý giải cho lý do cô phải làm shipper. Để có tiền trang trải cho nhân viên, Mừng phải đi vay nóng, trả lãi hằng ngày: “Cũng may là trước khi bùng dịch thì mình cũng cơ bản thanh toán hết công nợ. Số còn lại chủ yếu là hỗ trợ nhân viên mắc kẹt ở Hà Nội”.

Mừng mới được tiêm một mũi vaccine tại điểm tiêm chủng của phường. Cô vẫn lo lắng mỗi khi đi làm, bởi cô sợ mình có thể mang virus về cho bọn trẻ. Nhưng món nợ mỗi ngày lơ lửng vẫn buộc cô phải ra đường. “Nhà mình vẫn phải làm nhiều nghề nữa, chạy thế này làm sao đủ”, Mừng giải thích thêm.

Trên một số diễn đàn giúp đỡ nhau mùa dịch, người ta vẫn nhắc tới Mừng, vì cô hay giúp đỡ các chuyến hàng từ thiện. Thi thoảng, cô sẽ hỗ trợ giao các đơn hàng của các nhà hảo tâm gửi tới các hoàn cảnh khó khăn trên tuyến đường được cấp phép. Thời điểm này, tìm được shipper đã khó, shipper chủ động bớt đơn “xin việc” như Mừng càng hiếm.

 

Mừng hay giúp đỡ các chuyến hàng từ thiện.
Mừng hay giúp đỡ các chuyến hàng từ thiện.


Có lúc, chính cô cũng tự bỏ tiền túi ra để giúp thêm những người cô gặp. Như có lúc, tự cô chạy xe đi xin rau 0 đồng, để đưa tới tận nơi ở của những công nhân đang co cụm ở Hà Nội sau mấy đợt giãn cách. “Kiêm nhiệm” khiến thời gian của cô phải thêm nhiều lần, nhất là khi cô vẫn vướng hai đứa con nhỏ.

Thế nhưng nhiều lúc, cô bảo lòng tốt của mình cũng bị tổn thương. Vài hôm trước, cô đọc một trường hợp kêu gọi giúp đỡ của một bạn gái. Trong điện thoại, cô gái nọ nói đã nhịn đói 4 ngày rồi, nên Mừng không quản trời nắng xấp xỉ 40 độ, gói ghém đồ đạc, nhận thêm cả gửi gắm của mấy nhà hảo tâm, tranh thủ tầm thời gian ít đơn hàng mang đồ hỗ trợ đến.

Nhưng mà cuối cùng cô ngỡ ngàng, vì người nhận hóa ra đã có nhiều trợ giúp lắm rồi, và cũng từ trước ngày giãn cách, họ đã sống bằng cách lợi dụng lòng thương như thế rồi. “Bao nhiêu người thiếu thốn hơn, cũng phải nhường cho người khác chứ”, cô thốt lên. Chủ nhân của những cuộc gọi kêu khóc nọ, chỉ nhún vai: “Người ta cho thì em nhận thôi”.

Nhưng có nhiều trường hợp như một cụ bà ở Vĩnh Hưng, mang được đồ cứu trợ đến, Mừng cũng rưng rưng. Cô bảo những hoàn cảnh đó khiến cô thấy mình làm đúng: “Nhiều người khó khăn hơn mình lắm, nên mình vất vả thế này đáng gì đâu”.

Buổi trưa, cô vẫn nhận đưa cơm của một nhà hảo tâm cho Trung tâm Y tế quận Đống Đa. Để cảm ơn, người ta sẽ nấu luôn một suất ăn của cô nữa, cô có thể yên tâm đi xuyên trưa. Bởi vì những đơn hàng liên tục có lúc làm cô lỡ bữa, nhất là trong thời điểm hàng quán đóng cửa, cũng chẳng ở đâu cho cô dừng quá 5 phút giao hàng.

Tuần rồi, vừa tiêm xong vaccine còn mệt, con lại ốm sốt, cô đã nghỉ mấy ngày liên tục. Nhưng người ta gọi nhờ cô đưa cơm từ thiện, cô lại lấy xe, giao đúng đơn hàng đó, rồi trở về.

Một ngày Mừng chạy trung bình 17-18 đơn hàng, trừ tiền ăn, tiền xăng xe, các chi tiêu phát sinh, cô bảo có vài trăm nghìn/ ngày. “Khá là vất vả. Nhưng cái quan trọng nhất là hàng ngày còn hỗ trợ là trả lãi. Quan trọng nhất là cái đó”, Mừng nhắc lại, như muốn nhấn mạnh.

 

 Lúc cô nghỉ ngơi sau mấy tiếng liên tục chạy xe rong ruổi.
Lúc cô nghỉ ngơi sau mấy tiếng liên tục chạy xe rong ruổi.


Với cô bây giờ, những con số nhỏ như vậy đều là một nỗ lực. Mừng cười, mồ hôi đầy trán, khi cô vừa bị bảo vệ tòa nhà nhắc nhở vì đứng đó quá lâu. Cô tính mượn bóng mát cái cây ven đường để ăn tạm quả táo mang theo. Đó là lúc 13 giờ , nắng đang chói chang. Hình như đấy là lúc cô nghỉ ngơi lâu nhất sau mấy tiếng liên tục chạy xe rong ruổi. Chừng 7 phút.

Sau đó, cô có một đơn tới tận Hoàng Quốc Việt. Đó là một túi cồng kềnh đầy rau củ. Mùa dịch như thế này, đơn hàng chủ yếu là để no bụng.

 

Theo MAI NGUYÊN - HOÀNG TOÀN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Xuân thêm vẹn tròn

Xuân thêm vẹn tròn

Khi sắc xuân sắp chạm ngõ mọi hiên nhà, bước chân mưu sinh của những người lao động dường như càng thêm hối hả, vội vã trên khắp phố phường. Bởi để đón mùa Tết đầm ấm hơn, họ phải vun vén, dành dụm trong ngoài để có thể đong đầy lu gạo, chắt tràn lọ mắm, thêm củ dưa hành…

Lệ Mật - làng 'cầm tinh' con rắn

Lệ Mật - làng 'cầm tinh' con rắn

Ở nước ta, không ít làng quê nuôi rắn hay chế biến thịt rắn. Nhưng với sự tích gắn với con rắn và cách chế biến các món ăn từ loài rắn thì làng Lệ Mật có nét độc đáo riêng không lẫn với bất kỳ đâu.

Bồi hồi mâm cỗ Tết xưa

Bồi hồi mâm cỗ Tết xưa

Món ăn trên mâm cỗ Tết bao giờ cũng hết sức cầu kỳ, tinh tế và chứa nhiều nội hàm sâu sắc. Nhưng cái ngon thật sự của cỗ Tết nằm ở hương vị của ký ức. Nếu chỉ cảm nhận bằng vị giác thôi thì chưa đủ…

Xuân về trên vùng “đất lửa” Đak Sơ Mei

Xuân về trên vùng “đất lửa” Đak Sơ Mei

(GLO)- Phát huy truyền thống anh hùng, lớp lớp cháu con của vùng căn cứ cách mạng Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tiếp tục đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng quê hương. Vùng “đất lửa” Đak Sơ Mei một thời gian khó nay đã chuyển mình khởi sắc.

Tết giữa đại dương

Tết giữa đại dương

Trong khi người người, nhà nhà tất bật chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 với gia đình, thì ở cảng cá Thọ Quang (TP. Đà Nẵng), các ngư dân miền Trung cũng đang tất bật chuẩn bị cho chuyến đi biển dài ngày và đón một cái Tết nữa giữa đại dương.

Thầy Nguyễn Quang Tưởng và cô RCom H’Ni (thứ 3 từ phải sang) tâm huyết với mô hình “Làng văn hóa dân tộc”. Ảnh: T.D

Người thầy làm “sống dậy” văn hóa dân tộc thiểu số trong trường học

(GLO)- Mong muốn xây dựng môi trường giáo dục đặc thù mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, năm 2023, thầy Nguyễn Quang Tưởng-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã phục dựng thành công “Làng văn hóa dân tộc” trong khuôn viên trường học.

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.