Thênh thang đường lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ai có dịp đi qua Quốc lộ 24 nối tỉnh Kon Tum với Quảng Ngãi đều cảm nhận được cung đường đẹp như dải lụa và rất ấn tượng bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ “sơn thủy hữu tình”. Cung đường được mở rộng đã và đang tạo bước chuyển mình cho những địa phương mà con đường đi qua.

Như dải lụa giữa đại ngàn Trường Sơn

Tuyến Quốc lộ 24 từ tỉnh Kon Tum nối với tỉnh Quảng Ngãi là con đường huyết mạch, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Kon Tum. Trong đó, đoạn qua tỉnh Kon Tum dài gần 100km (từ thành phố Kon Tum đến đèo Vi Ô Lăk, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông). Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải cho đầu tư xây dựng hoàn thiện gần 80 km với quy mô đường cấp III- miền núi đã hoàn thành. Hơn 20km còn lại của con đường chưa có vốn đầu tư mở rộng cũng đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ sửa chữa để sớm hoàn thiện đưa vào sử dụng. Đường được xây dựng với nền đường trung bình rộng 9 mét, những đoạn qua đô thị đạt tiêu chuẩn đường đô thị, bình quân rộng hơn 11m, cá biệt, đoạn qua thành phố Kon Tum rộng hơn 20m.

Dọc Quốc lộ 24 là những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Ảnh: P.N

Dọc Quốc lộ 24 là những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Ảnh: P.N

Đặc biệt, tuyến đường được mở không chỉ tạo cảnh quan đẹp, thúc đẩy sự phát triển mà còn có vai trò quan trọng kết nối du lịch Măng Đen với các tỉnh miền Trung, xóa đi những cách trở, tạo nên cung đường đẹp, thơ mộng.

Đi dọc con đường, chúng ta có thể cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn, được hít thở bầu không khí trong lành của những cánh rừng già, rừng phòng hộ và ngắm những rặng thông ven đường vu vi gió ngàn. Xuyên suốt dọc tuyến đường là những “đường cong mềm mại” uốn lượn qua những con dốc, đoạn đèo như Măng Đen, Vi Ô Lăk tạo nên khung cảnh thơ mộng. Cung đường đẹp này rất phù hợp và lý tưởng cho những ai thích du lịch “phượt”, khám phá thiên nhiên, ngắm cảnh sắc hùng vĩ trên đại ngàn Trường Sơn. Đây cũng là cung đường lý tưởng cho những ai thích săn mây, ngắm cảnh sương mù huyền ảo vào những buổi sáng sớm và chiều tà.

Đi trên cung đường này, du khách được khám phá cảnh quan thiên nhiên và những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, thấp thoáng xa xa là những nếp nhà truyền thống của đồng bào DTTS ẩn hiện sau làn khói, mây mù mờ ảo. Ngoài ra, đi dọc trên cung đường, chúng ta có thể ngắm nhìn các thửa ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại như những dải lụa vàng quấn quanh triền núi xanh, xếp tầng, xếp lớp men theo sườn đồi, thấp thoáng trong mây trắng phủ mờ, nối tiếp nhau, óng ánh trong nắng vàng tuyệt đẹp-một vẻ đẹp hết sức dung dị và thơ mộng trên Quốc lộ 24.

Ngôi làng nằm dọc Quốc lộ 24. Ảnh: P.N

Ngôi làng nằm dọc Quốc lộ 24. Ảnh: P.N

Đặc biệt, từ thành phố Kon Tum, cũng trên con đường này, sau khi vượt qua những cung đường quanh co, vượt qua đèo Măng Đen uốn lượn xuyên qua cánh rừng già du khách đến với Khu du lịch quốc gia Măng Đen. Khu du lịch quốc gia Măng Đen nằm ngay trung tâm thị trấn Măng Đen với nhiều cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Nằm giữa hai đèo Vi Ô Lăk và Măng Đen, trên đỉnh Trường Sơn, nơi đây được hưởng khí hậu ôn hòa của Đông và Tây núi Trường Sơn nên mát mẻ quanh năm. Đây là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách thích du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng. Đến Măng Đen, du khách không chỉ được hít thở không khí trong lành mà còn được ngắm những thảm thực vật xanh ngát, bạt ngàn thông xen kẽ màu tím của hoa sim phủ kín những sườn đồi, xa xa có nhiều hồ, thác nước ngày đêm sủi bọt trắng xóa.

Măng Đen còn hoang sơ, nếu như lần đầu tiên đặt chân tới bạn sẽ hết sức ngỡ ngàng với những cung đường ngoằn ngoèo, phủ lối bởi hàng thông reo, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng. Những buổi sớm mai, sương mây sà xuống cả không gian chìm trong biển mây trắng xóa, bồng bềnh như chốn thần tiên.

Để con đường đẹp như hiện nay, tạo thuận lợi cho du khách đến với Măng Đen là cả sự vất vả, vượt khó của đội ngũ những người kỹ sư, công nhân mở đường. Gần 3 năm xây dựng, con đường mới hoàn thành. Trong gần 3 năm ấy, hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân đã phải ăn ngủ ở rừng, ngày đêm vượt nắng, thắng mưa, đào, đắp, bạt hơn 30 ngọn núi, xuyên rừng để tạo nên con đường kết nối thông thương.

Có lẽ, ngoài niềm vui của người dân khi con đường được hoàn thành, thì những người đi mở đường cảm thấy hạnh phúc nhất khi những công lao, vất vả của họ đã và đang góp phần mang đến niềm vui, hạnh phúc cũng như sự phát triển sau này cho những mảnh đất mà con đường đi qua.

Góp phần thúc đẩy sự phát triển

Quốc lộ 24 dài trên 168 km (qua Quảng Ngãi 68 km, Kon Tum 100 km). Ở địa bàn Kon Tum, Quốc lộ 24 đi qua thành phố Kon Tum và 2 huyện Kon Rẫy, Kon Plông. Đây là tuyến giao thông đặc biệt quan trọng, huyết mạch nối tỉnh Kon Tum với các tỉnh Tây Nguyên với khu công nghiệp Dung Quất, các trung tâm kinh tế, các cảng biển lớn như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định. Đặc biệt, tuyến đường lại nằm trên trục hành lang kinh tế Đông Tây sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương dọc tuyến đường ngày càng phát triển. Từ khi được xây dựng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại và trao đổi hàng hóa của người dân mà nó còn mở hướng phát triển nhanh cho các địa phương. Tuyến đường này được nâng cấp rộng, đẹp hơn đã mở ra “cánh cửa” cho huyện Kon Plông và Kon Rẫy phát triển.

Quốc lộ 24 hoàn thành tạo thuận lợi cho đi lại, thúc đẩy phát triển. Ảnh: PN

Quốc lộ 24 hoàn thành tạo thuận lợi cho đi lại, thúc đẩy phát triển. Ảnh: PN

Chia sẻ điều này, ông Phạm Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Những năm trước đây, khi Quốc lộ 24 chưa được sửa chữa, mở rộng, lượng khách du lịch đến với Măng Đen không nhiều bởi giao thông đi lại khó khăn. Nhưng kể từ khi Quốc lộ 24 được nâng cấp mở rộng, lượng khách du lịch đến với Măng Đen tăng mạnh. Những dịp vào mùa lễ hội, ngày nghỉ, các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn được khách du lịch đặt kín chỗ. Điều đó không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và nó còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện ngày càng phát triển.

“Phải nói rằng, từ khi Quốc lộ 24 được mở rộng đã góp phần to lớn cho sự phát triển huyện. Giao thông đi lại thuận tiện khiến người dân rất phấn khởi. Nhiều hộ dân có nhà mặt đường đã sửa sang hàng quán để buôn bán, kỳ vọng con đường sẽ giúp đời sống người dân ngày một khởi sắc hơn”- ông Thắng chia sẻ.

Phải khẳng định rằng, Quốc lộ 24 được xây dựng đã tạo điều kiện giúp bà con sinh sống dọc hai bên đường thuận lợi trong giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Con đường không chỉ tạo điều kiện trong việc đi lại, bảo đảm an toàn giao thông mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của những địa phương nơi con đường đi qua.

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.