(GLO)- Vụ tai nạn giao thông lật xe công nông sáng 30-1 đã để lại hậu quả nghiêm trọng, không khí đau thương, bấn loạn bao trùm làng quê và những người may mắn sống sót…
Hậu quả nặng nề
Khoảng 9 giờ 30 phút sáng 30-1, tại km 47, tỉnh lộ 666, thuộc xã Hbông (huyện Chư Sê), đoạn tiếp giáp với xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Xe công nông (loại xe máy kéo nhỏ) mang BKS 81L-7718 do Lê Minh Hiếu (SN 1991) điều khiển chở thêm 11 người, có quan hệ họ hàng, thân thích cùng trú xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) ngồi phía sau thùng xe, lưu thông theo hướng xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) đi huyện Ia Pa đã mất lái lao vào hộ lan phòng hộ và lật nghiêng xe. Vụ tai nạn đã khiến 2 người chết và 9 người bị thương.
Xe công nông chở gần chục người lưu thông trên quốc lộ 19, đoạn qua thị trấn Đak Đoa. Ảnh: N.T |
Sau vụ tai nạn giao thông, không khí đau thương và bấn loạn bao trùm từ làng quê đến bệnh viện, nơi các bệnh nhân nặng đang nằm điều trị. Tại Plei Mil (xã Ia Sol), ông Kpăh Nhung ngồi thẫn thờ bên di ảnh của vợ Ksor H’Bla. “Bữa trước, cháu Hiếu đến nhà mướn đi nhổ mì ở rẫy, thương cháu hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mình nói vợ đi giúp và cho mượn xe công nông luôn. Có ngờ đâu xảy ra sự việc đau lòng. Từ nay trở đi tôi không dám ngồi lên xe công nông nữa đâu”- ông Nhung nghẹn ngào.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Thiện, Rmah H’Yéh (SN 1982) nằm bất động. Khuôn mặt đờ đẫn của chị chi chít những vết trầy xước. Nước mắt rỉ từ đôi mắt đỏ hoe. Theo hồ sơ bệnh án, Yéh bị gãy xương đòn vai trái, gãy xương sườn 6, 7, 8 và 9 do tai nạn giao thông. Nhập viện từ sáng 30-1 nhưng đến sáng ngày 2-2 chị mới quay lại viện điều trị. Yéh nén đau đớn thể xác để về làm đám tang cho đứa con xấu số Rmah H’Thom trong buổi sáng định mệnh ấy. Buổi sáng 31-1, chị cùng chồng và 2 con nhỏ ngồi trên thùng xe công nông trở về nhà sau nhiều ngày nhổ mì thuê. Chiếc xe bị lật, cả gia đình chị bị thương nặng được chở đến Bệnh viện Đa khoa huyện Ia Pa cấp cứu, rồi mỗi người được chuyển đến một bệnh viện khác nhau. Người chồng tên Siu Uôn (SN 1980) chuyển qua Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa. Con gái Thom chuyển cấp cứu gấp lên tỉnh nhưng đã tử vong trên đường di chuyển. Chị Yéh được chuyển qua Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Thiện.
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ayun Pa, còn lại hai bệnh nhân Rmah Jú (SN 1997) và Siu Sứ (SN 1998) bị gãy kín xương đòn và gãy ụ ngồi còn ở lại điều trị. Bệnh nhân Siu Uôn đã xin ra viện để về Phú Thiện chăm sóc vợ, cho dù chấn thương cột sống thắt lưng và gãy mõm xương ngang L4 bên trái… cần điều trị trong thời gian dài như cảnh báo của bác sĩ.
Theo ông Đinh Văn Chinh-Chủ tịch UBND xã Ia Sol (huyện Phú Thiện), toàn xã hiện có 214 xe công nông, xe độ chế. Từ khi có chủ trương cấm xe công nông lưu thông trên các tuyến quốc lộ, UBND xã thường xuyên tổ chức vận động thực hiện. Tuy nhiên, Ia Sol là xã thuần nông và nhận thức của người dân còn hạn chế nên vẫn xảy ra tình trạng xe công nông chở người, nông sản lưu thông trên đường quốc lộ. Bên cạnh đó, việc thực hiện cấm xe công nông còn nhiều khó khăn vì đến thời điểm này, trên cả nước vẫn chưa có phương tiện nào hữu hiệu để thay thế xe công nông. Loại xe đã được chọn để thay thế xe công nông chỉ chở được hàng ở địa hình đồng bằng, mà giá thành lại cao. |
Cũng tại đây, chúng tôi gặp Lê Minh Thành đang ân cần chăm sóc cho hai nạn nhân trong vụ lật xe công nông do anh trai là Lê Minh Hiếu điều khiển. Thành kể: “Anh Hiếu lấy vợ là người Jrai nhưng gia đình bên vợ có hoàn cảnh éo le. Trước đó mấy tháng, bố vợ anh Hiếu trong cơn say đã đánh chết mẹ vợ, để lại mấy đứa con nheo nhóc. Vợ chồng anh Hiếu đã có hai đứa con nhưng gia cảnh khó khăn, nay lại phải nuôi thêm mấy đứa em nên càng túng bấn. Trước ngày xảy ra vụ tai nạn, anh Hiếu mượn họ hàng bên vợ giúp vào rẫy nhổ mì, khi ra về thì gặp tai nạn. Anh Hiếu cũng bị chấn thương nặng ở đầu phải khâu 5 mũi, đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ia Pa. Xảy ra sự việc ngoài ý muốn, em và mấy anh chị trong nhà, luân phiên đỡ đần cho các nạn nhân”.
Ẩn họa từ xe công nông
Theo Nghị quyết 32/2007 của Chính phủ, việc đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh trên địa bàn cả nước được thực hiện từ ngày 1-1-2008, trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ. Song song với việc cấm lưu hành xe công nông, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1491/QĐ-TTg nhằm “hỗ trợ để thay thế xe công nông, xe tải quá niên hạn sử dụng tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên”. Theo đó, người dân sẽ được hỗ trợ 9 triệu đồng/hộ để mua xe “4 bánh chở hàng” dung tích 300 cc, tải trọng 500 kg của Công ty cổ phần Ô tô TMT thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam.
Tại Gia Lai, ngày 24-12-2007, UBND tỉnh có Quyết định 108/2007/QĐ-UBND sửa đổi một số điều của Quy định về việc quản lý xe công nông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thuật ngữ xe công nông bao gồm các loại xe độ chế; xe máy phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp và xe máy kéo nhỏ. Xe công nông được phép hoạt động trên địa bàn đường giao thông nông thôn. Cấm xe công nông lưu hành trong địa bàn thị trấn, thị xã, thành phố, trên các tuyến tỉnh lộ và quốc lộ 14, 19, 25 qua địa bàn tỉnh.
Mặc dù cấm, nhưng tình trạng xe công nông lưu thông vẫn diễn ra phổ biến, từ chở các nông sản, vật liệu quá khổ cho tới chở hàng chục người vô tư chạy ầm ầm trên quốc lộ. Thậm chí, ban đêm người ta còn dùng đèn pin thay đèn xe để soi đường, gây khó khăn cho các phương tiện giao thông khác, không ít trường hợp tông vào thùng xe công nông. Người dân ở dọc các quốc lộ 14, 19, 25… đã quen cảnh xe công nông nối đuôi nhau trên đường mỗi chiều. Với lái xe ô tô đường dài, hễ thấy xe công nông là phải né.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết, theo số liệu thống kê từ năm 2008, tỉnh ta có 5.715 xe độ chế; 12.145 xe máy kéo nhỏ, xe phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp, trong đó đã thực hiện cấp đăng ký biển số cho 2.891 xe. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã hỗ trợ hơn 9 tỷ đồng để thay thế xe công nông, xe tải quá niên hạn sử dụng.
Nguyễn Tú