Tối 8/10, tại Nhà hát Hồ Gươm đã diễn ra chương trình hòa nhạc đặc biệt mang tên “Thắp sáng niềm tin,” nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Theo Ban tổ chức, ngày 10/10/1954 đánh dấu sự kiện lịch sử quan trọng đối với nhân dân cả nước nói chung và người dân Hà Nội nói riêng-đó là ngày tiếp quản Thủ đô, mở ra thời kỳ phát triển mới của Hà Nội và đất nước.
70 năm qua, Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước mà còn là Thủ đô của ngàn năm văn hiến - Thành phố vì hòa bình.
Chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10), Nhà hát Hồ Gươm phối hợp với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức chương trình hòa nhạc “Thắp sáng niềm tin,” do Thiếu tướng, Nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Công Bẩy chỉ đạo nội dung.
Chỉ đạo nghệ thuật: Ông Trần Hải Đăng; Nghệ sỹ ưu tú Trịnh Tùng Linh; Thượng tá, Nghệ sỹ ưu tú Trần Thị Út Lan. Phối khí: Trần Mạnh Hùng, Cao Đinh Thắng, Lê Bằng. Chỉ huy dàn nhạc: Nghệ sỹ ưu tú Kim Xuân Hiếu.
Chương trình có sự góp mặt của Nghệ sỹ ưu tú Khánh Ngọc; các ca sỹ: Phạm Thu Hà, Bảo Yến, Trần Trang, Trường Linh, Đức Tùng… và sự xuất hiện của Violonist - Nghệ sỹ nhân dân Bùi Công Duy, cùng các nghệ sỹ Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân.
Với những bài ca đi cùng năm tháng và những ca khúc cùng tên được chuyển soạn cho Dàn nhạc Giao hưởng trình tấu, chương trình hòa nhạc “Thắp sáng niềm tin” đã mang đến cho khán giả một không gian âm nhạc trọn vẹn, với những giai điệu đẹp về Thủ đô Hà Nội như: “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao; “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi; “Bài ca Hà Nội” của Vũ Thanh; “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của Phan Nhân; “Hà Nội 12 mùa hoa” của Giáng Son; “Hà Nội ngày trở về” của Phú Quang; “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn; “Trời Hà Nội xanh” của Văn Ký…
Các tác phẩm âm nhạc đầy cảm xúc về Hà Nội trong chương trình, đã đưa khán giả trở về với ký ức của một thời Hà Nội, với “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” - đó là những dấu ấn đặc biệt không chỉ đối với những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mà với tất cả những người con đất Việt, bởi Hà Nội - trái tim của cả nước luôn là niềm tự hào để mỗi chúng ta dù ở đâu cũng luôn hướng về.
Ngoài những ca khúc về Hà Nội, chương trình còn có những tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước, ca ngợi tình yêu Tổ quốc, khơi gợi niềm tự hào dân tộc như: “Giai điệu Tổ quốc” của Trần Tiến; “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của Nguyễn Tài Tuệ; “Người về đem tới ngày vui” của Trọng Bằng; “Tự nguyện” của Trương Quốc Khánh; “Bài ca hy vọng” của Văn Ký; “Cảm xúc tháng Mười” của Nguyễn Thành; “Những bàn chân lặng lẽ” của Vũ Thảo…
Chia sẻ cảm xúc khi được góp mặt trong chương trình, nghệ sỹ Đức Tùng cho biết, anh thấy vui và tự hào khi được biểu diễn trong buổi hòa nhạc lớn nhân kỷ niệm 70 ngày Giải phóng Thủ đô.
Nghệ sỹ Đức Tùng cho biết, anh và các nghệ sỹ tập luyện nghiêm túc, chăm chỉ trong nhiều ngày, cùng với sự hướng dẫn tận tình từ Nhạc trưởng Kim Xuân Hiếu và các đồng nghiệp để có thể mang đến cho khán giả một chương trình biểu diễn đầy cảm xúc, với những giai điệu đẹp, mang thông điệp ý nghĩa về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu cuộc sống và vẻ đẹp rất riêng của Hà Nội…
Với ca sỹ Trần Trang, được biểu diễn những tác phẩm đi cùng năm tháng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt này là niềm vinh dự, tự hào. Để thể hiện tốt phần trình diễn của mình, ca sỹ Trần Trang đã dành nhiều thời gian nghiên cứu phong cách hát và đưa sự sáng tạo vào trong những ca khúc, để biểu diễn tác phẩm một cách tốt nhất, vừa mang hồn cốt của dân tộc, nhưng đồng thời cũng mang hơi thở của thời đại.
Có thể thấy, nhiều năm qua, Hà Nội đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho giới văn nghệ sỹ sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc với nhiều góc nhìn, cách cảm của các nhạc sỹ. Những sáng tạo ở nhiều hình thức, thể loại từ thanh nhạc đến khí nhạc, âm nhạc truyền thống... như một cuốn “biên niên sử” bằng âm thanh về Thủ đô Hà Nội trong thời chiến cũng như thời bình.
Theo TTXVN/Vietnam+