(GLO)- Sau một thời gian dài tâm huyết, gắn bó với việc trồng rừng phòng hộ, phủ xanh đồi trọc khắp các huyện Chư Pah, Đak Pơ, ông chủ doanh nghiệp Nguyễn Xuân Phương lại trở về làm lão nông, ngày ngày chăm chút cho trang trại xây dựng theo mô hình vườn-ao-chuồng-rừng của mình. Không chỉ vậy, lão nông này còn trở thành người bạn đồng hành tin cậy của nhiều nông dân trong vùng bởi bản lĩnh cũng như lòng tốt bụng của mình.
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Xuân Phương (thôn An Thượng 3, xã Song An, thị xã An Khê) vào một buổi trưa nắng nóng. Ngồi trong chòi nhỏ bên hiên nhà, xung quanh rộn tiếng gà, vịt, tiếng cây lá xào xạc mát rượi, cùng nhâm nhi tách trà và lắng nghe ông Phương-bằng chất giọng Bình Định rắn rỏi, chậm rãi kể về mình…
Gắn bó với việc trồng rừng
Ông Phương có ý định thử nghiệm trồng 300 cây mắc ca. Ảnh: Phương Linh |
Công việc trồng rừng gắn bó với ông Phương kể từ khi ông tham gia dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (Dự án 661-P.V) của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Khi mới bắt đầu nhận diện tích trồng rừng do các Ban Quản lý Rừng phòng hộ tỉnh giao, ông gặp khá nhiều khó khăn, thách thức từ khâu chuẩn bị cây giống, nhân công đến kỹ thuật mà đặc biệt là cách bảo vệ diện tích rừng trồng. Thế nhưng, với sự quyết tâm bền bỉ, ông Phương đã thành công khi phủ xanh hơn 2.000 ha rừng phòng hộ cho các huyện Đak Pơ (1.052 ha khu vực rừng đèo Mang Yang), Chư Pah (950 ha khu vực rừng đầu nguồn Biển Hồ và rừng bảo vệ thủy điện Ia Ly). Đến nay, diện tích rừng trên vẫn đang phát triển xanh tốt, góp phần bảo đảm an ninh môi trường, giảm thiểu thiên tai, trở thành lá phổi xanh cho địa phương.
Không chỉ vậy, trong suốt nhiều năm thực hiện dự án, ông Phương còn tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tham gia công tác trồng rừng. “Những nhân công lao động làm cho tôi lúc bấy giờ chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Tôi muốn tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho họ, đồng thời qua công việc này, cũng muốn truyền thêm kỹ thuật trồng trọt cũng như giúp họ hiểu về tầm quan trọng của rừng, từ đó có ý thức trong việc bảo vệ rừng”-ông Phương chia sẻ. Với ông, nguyện vọng lớn nhất chính là “trồng được thật nhiều rừng, giúp cho lá phổi xanh ngày càng khỏe mạnh”.
Yêu thích làm trang trại
Trang trại rộng lớn với 9 ao nuôi cá nước ngọt. Ảnh: Phương Linh |
Cùng với việc trồng rừng, năm 2000, ông Phương bắt tay vào làm trang trại nông-lâm kết hợp chăn nuôi với vốn đầu tư ban đầu là 300 triệu đồng. Sẵn kiến thức trồng rừng vốn có, ông đầu tư trồng 6-7 ha rừng, bên cạnh đó, ông kết hợp trồng lúa nước, đào ao nuôi cá, nuôi gà, nuôi dê, bò. Khi trang trại đã dần đi vào ổn định, ông Phương bắt đầu nghiên cứu, học hỏi sách báo, tham gia nhiều hội thảo khác nhau để tìm kiếm, thử nghiệm nhiều loại cây trồng thích hợp với thổ nhưỡng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, trên khu đất rộng đẹp tựa một khu du lịch sinh thái có đến 9 ao nuôi cá nước ngọt (500-600 m2/ao), hàng trăm con gà, vịt, bò,… Ngoài diện tích rừng cây nguyên liệu là keo, bạch đàn nói trên, năm 2009, ông Phương còn đầu tư trồng 200 cây mít cao sản của Công ty Vinamit, đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch. Hiện tại, ông đang nghiên cứu và dự tính đưa vào trồng thử nghiệm 300 cây mắc ca bởi những lợi ích kinh tế mà nó đem lại. Ông Phương nhẩm tính, mô hình vườn-ao-chuồng-rừng này mỗi năm đem lại nguồn thu nhập cho cả gia đình ông không dưới 500 triệu đồng và giải quyết hơn 1.000 công lao động nông nhàn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.
Không chỉ giỏi trong làm kinh tế, ông Phương còn được người dân quanh vùng nể trọng bởi sự nhiệt tình của mình. Là một Chi hội trưởng Hội Nông dân tích cực, bằng chính nguồn vốn của mình, ông Phương đứng ra cho bà con nông dân mua phân trả chậm với tổng số nợ tồn lên đến gần 900 triệu đồng. Không chỉ vậy, với những kiến thức sâu rộng về trồng trọt, chăn nuôi, ông còn là nơi tư vấn, học hỏi của nhiều nông dân có ước muốn làm giàu khác. Ông bày tỏ: “Tôi muốn thông qua Hội Nông dân, mà cụ thể là Câu lạc bộ Khoa học-Kỹ thuật do tôi làm Chủ nhiệm trở thành đầu mối trung gian xác minh nguồn gốc nông sản cho nông dân, từ đó liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, giúp bà con ổn định giá cả đầu ra, từ đó yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống”.
Phương Linh