(GLO)- Với mục tiêu trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh Gia Lai trước năm 2020, Pleiku đã và đang nỗ lực không ngừng xây dựng hình ảnh một thành phố trẻ văn minh, năng động, phát triển mạnh về kinh tế, đảm bảo về trật tự xã hội. Đồng thời phát huy tối đa vai trò vùng kinh tế động lực của tỉnh, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc thu hút vốn đầu tư hợp tác-hội nhập kinh tế quốc tế...
Hiện nay, Pleiku là đô thị lớn thứ 3 tại Tây Nguyên và giữ vai trò quan trọng nhất của vùng Bắc Tây Nguyên. Bên cạnh đó, TP. Pleiku được xác định là vùng kinh tế động lực, đầu mối giao thương hợp tác phát triển với các tỉnh Duyên hải miền Trung-Tây Nguyên cũng như giữ một vị thế quan trọng ở khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Với vị thế đó, Đảng bộ và nhân dân TP. Pleiku luôn giữ vững tinh thần đoàn kết thống nhất, phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực phấn đấu để xây dựng hình ảnh một thành phố trẻ văn minh hiện đại, xứng đáng với tầm vóc đô thị hạt nhân của tỉnh.
Thành phố Pleiku hôm nay. Ảnh: N.G |
Trong 5 năm (2010-2015), TP. Pleiku đạt tốc độ tăng trưởng là 12%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 ước đạt 39,1 triệu đồng/người. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng ngành thương mại-dịch vụ chiếm 50,2%, công nghiệp-xây dựng chiếm 44,4%, nông-lâm nghiệp, thủy sản chiếm 5,4%; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển mạnh, các cơ sở thương mại-dịch vụ phát triển nhanh. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng đô thị được chú trọng đầu tư xây dựng với hàng loạt công trình quy mô lớn, hiện đại như: Quảng trường Đại Đoàn Kết, Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, quốc lộ 14 đoạn qua TP. Pleiku, nâng cấp mở rộng Cảng Hàng không Pleiku, Bệnh viện Quân y 211.
Song song với nguồn lực của Nhà nước, các doanh nghiệp đã tích cực đầu tư xây dựng nhiều công trình lớn, mang hiệu quả kinh tế-xã hội lâu dài. Chỉ trong 5 năm, thành phố Pleiku đã huy động được 18.400 tỷ đồng, tăng bình quân 12,2%/năm, trong đó tỷ trọng vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân ngày càng tăng, cơ cấu đầu tư hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực. Đơn cử như các công trình: Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai, chung cư Hoàng Anh Gia Lai, cao ốc Đức Long, Nhà máy Cung ứng Sữa tươi-Thịt bò Nutifood Tây Nguyên, dự án khu vui chơi giải trí Đồng Xanh, khu phố mới Hoa Lư-Phù Đổng, Nhà máy Nước Sài Gòn-Pleiku... đã đưa vào hoạt động ổn định. Ở lĩnh vực tài chính, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 8,1%, đến năm 2015 thu ngân sách ước đạt 569,3 tỷ đồng.
Một điểm nhấn quan trọng khác là hệ thống công trình hạ tầng đô thị đã được đầu tư, chỉnh trang bài bản theo Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 11-8-2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa X) đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng từ nhân dân trên địa bàn. 5 năm qua, thành phố đã nâng cấp, mở rộng 41 tuyến đường giao thông chính, xây dựng hơn 253 tuyến đường hẻm, đường giao thông nông thôn, đầu tư 35 bãi đậu xe công cộng nội thành, xây dựng mới 22,85 km vỉa hè đường chính. Nhờ có sự đồng tâm hiệp lực của nhân dân, sự tham gia đóng góp bằng nhiều nguồn lực mà bộ mặt đô thị đã thay đổi rõ rệt, khang trang sạch đẹp hơn.
Đến nay, toàn thành phố đã có 1.415 hộ dân tự nguyện hiến đất với diện tích 17.212 m2, 1.023 hộ tháo dỡ vật kiến trúc, di dời hàng rào với diện tích đất 11.563 m2, 197 hộ tự nguyện tháo dỡ một phần diện tích nhà ở, không yêu cầu đền bù... Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đánh giá, đây là quy hoạch được đầu tư cơ bản, lâu dài và là cơ sở để tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị tại một số khu vực trung tâm.
Với nền tảng sẵn có, thành phố đã xác định mục tiêu trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh trước năm 2020, xây dựng diện mạo mới của Pleiku “Xanh-sạch-đẹp-văn minh-hiện đại-thân thiện”. Để đạt được điều này, Pleiku giữ quan điểm phát triển theo hướng tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng-thế mạnh, xây dựng thành phố mạnh về kinh tế, giữ vững quốc phòng-an ninh, đảm bảo trật tự xã hội. Theo đó, thành phố duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất, nâng cao chất lượng ngành thương mại-dịch vụ. Tranh thủ tối đa điều kiện thuận lợi trong chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh để kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn ODA, ADB; tăng cường vận động nhân dân tham gia vào công tác xây dựng-chỉnh trang đô thị theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đồng thời chú trọng đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp có lợi thế của địa phương...
Hải Bình