Sihanoukville nằm cách thủ đô Bắc Kinh hơn 3.500 km, nhưng nơi đây giống như một thành phố của Trung Quốc, hơn là một thị trấn ven biển im lìm của Campuchia.
Công nhân Campuchia làm việc tại công trình xây dựng nhà cao tầng ở Sihanoukville (Ảnh: AFP)
Tại Sihanoukville, người ta có thể nghe thấy tiếng Trung Quốc ở khắp mọi nơi. Các nhà hàng Trung Quốc xuất hiện trên những con đường phủ bụi - nơi các công trình xây dựng khổng lồ, bao gồm nhiều khách sạn và hơn 80 sòng bạc, mọc lên như nấm.
Nằm ở phía tây nam Campuchia, Sihanoukville trước đây từng là một làng chài và là điểm đến yêu thích của dân du lịch bụi. Nhưng bây giờ mọi thứ đang bùng nổ và phần lớn sự phát triển của Sihanoukville đều nhờ có nguồn tiền từ Trung Quốc.
Người Trung Quốc bắt đầu đổ xô tới Sihanoukville khoảng 3 năm trước đây, nhờ vào các quy định nhập cư lỏng lẻo trong bối cảnh chính quyền Campuchia đang tìm kiếm sự đầu tư nhiều hơn từ nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc.
Thị trưởng Sihanoukville Y Sokleng cho biết cộng đồng người Trung Quốc tại Sihanoukville hiện đã tăng lên con số khoảng 80.000 người, tương đương với số người Campuchia bản địa sống tại thành phố này.
Theo cảnh sát trưởng Chuon Narin, hiện tại, gần 90% cơ sở kinh doanh tại Sihanoukville, từ khách sạn cho tới sòng bạc, nhà hàng và tiệm mát xa, đều do người Trung Quốc vận hành.
Làn sóng Trung Quốc đã tạo ra những cơ hội, song cũng dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng cho Sihanoukville.
Chính quyền địa phương cho biết vấn nạn cờ bạc bất hợp pháp, mại dâm và buôn lậu ma túy đang diễn ra tràn lan tại Sihanoukville. Trong khi đó, vụ sập nhà gây chết người gần đây tại Sihanoukville cũng thổi bùng cơn giận dữ về chất lượng và sự an toàn của của các công trình xây dựng Trung Quốc. Giá thuê nhà tăng cao cũng buộc những người nghèo nhất phải rời khỏi thành phố này.
Làn sóng Trung Quốc
Hiện trường vụ sập nhà khiến 28 người Campuchia thiệt mạng hồi tháng 6 (Ảnh: Kristin Huang)
Hồi tháng 6, sau khi công trình xây dựng nhà 7 tầng do người Trung Quốc sở hữu bị sập trong lúc các công nhân đang ngủ, khiến 28 người Campuchia thiệt mạng, Tỉnh trưởng Yun Min đã từ chức và một cuộc điều tra đã được tiến hành trên toàn thành phố.
22 công trình xây dựng không giấy phép, chiếm khoảng 10% dự án xây dựng tại Sihanoukville, và phần lớn trong số đó do người Trung Quốc sở hữu, đã bị đình chỉ hoạt động. Hai tòa nhà mới của người Trung Quốc phải nhận lệnh phá bỏ sau khi xuất hiện các vết nứt lớn và sụt lún sau những trận mưa.
Thị trưởng Y Sokleng nói rằng các vấn đề liên quan tới an toàn xây dựng tại các công trình xây dựng Trung Quốc khiến người dân địa phương bức xúc.
“Những hành vi làm ẩu của người Trung Quốc, chẳng hạn sử dụng các nguyên vật liệu xây dựng không đạt tiêu chuẩn, đã ảnh hưởng tới độ an toàn của công trình, và điều này khiến người dân địa phương tức giận”, ông Sokleng cho biết.
Ngoài ra, nhà hoạt động môi trường Alex Gonzalez-Davidson cũng nói rằng sự bùng nổ của các công trình xây dựng tại Sihanoukville đã dẫn tới sự hủy hoại nghiêm trọng về môi trường. Theo ông Davidson, tình hình càng trở nên xấu hơn khi thành phố này không đảm bảo về các dịch vụ công cộng như điện, nước, xử lý rác thải.
Trong khi đó, tỷ lệ tội phạm gia tăng. Cảnh sát ước tính số vụ phạm tội tại Sihanoukville năm ngoái tăng lên 25% so với năm 2017.
Hồi tháng 7, một phụ nữ Trung Quốc làm việc tại một sòng bạc đã bị bắn chết trên đường vào ban đêm. Cảnh sát vẫn đang truy tìm 3 nghi phạm Trung Quốc. Vụ việc này xảy ra sau khi một người đàn ông Trung Quốc bị bắn chết giữa ban ngày hồi tháng 5. Hai người Trung Quốc bị bắt vì có liên quan tới vụ việc này.
Các vụ giết người buộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải ra khuyến cáo hôm 3/8, kêu gọi người dân nước này cẩn trọng khi tới thăm Sihanoukville. Trung Quốc là thị trường du lịch hàng đầu của Campuchia với khoảng 1,9 triệu người Trung Quốc tới Campuchia trong năm 2018, tăng so với 1,2 triệu người vào năm 2017.
Trong bối cảnh có nhiều vấn đề liên quan tới ma túy, mại dâm và cờ bạc bất hợp pháp, Campuchia và Trung Quốc đã ký hiệp ước hành pháp hồi tháng 3 để đối phó với tội phạm xuyên quốc gia.
Hồi tháng 7, cảnh sát Sihanoukville đã bắt 146 người, chủ yếu là người Trung Quốc, vì nghi ngờ sử dụng và buôn bán ma túy trong một cuộc đột kích vào sáng sớm tại một hộp đêm do người Trung Quốc sở hữu.
Hơn 500 người Trung Quốc đã bị bắt tại Sihanoukville và bị trục xuất kể từ giữa tháng 7, phần lớn bị cáo buộc có liên quan tới hành vi lừa đảo trực tuyến.
Hệ lụy phía sau
Một sòng bạc tại Campuchia (Ảnh: Kristin Huang)
Sự bùng nổ của các sòng bạc tại Sihanoukville, trong đó có 48 sòng bạc do người Trung Quốc điều hành, được xem là một trong những vấn đề xã hội lớn. Các sòng bạc này chỉ phục vụ người nước ngoài, do người Campuchia không được phép chơi.
Hồi tháng 2, Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính Quốc tế, một cơ quan giám sát trên phạm vi toàn cầu, đã đặt Campuchia vào danh sách đen sau khi phát hiện những lỗ hổng chiến lược trong khả năng của nước này nhằm đối phó với vấn nạn rửa tiền và tài chính khủng bố.
“Sihanoukville có thể trở thành trung tâm rửa tiền bẩn từ Trung Quốc, chủ yếu thông qua các lĩnh vực cờ bạc và bất động sản chưa được kiểm soát. Chính phủ (Campuchia) gần đây hãnh diện về việc thành phố này có tới 88 sòng bạc. Rõ ràng đó là điều không ổn ở đây”, nhà hoạt động Gonzalez-Davidson nhận định.
Các công ty sản xuất than phiền rằng họ đang mất dần lao động khi công nhân chuyển sang làm việc cho các sòng bạc.
Nhà máy phụ tùng xe ô tô của Kong Linghu là một trong hơn 160 nhà máy tại đặc khu kinh tế do Trung Quốc điều hành tại Campuchia, được thành lập theo sáng kiến Vành đai và Con đường. Hơn 30.000 người Campuchia làm việc tại nhà máy này, nhưng Kong cho biết ngày càng khó tìm thêm lao động mới.
“Các sòng bạc là nơi hấp dẫn với các thanh niên trẻ, thay vì làm việc tại các nhà máy, vì môi trường làm việc ở đó tốt hơn, họ có thể kiếm thêm tiền”, Kong cho biết.
Tuy vậy, thị trưởng Y Sokleng vẫn lên tiếng bênh vực các sòng bạc. Ông cho rằng người Campuchia không được phép chơi tại các sòng bạc này, trong khi người Trung Quốc và đầu tư từ Trung Quốc được hoan nghênh.
“Sihanoukville là một điểm đến quan trọng đối với sáng kiến Vành đai và Con đường. Chúng tôi là cây cầu nối Trung Quốc và các thành phố Đông Nam Á khác”, ông Sokleng nói.
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia, chiếm khoảng 30% trong tổng số 3,6 tỷ USD đầu tư nước ngoài tại Campuchia trong năm 2016.
Một số người dân địa phương được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư và tiền bạc của người Trung Quốc. Tuy nhiên, không phải ai cũng được may mắn như vậy.
Theo Maggie Eno, nhà điều phối và là thành viên sáng lập tổ chức từ thiện bảo vệ trẻ em M’Lop Tapang, cho biết những người chịu thiệt thòi nhiều là trẻ em và gia đình nghèo.
“Những gia đình thu nhập thấp không thể sống tại quê nhà ở vì giá thuê nhà quá cao. Họ phải sống ở ngoại ô, tại khu vực đổ nát và tồi tàn. Họ không thể vào thành phố vì giao thông tồi tệ. Ngay cả khi sống bên ngoài thành phố, họ vẫn phải trả 200 USD tiền thuê nhà một tháng, trong khi 3 năm trước đây, họ chỉ phải trả 30 USD một tháng. Khi các quan chức nói về sự phát triển, họ chỉ nghĩ về những tòa nhà to lớn và các cơ sở kinh doanh, nhưng họ không nghĩ về người dân. Sự phát triển như vậy rồi sẽ thất bại vì người nghèo không được để mắt tới. Sự phát triển này đã đi sai cách. Và chất xúc tác cho sự thay đổi đó là sự đầu tư từ Trung Quốc”, bà Eno bình luận.
Thành Đạt (Dân trí/Theo SCMP)