Thăng trầm ngành cà phê: Kỳ 2: Mùa quả ngọt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thập niên 90 của thế kỷ trước, đặc biệt quãng thời gian 1993-1998, có thể nói là “giai đoạn vàng” của ngành cà phê. Điều này đã tạo nên một cơn sốt đối với loại cây “đẻ quả vàng”. Không chỉ nông dân “người người trồng cà phê, nhà nhà trồng cà phê” mà cả cán bộ, công chức cũng đua nhau bỏ vốn mua đất trồng. Bộ mặt của các nông trường, các khu dân cư bỗng bừng sáng như có phép nhiệm màu.
Khi mỗi tấn cà phê quả tươi là một cây vàng…
Vẫn là sự bận rộn của ngày mùa nhưng là sự bận rộn mang sắc thái khác hẳn thời nghe đánh kẻng ra lô…
Trên những ngả đường lầm bụi đỏ đổ về các nông trường, mới sáng tinh mơ đã rầm rập những “đoàn quân dịch vụ”: nào các “công ty hai sọt” chở thực phẩm tươi sống, nào người bán kem, trứng vịt lộn, rồi thì người bán chổi lông vịt lông gà, mài dao kéo, sửa đồ dùng hỏng…; nghĩa là đủ các thứ “tả pí lù” đón đầu những gì mà các “thượng đế” có thể cần. Các nông trường cà phê đang trở thành “mỏ” của đội quân này. Ở đấy, người ta không chỉ tiêu thụ hàng hóa một cách chóng vánh mà còn chơi kiểu “con nhà giàu”: có thể mua một lúc nguyên cả thùng kem, cả rổ trứng vịt lộn. Ăn không hết thì... ném nhau chơi. Nhưng phải đến ban đêm thì cái nhịp mùa mới được bung hết cỡ: quán nhậu đặc quánh hơi bia, khói thuốc; các gánh hát, gánh chiếu video tiếng loa mời gọi ồn ã một góc trời. Trong các khu dân cư, mọi ngõ hẻm rền tiếng xe máy, ầm ĩ tiếng nhạc, tiếng hát karaoke… Chưa hài lòng với mọi thứ tại chỗ, nhiều người xuống tận thị xã để “xả hơi”, để mua sắm. Chỉ một đội sản xuất, có ngày, công nhân đã “lôi” về cả chục chiếc xe máy xịn. Dân buôn bán thị xã Pleiku vẫn kháo nhau: cứ thấy ai mang dép tông Thái dính bụi đỏ nhưng… mua hàng không cần trả giá thì đấy là dân cà phê! Lược thoáng những hình ảnh này vào những năm 1994-1998, ai có thể tin được cách đấy chỉ vài năm thôi, cả đội sản xuất có người sắm được cái đài cassette hai cửa băng cũng đã khiến mọi người phải thán phục, hay hơn thế là mẩu chuyện đầy bi hài của chính tôi…
Người dân thu hoạch cà phê. Ảnh: Đ.T
Người dân thu hoạch cà phê. Ảnh: Đ.T
Những năm bao cấp khó khăn, khá nhiều anh em làng báo vẫn kiêm thêm “nghề tay trái” là chụp ảnh dạo. Vào dịp Tết, những tay máy “xịn” thì chực tại Nhà lưu niệm Bác Hồ (Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, nay thuộc Bảo tàng tỉnh). Hàng tay máy “amateur” thì xuống các nông trường… Sáng mùng một Tết năm ấy, đang lững thững trên lối đi lầm bụi ngóng khách “mở hàng”, tôi mừng rỡ khi nghe tiếng gọi từ một ngôi nhà tranh bên đường. Chủ nhà, một người đàn ông cao gầy, bước ra đón tôi và yêu cầu: Cả gia đình ông sẽ quây quần lại gian giữa, phải chụp thế nào cho “lọt” được cả bàn thờ vào ảnh để ông gửi về Bắc. Tôi nhìn lên bàn thờ bày biện đủ bánh chưng, đèn nến… bảo ông: “Cảnh nhà bác đẹp lắm nhưng tiếc là máy em không có đèn”. “Thì tôi thắp đèn dầu thật sáng lên cho chú chụp”-ông nói. Sau khi được giải thích là không thể dùng đèn dầu, ông tiếc rẻ bảo cả nhà ra vườn cà phê. Tất cả đã chuẩn bị xong, tôi đang sắp sửa bấm máy thì ông bỗng quát con bé lớn: “Suýt quên. Mày chạy mau vào nhà lấy cái máy cassette ra đây, đưa cho thằng út nó ôm để chụp”. Chẳng rõ đã qua bao đời chủ, cái cassette cóc cáy, loang lổ như da rắn nhưng nó là thứ tài sản đáng hãnh diện nhất của ông để khoe với họ hàng. Tôi hiểu thế…
Sáng mùng 8 Tết, y hẹn, tôi lên giao hàng. Cầm 3 tấm ảnh săm soi rồi gật gật tỏ vẻ hài lòng, bỗng ông đưa tay vò đầu bứt tai: “Chú ạ, ảnh chú chụp tôi không chê. Nhưng nói thật tết nhất xong, nhà tôi giờ không còn một đồng”. Tôi cười như mếu. Thực ra chẳng phải riêng ông, trong tay tôi còn cả một xếp dày cộp ảnh nợ. Cứ cả tin họ sẽ trả, nào ngờ nhà ai cũng một lý do giống ông. Thấy vẻ mặt u ám của tôi, ông chừng như cũng day dứt lắm. Im lặng một lúc rồi ông dè dặt bảo: “Hay là… hay là để tôi cân cho chú ít mì khô trừ nợ vậy?!”.  
Brazil liên tiếp mất mùa vì hạn hán và sương muối; diện tích cà phê chưa vượt tầm kiểm soát; cung không đủ cầu… là những lý do khiến cà phê những năm này được giá. Về cơ chế, lúc này, các nông trường bước vào khoán sản phẩm. Đất mới màu mỡ, vườn cây đang giai đoạn sung sức; lợi ích vật chất nhãn tiền đã kích thích con người lao động hết mình cho cây cà phê. Tất cả những yếu tố này đã kết tinh nên một giai đoạn phát triển rực rỡ mà sau này người ta gọi là “giai đoạn vàng”. Một thí dụ: tại các nông trường khu vực Ia Sao (huyện Ia Grai), năng suất cà phê bình quân đã đạt 3,5-4 tấn nhân/ha. Trừ sản phẩm nộp khoán, nhiều hộ công nhân thu về mỗi năm 100 triệu đồng-tương đương 20 cây vàng 24K. Chính người lao động cũng ngạc nhiên: chỉ với 2 bao cà phê quả tươi nặng 1 tạ mà họ có cả chỉ vàng. Cuộc sống mang vẻ phô phang, hãnh tiến sau những năm dài khổ cực cũng chẳng có gì là lạ.
Dấu ấn “giai đoạn vàng”
Từ mơ ước nhỏ nhoi là sắm được chiếc xe đạp để đi, làm được căn nhà ván để ở, chỉ trong khoảng thời gian 1993-1995, các nông trường cà phê gần như đã hoàn toàn thay thế nhà tạm, nhà tranh tre nứa lá bằng nhà xây. Không những thế, tại các nông trường khu vực Ia Sao, chỉ trong vòng 2 năm (1994-1995), có đến hàng trăm nhà ở của công nhân được xây dựng kiên cố; 80% hộ gia đình có xe máy; 100% có đủ phương tiện nghe nhìn…
Dãy nhà được xây dựng trong “giai đoạn vàng” tại Công ty cà phê 706. Ảnh: N.T
Dãy nhà được xây dựng trong “giai đoạn vàng” tại Công ty cà phê 706. Ảnh: N.T
Mang lại những đổi thay có thể nói là “thần kỳ” cho cuộc sống của người lao động, ngành cà phê giai đoạn này đồng thời đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Theo số liệu của Chi nhánh Tổng Công ty Cà phê Việt Nam khu vực Bắc Tây Nguyên, trong khoảng thời gian từ năm 1994 đến 1997, các nông trường cà phê thuộc Tổng Công ty ở 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 60 tỷ đồng. Riêng tại Gia Lai, chỉ trong năm 1996, 7 nông trường cà phê trên địa bàn huyện Ia Grai đã nộp ngân sách 15 tỷ đồng. Ngoài việc hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế, nhờ sản xuất có lãi, các nông trường đã đầu tư xây dựng nhiều công trình có ý nghĩa xã hội rất lớn. Chẳng hạn năm 1993, Nông trường Cà phê Ia Sao đã bỏ vốn hàng tỷ đồng để kéo điện lưới quốc gia về, lan tỏa cho cả khu vực Ia Sao. Năm 1995, 3 nông trường cà phê Ia Sao lại cùng góp vốn xây dựng con đường nhựa dài 12 km, mở cửa ngõ phía Tây Pleiku với các xã phía Tây Ia Grai… Đấy là chưa kể hàng trăm cây số đường giao thông nội bộ mà các nông trường bỏ vốn tự làm, phục vụ lợi ích chung. Một đóng góp khác ghi dấu ấn “giai đoạn vàng” của ngành cà phê là đầu tư cho sự nghiệp giáo dục. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế bấy giờ, Nhà nước chỉ gánh trách nhiệm trả lương cho giáo viên, còn gần như tất cả cơ sở vật chất đều do các nông trường đầu tư xây dựng. Nhiều ngôi trường khang trang, hiện đại vẫn còn nguyên giá trị sử dụng đến tận hôm nay.
Từ Đak Hà (tỉnh Kon Tum) xuôi về Ia Sao, Ia Yok, Ia Hrung… rồi ngược lên biên giới Ia Grai, ở đâu có các nông trường cà phê, nơi đó là tụ điểm dân cư đông đúc, kinh tế-xã hội phát triển. Không chỉ là nền tảng, các nông trường cà phê còn tạo nên sức lan tỏa, thu hút dân cư mọi miền đến sinh cơ lập nghiệp. Và biết bao vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ sự nghi ngại, thậm chí sợ hãi cây cà phê, nhờ các nông trường mà mạnh dạn bước qua lề thói cũ, thoát được đói nghèo. Chỉ riêng ý nghĩa xã hội này cũng đủ ghi công đầu cho ngành cà phê Bắc Tây Nguyên. Đáng tiếc là “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, năm 1998, “giai đoạn vàng” kết thúc và có lẽ sẽ mãi trôi về dĩ vãng…
 NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.