Tháng Giêng trong vườn bà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày nhỏ, tôi tin cả tuổi thơ mình không ra được khỏi khu vườn của bà.
Tháng Giêng, cha mẹ tôi lại khăn gói đi làm xa. Người lớn dường như không biết gì ngoài công việc. Tôi được gửi về nhà nội. Đó là một vùng quê năm nảo cũng như năm nào, cũ kỹ, quen thuộc đến từng gốc cây, ngọn cỏ.
 Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Bà tôi có một chiếc đồng hồ để bàn của Nga, có khi nó gục mặt vào đống rơm dưới bếp cả mấy ngày bởi không ai vặn dây cót. Ở đây, thời gian bao giờ cũng ngủ quên như tôi. Có sáng thức dậy trong mưa lạnh, mắt nhắm, mắt mở trong khói bếp, tôi cứ đồ rằng mấy con chim sâu đang tập chuyền cành ngoài kia đã tập từ bao mùa xuân mà chưa thuần thục. Rạ rơm lại cay xè mắt, nồi bắp luộc, siêu nước sôi, tôi tự đo mình bằng cái đòn gánh gác ở xó bếp xem cao đến nhường nào thì mọi sự quen mòn nhàm chán ấy sẽ có đổi thay.
Nhưng nắng hửng lên, đi trong khu vườn của bà thì tôi hào hứng lắm. Bà bảo bà đã phải bỏ cả những năm tháng tuổi trẻ để biến khu đất sỏi đá, đầy mảnh bom trên miền non cao này thành khu vườn xanh tươi như bao mảnh vườn dưới miền xuôi cho con cháu được chơi đùa.
Tháng Giêng, gia tài của bà là những bưởi, nhãn, mít, ổi, vú sữa, na, chanh… bắt đầu xanh lộc và ra hoa. Đến khi nắng xuân xuyên qua vòm lá chiếu xuống cũng không thể nào xuyên thủng bầu trời cổ tích. Quanh những gốc táo, lê, trên con đường có dải đá tảng nhẵn bóng, tưởng như lúc nào đó sẽ gặp một bà cụ hay một nàng công chúa hiện ra với cái giỏ đầy nấm. Tiếng cá quẫy dưới mặt ao sóng sánh nắng vàng. Những câu chuyện của Tô Hoài, Vũ Tú Nam làm tôi mê mẩn, đọc đến toét mắt mới nhận ra cơm đã quá lửa. Đó là chuyện về những con dế mèn, xén tóc, chuồn chuồn kim… hay lời đồn con cá chuối có cái miệng rộng nuốt cả đứa trẻ con… Tất cả ùa về trong sáng.
Tháng Giêng, như văng vẳng đâu đây tiếng chuông chùa. Hoa bưởi như cô gái không xuất gia nhưng vẫn khép cánh cửa xanh của đài hoa tu hành, có con chim sẻ bay từ vườn chùa sang tịnh độ. Ngôi chùa ấy ở đâu? Tiếng chuông từ đâu? Tôi đinh ninh chúng ở trong lời kể của bà.
Xế trưa, bao giờ bà cũng tìm ra thứ rau nào đấy để nấu canh, để xào với dầu lạc. Bà nựng tôi về ăn cơm với câu nói tôi đã thuộc làu: “Cây bưởi, cây ổi, cây na…. này, nhớ ra quả là để anh cò ăn nhé, không cho lũ chào mào đít đỏ lắm lời kia ăn đâu”. Tôi biết thừa là bưởi còn chua, ổi còn chát, quả na còn lâu mới mở mắt nhưng vẫn thích nghe bà nựng nịu.
Rồi khi bà mất, ông nội tôi đã cố gắng tất bật chăm bón nhưng có lẽ thiếu hơi bà, khu vườn vẫn tiêu điều đi. Rồi các cô chú đều lập gia đình. Ông phải bán mảnh vườn đi, chia tiền ra cho mỗi người rồi rời về thành phố ở. Người chủ mới đến lại sang tay khu vườn cho người khác. Từng cái cây bị đốn hạ, từng cái tổ ong, tổ chim tan hoang dưới bầu trời quang quẻ.
Khi ấy, dù đã lớn mà tôi vẫn ngỡ ngàng. Hóa ra, trên vòm lá kia đâu có tiếng chim cổ tích, không có nàng công chúa, bà tiên nào bước ra. Ao bị lấp đi, con cá chuối hung dữ chắc cũng bị chôn vùi. Từ đó cuộc đời tôi cứ xuôi mãi xuống đồng bằng, gắn đời mình vào những dãy phố dài. Một thời ấu thơ tôi cứ ngỡ vườn bà có tất cả những gì trong cổ tích; còn hôm nay, tôi tin cổ tích chỉ có ở vườn bà...
 BÙI VIỆT PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.