Tháng 7 viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh nằm bên quốc lộ 19 (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) là nơi yên nghỉ của hơn 3.600 liệt sĩ ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Những ngày tháng 7 này, mùi hương trầm lúc nào cũng tỏa khắp khuôn viên rộng lớn, thanh bình, sưởi ấm cho những anh linh ngủ yên trong lòng đất mẹ…

Năm 1977, Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh chính thức được khởi công xây dựng. Suốt 40 năm qua, nơi đây trở thành mái nhà chở che cho hàng ngàn anh linh đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc với 11 khu mộ và 1 ngôi mộ chung. Trong hàng ngàn ngôi mộ đang nằm ở đây, có một ngôi mộ đặc biệt, đó là mộ của Anh hùng Núp (1914-1999). Từ phía cổng chính đi qua đài tưởng niệm mô phỏng theo mái nhà rông cao vút lên trời xanh là đến mộ của Anh hùng Núp. Lần đầu tiên đến Gia Lai vào tháng 7 đặc biệt này, bà Tuấn Thị Tâm (phường Điện Biên, TP. Hà Nội) đã chọn Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh làm nơi dừng chân đầu tiên vì ở đó có phần mộ Anh hùng Núp. Bà Tâm nói: “Tôi thấy mình rất vinh dự khi đến Gia Lai và được viếng mộ Anh hùng Núp. Cùng với hàng ngàn ngôi mộ khác ở đây, tôi thấy mộ của Anh hùng Núp được xây dựng rất trang trọng, thể hiện tấm lòng tri ân của tỉnh nhà, của nhân dân Gia Lai đối với ông. Tôi cũng đã kịp ghi lại hình ảnh để đem về Hà Nội, giới thiệu cho con cháu nghe về anh hùng người dân tộc đã đi vào sử sách, vào văn học này”.

 

Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh hiện có 3.603 ngôi mộ, trong đó có 378 mộ chưa xác định được danh tính. Ảnh: P.V
Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh hiện có 3.603 ngôi mộ, trong đó có 378 mộ chưa xác định được danh tính. Ảnh: P.V

Có thể nói, chưa nơi nào có thể khiến chúng ta hình dung được sự khốc liệt của chiến tranh như khi bước chân vào nghĩa trang liệt sĩ. Đứng giữa không gian quang đãng, sạch sẽ, khang trang, Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh  đem đến một cảm giác yên bình nhưng cũng buồn đến nao lòng. Chỉ trong một không gian nhỏ đã có tới hơn 3.600 ngôi mộ, trong đó có gần 400 mộ chưa xác định được danh tính. Ở đâu đó khắp các vùng chiến trường, còn rất nhiều người lính ngã xuống vẫn chưa được tìm thấy để trở về với gia đình, với quê hương. Bà Tuấn Thị Ước (phường Điện Biên, TP. Hà Nội) không ngăn được dòng nước mắt khi chậm chậm đọc tên các liệt sĩ trên từng bia mộ. Bà Ước nghẹn ngào tâm sự: “Đây chỉ là nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh Gia Lai nhưng đã có đến hàng ngàn liệt sĩ, nếu tính hết cả nước thì đó là con số không thể tưởng tượng được. Có những chiến sĩ hy sinh khi tuổi còn rất trẻ, cũng có rất nhiều người không phải quê hương ở đây. Khi tôi sinh ra, chiến tranh vẫn còn hiện hữu nên có thể cảm nhận được sự tàn khốc của nó. Khi đến viếng thăm nghĩa trang này, tôi rất xúc động khi thấy sự chăm sóc tận tình, chu đáo của tỉnh đối với các phần mộ liệt sĩ. Hy vọng rằng các liệt sĩ còn nằm lại nơi chiến trường sẽ sớm được quy tập về với đồng đội, gia đình”.

Theo thời gian, Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh giờ đây đã trở thành một điểm đến đặc biệt của tỉnh. Bên cạnh là nơi dừng chân của nhiều đoàn khách tham quan, các đoàn cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa thì đây còn là nơi để lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể đến dâng hoa, dâng hương tri ân, báo công mỗi dịp lễ kỷ niệm hay sự kiện quan trọng. Không chỉ vậy, nơi này còn giúp những thân nhân liệt sĩ ở xa cảm thấy ấm lòng. Người cha của ông Đàm Văn Quang (phường Trà Bá, TP. Pleiku) hy sinh vào năm 1969 tại tỉnh Bình Thuận nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Trong lúc chờ đợi để đưa cha về, ông Quang vẫn thường xuyên đến nghĩa trang thắp hương cho các liệt sĩ. “Trong Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh cũng có phần mộ của một chiến sĩ từng là học trò của cha tôi. Dù không quen biết nhưng những ngày thường và những ngày lễ lớn, tôi vẫn hay đến thắp hương cho các liệt sĩ đang yên nghỉ ở đây, cũng giống như ở những nơi khác, người dân ở đó cũng sẽ thắp hương cho cha tôi”-ông Quang xúc động tâm sự.  

Đứng giữa những ngôi mộ mới cảm nhận hết được sự hy sinh to lớn của các liệt sĩ đối với Tổ quốc. Cảm xúc cũng đan xen khó tả, một nỗi buồn man mác, xót xa nhưng cũng rất đỗi tự hào. Để giữ được từng tấc đất, từng nếp nhà, sự bình yên cho thôn xóm, họ đã không tiếc tuổi thanh xuân, cống hiến cả cuộc đời cho quê hương. Dù thật bình lặng, nhưng mỗi lần ngang qua Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, trong mỗi người lại càng hiểu rõ hơn giá trị của hòa bình, độc lập để từ đó tự nhắc nhủ chính mình phải sống sao cho thật xứng đáng.

Phương Vi

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.