Thăm đơn vị tham gia giải phóng Pleiku năm 1975

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giữa những ngày tháng Ba lịch sử, từ TP. Pleiku xuôi theo quốc lộ 14, tôi về Đoàn Mang Yang, đơn vị đã hai lần vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Suốt hành trình gần hai trăm cây số, tôi cứ băn khoăn tự hỏi, tại sao một đơn vị ra đời ở Quảng Trị, hiện đang đứng chân tại Đak Lak nhưng lại mang tên gọi Mang Yang, một ngọn đèo nổi tiếng nằm trên quốc lộ 19 ở Gia Lai?

Gia Lai, mảnh đất ghi dấu chiến công

“Chiến tích của Trung đoàn thì nhiều lắm nhưng khắc sâu trong lòng cán bộ, chiến sĩ nhất vẫn là những chiến công gắn liền với địa danh đèo Mang Yang. Và cái tên Đoàn Mang Yang là do nhân dân Gia Lai yêu quý đặt cho đơn vị ngay sau những chiến công vang dội ấy”-Trung tá Huỳnh Văn Trông-Chính ủy Đoàn Mang Yang nhanh chóng giải đáp thắc mắc của tôi trước khi cùng ngược dòng lịch sử về với những năm tháng chiến đấu hào hùng của Trung đoàn trên mảnh đất Gia Lai.

Trên đường ra thao trường huấn luyện. Ảnh: Tiến Dũng
Trên đường ra thao trường huấn luyện. Ảnh: Tiến Dũng

Ngày ấy, vào cuối năm 1967, sau gần hai năm được điều từ mặt trận Bình-Trị-Thiên vào tăng cường cho mặt trận Tây Nguyên, Trung đoàn được cấp trên giao nhiệm vụ chặn đánh địch trên quốc lộ 19, đoạn qua đèo Mang Yang. Đây là con đường chiến lược của địch chi viện lên Tây Nguyên. Vừa gấp rút hành quân từ Chư Pah và Chư Prông về đến phía Tây đèo Mang Yang, Trung đoàn đã nhận được lệnh phải tiến hành ngay một trận đánh trước ngày N. nhằm chia cắt địch trên đường 19, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các đơn vị trong toàn mặt trận trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân-1968.

Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình vận chuyển của địch từ An Khê lên Pleiku, ngày 16-1-1968, Trung đoàn quyết định mở trận đánh. Khi đoàn xe địch từ hướng An Khê di chuyển đến trận địa phục kích của Trung đoàn, đồng chí Ninh Xuân Trường (quê Bắc Giang) đã cảm tử ôm bộc phá lao thẳng vào đầu đoàn xe. Bộc phá nổ, đồng chí Trường hy sinh ngay tại chỗ. Tinh thần dũng cảm xả thân của anh đã cổ vũ toàn Trung đoàn xông lên tiêu diệt gọn 120 tên địch cùng đoàn xe 69 chiếc, trong đó có 3 xe tăng.

Ảnh: Tiến Dũng
Ảnh: Tiến Dũng

Bị tổn thất nặng nề, địch điên cuồng đổ quân xuống khu vực đèo Mang Yang. Trên khu vực rừng núi hiểm trở này, hầu như không một đỉnh núi nào, không một cao điểm nào không có dấu chân quân Mỹ lùng sục, truy quét nhằm đánh bật Trung đoàn ra khỏi địa bàn. Điều này khiến cho đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn tiếp tế lương thực. Tuy hết sức gian khổ là vậy song cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn vẫn quyết tâm bám trụ hoạt động, ngày đêm đánh địch. Trong suốt quãng thời gian từ năm 1967 đến năm 1970, Trung đoàn đã biến con đường 19 trở thành con đường đẫm máu, con đường kinh hoàng của kẻ địch. Có những ngày Trung đoàn đánh liên tục hai trận giao thông, phá hủy 89 xe, diệt gần 150 tên địch.

...Tháng 3-1975, khi quân ta mở chiến dịch Tây Nguyên, Đoàn Mang Yang tiếp tục được Bộ Tư lệnh mặt trận tin tưởng giao nhiệm vụ cắt đường 19 dài ngày trên đoạn từ đèo Mang Yang đến Lệ Trung. Để hoàn thành nhiệm vụ này, Đảng ủy Trung đoàn xác định, cần phải diệt được căn cứ Ayun của địch. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn vì căn cứ Ayun được trang bị hỏa lực rất mạnh và bốn phía đều rào thép gai dày đặc. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị chu đáo, ngay trong ngày mở màn chiến dịch Tây Nguyên, chỉ mất 3 giờ, Trung đoàn đã tiêu diệt gọn căn cứ này, thu toàn bộ vũ khí. Sau đó, Trung đoàn đã phát triển lực lượng đánh xuống tận đèo Mang Yang, chiếm trạm thông tin của địch trên đỉnh đèo, chính thức làm chủ một đoạn quốc lộ 19 dài 20 km từ Kon Dơng tới đèo Mang Yang.

Trên đà thắng lợi của quân ta khắp chiến trường Tây Nguyên, ngày 17-3, cùng với quân và dân các dân tộc Gia Lai, Trung đoàn tiến vào giải phóng thị xã Pleiku, chiếm sở chỉ huy quân đoàn 2, Sân bay Cù Hanh và toàn bộ hệ thống kho tàng của quân ngụy, đồng thời bắt sống tên Đại tá Minh Hoàng-Tỉnh trưởng Kon Tum và gần 400 tên địch. Trong gần một tuần sau đó, Trung đoàn cùng với lực lượng vũ trang Gia Lai đã tổ chức nhiều đội công tác tuyên truyền giáo dục quần chúng, ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện, giao nộp vũ khí…

Qua 10 năm chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, trong đó chủ yếu là ở địa bàn Gia Lai, Đoàn Mang Yang đã liên tiếp lập nên những chiến công lẫy lừng, trở thành những trang sử chói ngời nhất trong truyền thống hào hùng của đơn vị. Đặc biệt, cách đánh giao thông đầy sáng tạo của Trung đoàn đã được nâng lên thành một nghệ thuật quân sự mà như lời của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp-nguyên Chính ủy Mặt trận Tây Nguyên thì “Trung đoàn 95 là một trong những đơn vị thiện nghệ nhất về đánh giao thông của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Khúc tráng ca trên đỉnh đèo Hà Lan

Chẳng biết vô tình hay hữu ý mà dường như những chặng đường quan trọng nhất trong lịch sử Đoàn Mang Yang đều gắn với một ngọn đèo. Nếu như những trang sử vẻ vang nhất của Trung đoàn thời chống Mỹ đều gắn liền với đèo Mang Yang thì thời kỳ xây dựng đơn vị trong hòa bình lại gắn với ngọn đèo Hà Lan (thị xã Buôn Hồ, Đak Lak).

Nếu không được trực tiếp trò chuyện với Trung tá Huỳnh Văn Trông-một trong những người đầu tiên có mặt khi Đoàn Mang Yang chuyển từ Đức Phổ, Quảng Ngãi lên xây dựng đơn vị ở đèo Hà Lan-chắc chắn tôi cũng không thể tin nổi ngọn đèo xanh rợp bóng thông, cao su, keo… trước mắt mình 20 năm trước lại là một vùng đất hoang vu chỉ có cỏ dại và cỏ dại. Trung tá Trông bồi hồi nhớ lại: “Ngày ấy, cả khu vực đèo Hà Lan rộng hơn 400 ha gần như không có một bóng cây mà chỉ toàn cỏ dại. Nước thì quá khan hiếm, chỉ có một giếng khoan ở đỉnh đèo, cách đơn vị chừng 1 km dùng để ăn uống. Muốn tắm, anh em phải đi xuống suối cách đơn vị mấy cây số”.

Ảnh: Tiến Dũng
Ảnh: Tiến Dũng

Đứng trước những khó khăn bộn bề tại nơi ở mới, lãnh đạo Trung đoàn nhanh chóng xác định, để có thể đóng quân lâu dài tại đèo Hà Lan, cần phải cải tạo môi trường theo một kế hoạch cơ bản, lâu dài. Cụ thể là đơn vị phải đưa được nước lên đèo, biến những đồi đất khô cằn thành những rừng cây xanh tốt. Kế hoạch là vậy nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy hết những gian nan, khó nhọc. Hàng chục miệng giếng được đào, giếng nào giếng nấy sâu hun hút nhưng mùa khô vẫn thiếu nước trầm trọng; cây thì trồng xuống lại chết vì khô hạn, cứ phải trồng đi trồng lại. Kiên trì, nhẫn nại không cam chịu thất bại, mãi rồi cố gắng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn cũng bắt đầu có kết quả khi những hàng cây chắn gió xung quanh đơn vị bắt đầu bén rễ, nảy lộc, đâm chồi.

Trong hai năm (2010-2011), Đoàn Mang Yang đều được Bộ Quốc phòng tặng cờ đơn vị huấn luyện giỏi. Ngoài ra, Trung đoàn còn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất cho những thành tích xuất sắc trong thời kỳ đổi mới.

Cùng với công cuộc cải tạo môi trường, ngay trong những ngày đầu chuyển tới đèo Hà Lan, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn cũng bắt đầu tăng gia sản xuất. Chuyện thật mà nghe cứ như đùa khi Trung tá Huỳnh Văn Trông kể, để có nước tưới cho rau, anh em nghĩ ra cách, đào những hố gần giếng rồi mua xi măng về trét xung quanh. Thế là tắm bao nhiêu nước chảy hết xuống hố rồi múc lên tưới rau.

Phải nhắc lại một chút chuyện ngày xưa như thế để thấy hết những gian nan, khó nhọc mà cán bộ, chiến sĩ Đoàn Mang Yang đã trải qua trong những ngày đầu đặt chân đến khu vực đèo Hà Lan. Giờ thì không chỉ khuôn viên đơn vị mà cả khu vực đèo Hà Lan rộng mênh mông cũng đã được phủ xanh ngút ngàn bởi đủ loại cây, từ keo, thông, cao su, mít, xoài… và cả hoa. Hoa có mặt ở đủ mọi nơi xung quanh chỗ ở của cán bộ, chiến sĩ. Đi liền với sự thay đổi cảnh quan đơn vị, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Mang Yang cũng ngày một chuyển biến, cả về vật chất lẫn tinh thần. Chỉ mới đầu năm nay thôi, Trung đoàn vừa khánh thành Câu lạc bộ Quân nhân với đầy đủ thư viện điện tử, phòng cắt tóc, phòng karaoke, phòng chơi bi-da… làm nơi cho cán bộ, chiến sĩ vui chơi, thư giãn. Đấy là điều mà trước đây, có nằm mơ cũng không ai trong đơn vị nghĩ đến.

Chia tay Đoàn Mang Yang, đi dưới những bóng cây rợp mát trên đỉnh đèo Hà Lan, tôi chợt nghe xa xa tiếng mấy anh chiến sĩ trẻ của Trung đoàn đang say sưa hát: “Ta đi tới chiến công ngày mai. Ta viết tiếp những trang sử mới. Ta đi dưới cờ Đảng sáng ngời. Hãy đi lên người chiến sĩ 95”…

Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

Đức Cơ: Doanh nghiệp vận tải và cơ sở thu mua ký kết đảm bảo an toàn giao thông

(GLO)- Công an huyện Đức Cơ vừa phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, ký cam kết chấp hành các quy định về pháp luật trật tự an toàn giao thông đối với các chủ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải, cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Đăng Vũ

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Đảng các cấp

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị giao ban trực tuyến các cơ quan khối Đảng tỉnh và các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy diễn ra vào chiều 4-12.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: P.D

Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động

(GLO)- Sáng 3-12, tại trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương đã chủ trì hội nghị giao ban khối MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý IV-2024, định hướng nhiệm vụ công tác trọng tâm quý I-2025.

Đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VĨNH HOÀNG

Không để lọt vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tỉnh Gia Lai tại hội nghị tổng kết công tác PCTN, tiêu cực năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra chiều 2-12.