Tết của những người lính bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những người lính đã biến nỗi nhớ nhà, nhớ quê thành động lực, lòng tự hào được cống hiến thanh xuân và tuổi trẻ của mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bình yên cho mọi nhà.

 

 Các cán bộ, chiến sỹ trang trí chuẩn bị đón Tết trên Tàu Cảnh sát biển 2013, Hải đội 202. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Các cán bộ, chiến sỹ trang trí chuẩn bị đón Tết trên Tàu Cảnh sát biển 2013, Hải đội 202. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)


Khi mọi người, mọi nhà đang quây quần bên mâm cỗ tất niên hay nồi bánh chưng để chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc thì những người lính cảnh sát biển thuộc Hải đội 202 lại đón Tết xa nhà.

Các anh đã biến nỗi nhớ nhà, nhớ quê thành động lực, lòng tự hào được cống hiến thanh xuân và tuổi trẻ của mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bình yên cho mọi nhà.

Ngôi nhà thứ 2 của những người lính cảnh sát biển

Những ngày sát Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, chúng tôi có mặt tại Hải đội 202, thuộc Bộ Tư lệnh vùng cảnh sát biển 2 đóng quân trên địa bàn xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Đơn vị chịu trách nhiệm quản lý vùng biển từ phía Nam huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) đến phía cù lao Xanh (tỉnh Bình Định), một phần phía Bắc quần đảo Trường Sa và toàn bộ khu vực đảo Hoàng Sa.

Tham quan một vòng trên Tàu cảnh sát biển 2013, chúng tôi thấy không khí xuân tràn ngập khắp mọi nơi. Những chậu quất, cây đào nở rực rỡ được các anh cẩn thận trang trí tỉ mỉ. Trên tàu, nơi tưởng nhớ Bác Hồ được đặt ở vị trí trang trọng nhất, bên trên được đặt đầy đủ bánh kẹo, mứt, bánh chưng…

Đặc biệt, tờ báo tường với những bài thơ, văn được viết và trang trí cẩn thận, sinh động do chính tay các cán bộ, chiến sỹ của tàu chuẩn bị đã cho thấy tâm hồn của những người lính cảnh sát biển đẹp và lãng mạn.

Vừa treo đèn trang trí trên cây đào được đem vào từ đất liền, hạ sỹ Nguyễn Duy Ngọ (19 tuổi), là chiến sỹ máy tàu, thuộc Tàu cảnh sát biển 2013, Hải đội 202, quê ở Thái Bình tâm sự đây là năm đầu tiên anh đón Tết xa nhà, mặc dù hơi bỡ ngỡ và nhớ quê hương, nhưng những ngày qua anh thấy vui bên những người đồng đội của mình.

Mọi năm, những ngày giáp Tết, anh thường phụ bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, nấu bánh chưng, làm cỗ cúng giao thừa. Năm nay thì khác, mặc dù đón Tết xa nhà, nhưng anh vẫn thấy sự ấm cúng như ở nhà bởi sự quan tâm của các cấp lãnh đạo.

Đơn vị tổ chức rất nhiều hoạt động thú vị như: hội thi gói bánh chưng; trang trí tàu; văn nghệ… Chính điều đó đã làm cho anh cảm thấy với bớt nỗi nhớ nhà, nhớ quê.

Hạ sỹ Nguyễn Duy Ngọ tự hào vì đóng một phần sức lực nhỏ bé trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc…

Giữa muôn trùng sóng vỗ, Tết của những người cảnh sát biển ở trên tàu vẫn có quất, có hoa đào, bánh, mứt đầy đủ.

Trên tàu, những cán bộ, chiến sỹ đang quây quần cùng nhau dọn dep, trang trí tàu.

Mặc dù không đủ đầy như trên đất liền, nhưng không khí xuân ở trên tàu luôn đầm ấm, yên vui.

Đối với các anh, Tết ở đơn vị là Tết tràn đầy niềm vui và ấm áp trong tình đồng chí, đồng đội thân yêu…

Đón cái Tết lần thứ 6 xa nhà, không còn bỡ ngỡ như những lần đầu tiên, Trung úy chuyên nghiệp Lê Đoàn Dũng, nhân viên pháo tàu, Tàu cảnh sát biển 2012, Hải đội 202 quê ở tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ ở đơn vị, các anh được tham gia rất nhiều hoạt động đón Tết, vui xuân ý nghĩa. Anh thích nhất là hội thi gói bánh chưng, ở đây mọi người có thể thể hiện tài khéo tay. Đội gói bánh đẹp sẽ nhận được giải thưởng của đơn vị vào đêm giao thừa.

Vào khoảnh khắc sang canh là giây phút bồi hồi nhất khi tất cả chiến sỹ trên tàu ngồi quây quần bên nhau cùng gửi những lời chúc bình an; mọi người đều cảm thấy ấm áp, vui vẻ. Điều đó thể hiện sự đoàn kết của tập thể luôn sống và chiến đấu vì sứ mệnh chung cao cả mà đất nước đã giao phó...

Không chỉ tổ chức các hoạt động cho cán bộ, chiến sỹ tại đơn vị, những phần quà Tết cũng được Hải đội 202 gửi tới tận tay những hộ nghèo, gia đình chính sách, ngư dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đang đóng quân. Để rồi Tết đến thật gần, tình cảm giữa quân và dân ngày càng gắn bó bền chặt. Để sự gắn kết, yêu thương được lan tỏa trong mỗi mùa Xuân mới.

Vui Xuân không quên nhiệm vụ

Bên cạnh công tác trang trí tàu để đón Xuân, những cán bộ, chiến sỹ của Hải đội 202 vẫn triển khai các đợt tập luyện, chấp hành tốt chế độ trực, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống có thể xảy ra.

Trên những con tàu, lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay, cán bộ, chiến sỹ vẫn đang ngày đêm chắc tay súng.

 

Hải đội 202 thực hiện nghiêm quy định của Bộ quốc phòng luôn túc trực sẵn sàng chiến đấu khi có nhiệm vụ được giao. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Hải đội 202 thực hiện nghiêm quy định của Bộ quốc phòng luôn túc trực sẵn sàng chiến đấu khi có nhiệm vụ được giao. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)


Thượng úy Nguyễn Tiến Tứ, Thuyền trưởng Tàu cảnh sát biển 2012, Hải đội 202, cho biết để đảm bảo tốt đời sống cho cán bộ, chiến sỹ trên tàu trong dịp Tết Nguyên đán, được sự quan tâm của chỉ huy các cấp, đến nay tàu đã cơ bản hoàn thiện xong công tác chuẩn bị.

Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sỹ trên tàu luôn túc trực chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt từ quân sự, chính trị, hậu cần; đồng thời sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ đột xuất hoặc theo kế hoạch của cấp trên giao phó nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Trực sẵn sàng chiến đấu trong dịp Tết là nhiệm vụ nhưng cũng là niềm tự hào thiêng liêng của mỗi cán bộ, chiến sỹ cảnh sát biển.

Để đảm bảo tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Hải đội 202 thực hiện nghiêm quy định của Bộ quốc phòng trong việc thực hiện luân phiên chế độ nghỉ và trực Tết.

Đối với khối cơ quan Hải đội bộ có 50% quân số được nghỉ Tết và 50% quân số ở lại trực; đối với các tàu trực chiến và trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ 100% quân số ở lại thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị; đối với khối tàu không trực chiến khác thực hiện nghỉ luân chuyển với 30% quân số được nghỉ Tết và 70% quân số ở lại trực.

Trung tá Lê Văn Thành, Hải đội trưởng Hải đội 202, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển, cho biết thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu theo Chỉ thị 01 của Bộ trưởng Bộ quốc phòng và các hướng dẫn của Tư lệnh Cảnh sát biển, chúng tôi thực hiện đón xuân vui vẻ, an toàn, tiết kiệm, luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao.

Để những cán bộ, chiến sỹ ở lại trực Tết vơi đi nỗi nhớ nhà, đơn vị cũng đã tổ chức nhiều hoạt động như: hội thi gói bánh chưng; trang trí tàu; chấm báo tường; thi hái hoa dân chủ, văn hóa văn nghệ; các hoạt động thể thao… Đây là dịp các cán bộ, chiến sỹ tăng cường sự đoàn kết, vun đắp tình đồng chí, đồng đội trong đơn vị. Bên cạnh đó, xác định sẵn sàng hy sinh mọi lợi ích cá nhân để đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết và hàng đầu, các cán bộ, chiến sỹ luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Những ngày cuối cùng của năm cũ sắp qua, Năm Mới đang đến gần, Xuân đã về trên khắp nẻo quê hương. Không khí Tết cũng tràn ngập trên những tàu cảnh sát biển của Hải đội 202.

Những người lính dù đang ở xa quê nhưng luôn mang trong mình hơi ấm chứa chan của người thân nơi quê nhà.

Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho các anh chắc tay súng, vững niềm tin nơi đầu sóng ngọn gió giữa muôn trùng biển khơi để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, để mọi người, mọi nhà bình an đón xuân, vui Tết.

Theo Thanh Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.