(GLO)- L.T.S: Đại hội Công đoàn toàn tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2013-2018) được tổ chức trong ba ngày (từ 28 đến 30-3-2013). Dịp này, Gia Lai online có cuộc phỏng vấn ông PHẠM ĐÌNH THU-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh một số vấn đề bạn đọc quan tâm, nhất là về vai trò của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn hiện nay và những vấn đề cấp thiết trong hoạt động Công đoàn thời gian đến.
- Thưa Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, ông đánh giá như thế nào về phong trào công nhân viên chức-lao động và hoạt động Công đoàn của tỉnh trong 5 năm qua (2008-2013)?
Ông Phạm Đình Thu trao đổi với nữ cán bộ, công chức, viên chức. Ảnh: Đ.T |
Ông PHẠM ĐÌNH THU: Trong 5 năm (2008-2013), kinh tế thế giới diễn biến bất lợi đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của đất nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh phá sản thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, đời sống của một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn.
Gia Lai là một tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 44% dân số toàn tỉnh, GDP bình quân đầu người còn thấp so với mức bình quân chung của cả nước. Nhưng với sự nỗ lực, đoàn kết của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế tỉnh ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá (năm 2012 đạt 12,9%), văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo thế và lực cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.
Những thành quả chung đó, có sự đóng góp không nhỏ của tổ chức Công đoàn và công nhân viên chức-người lao động trên địa bàn tỉnh. Tổ chức Công đoàn tỉnh đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, luôn là lực lượng đi đầu và có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Hoạt động của Công đoàn các cấp không ngừng được đổi mới ngày càng đáp ứng nguyện vọng của đoàn viên, tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, chăm lo đời sống cho công nhân viên chức, người lao động.
Thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Lao động, chế độ chính sách; giải quyết đơn thư khiếu nại và trả lời kiến nghị của người lao động; giải quyết những vướng mắc từ cơ sở, từng bước đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, vận động xây dựng mái ấm Công đoàn cũng được Công đoàn các cấp thực hiện tích cực, đem lại hiệu quả thiết thực. Công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên và người lao động về các chính sách, chế độ của Nhà nước được duy trì, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh. Đặc biệt, Công đoàn đã thực hiện tốt việc giới thiệu cho Đảng xem xét, bồi dưỡng trên 17.800 đoàn viên Công đoàn ưu tú và đã có gần 7.000 đoàn viên được kết nạp đứng vào hàng ngũ của Đảng.
- Trong 5 năm đến (2013-2018), theo ông, tổ chức Công đoàn tỉnh cần thực hiện những nhiệm vụ gì để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã đề ra.
Ông PHẠM ĐÌNH THU: Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) là chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của Công đoàn.
Vì vậy, để thực hiện tốt chủ trương trên, trước hết Công đoàn tỉnh phải phát huy tốt vai trò tham mưu để Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tuyên truyền sâu rộng về vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân, vận động công nhân viên chức-người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đảm bảo tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày một tăng trong các thành phần kinh tế.
Tổ chức Công đoàn phải làm cho công nhân thấu hiểu rằng bản thân họ phải chuẩn bị “hành trang” gì để hòa nhập với bước tiến thời đại, phải làm gì và bằng cách nào để vươn lên làm chủ khoa học-công nghệ tiên tiến, mở rộng tầm nhìn, sự hiểu biết, nhằm biến những thách thức thành cơ hội để có sự bứt phá, vươn lên.
Để làm được điều đó, Công đoàn phải tiếp tục thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, đây là nhiệm vụ hàng đầu, xuyên suốt trong mọi hoạt động của Công đoàn. Chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời đề xuất, kiến nghị, đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi các chính sách liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn, đặc biệt là các chế độ chính sách về việc làm, tiền lương, thời gian làm việc, bảo hộ lao động, xây dựng thiết chế văn hóa, chính sách đối với lao động nữ, những quy định nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho đoàn viên và người lao động học tập nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, kiến thức pháp luật…
Bên cạnh đó, Công đoàn phải thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ đoàn viên và người lao động; tiếp tục phát huy tốt vai trò trong việc tham gia, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chủ động phối hợp cùng với cơ quan tổ chức hội nghị cán bộ công chức, đại hội công nhân viên chức-người lao động hàng năm đạt hiệu quả. Tập trung đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở đạt tiêu chuẩn vững mạnh, xuất sắc.
Chú trọng tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên, người lao động về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Lao động (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi) năm 2012; thực hiện tốt việc xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế thi đua khen thưởng… Đồng thời, đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh và thành lập Công đoàn cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn.
- Để nâng cao vai trò tổ chức Công đoàn, vấn đề trình độ của cán bộ Công đoàn sẽ được cải thiện như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Ông PHẠM ĐÌNH THU: Để nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn cần tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy, cán bộ Công đoàn các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Công đoàn. Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ Công đoàn” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là việc cần làm ngay.
Để làm được điều đó, trước hết Công đoàn cần tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn, đặc biệt quan tâm cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ trưởng thành từ cơ sở. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Công đoàn, nhất là đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Các cấp Công đoàn cần khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ Công đoàn cơ sở hoạt động tốt, có chương trình bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ công tác Công đoàn và kiến thức cơ bản về quản lý kinh tế, tài chính và pháp luật. Quan tâm lựa chọn những người ưu tú qua phong trào, có trình độ, năng lực và có uy tín trong tập thể lao động để có hướng bố trí, sử dụng phù hợp. Xứng đáng là một tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, góp phần xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững.
- Xin cảm ơn ông!
Đinh Yến (thực hiện)