Tạo lập niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm trong nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những năm qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chinh phục khách hàng trong nước và nước ngoài nhờ việc cung cấp hệ thống sản phẩm, giải pháp, dịch vụ có chất lượng cao, giá thành hợp lý. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vượt khỏi tầm quốc gia vươn ra thế giới đưa các sản phẩm Việt Nam đến với người tiêu dùng toàn cầu. Song bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng lợi dụng khẩu hiệu "made in Vietnam", tâm lý "mua hàng Việt là yêu nước" để cạnh tranh không lành mạnh, chào bán sản phẩm sai sự thật, kém chất lượng, xem thường người tiêu dùng.

 

Cam Cao Phong, Hòa Bình, đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng (Ảnh minh họa).
Cam Cao Phong, Hòa Bình, đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng (Ảnh minh họa).



Ngày 31/7/2009, trên cơ sở đề án của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Chính trị đã ra Thông báo số 264-TB/TW về tổ chức cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bước sang năm thứ 12 của cuộc vận động, nhiều sản phẩm kết tinh từ bàn tay và khối óc của người Việt đã được đón nhận rộng rãi trong nước. Giờ đây nhiều doanh nghiệp trong nước có quyền tự hào khi các mặt hàng do họ sản xuất đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống thường nhật của nhiều gia đình Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, không ít doanh nghiệp đang từng bước lấn sân sang thị trường quốc tế với những sản phẩm chất lượng cao. Ðó là chưa kể các mặt hàng truyền thống như dệt may, thực phẩm, hàng dân dụng, hàng công nghiệp phụ trợ vẫn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong khi bức tranh về sự phát triển của sản phẩm trong nước mang nhiều điểm sáng, đã xuất hiện hiện tượng lợi dụng lòng yêu nước của khách hàng để trục lợi dưới nhiều hình thức, như quảng cáo sai sự thật, bán sản phẩm có chất lượng thấp, nhập nhằng về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Câu chuyện "Make in Vietnam", "Made in Vietnam" vẫn tiếp tục là vấn đề đáng lưu tâm khi tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm gắn mác "hàng Việt Nam" còn thấp. Tính đến năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc tới 80% nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Với sản phẩm điện tử, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt 5%. Một số doanh nghiệp Việt Nam không giấu giếm việc đặt hàng tại các nhà sản xuất nước ngoài về mảng ODM (Original Design Manufacturing-công xưởng đảm nhiệm việc thiết kế, xây dựng các sản phẩm theo yêu cầu) và OEM (Original Equipment Manufacturing-công xưởng thực hiện các công việc sản xuất theo thiết kế, thông số kỹ thuật được đặt trước và bán sản phẩm cho công ty khác).

Ðiều này cho thấy số lượng không nhỏ doanh nghiệp nội hiện vẫn chưa làm chủ được nguồn nguyên liệu, thiếu nhân lực, nhà xưởng, máy móc, chưa tận dụng được việc liên kết với các đơn vị cung ứng trong nước. Hy hữu, có doanh nghiệp nội chỉ tập trung phát triển thương hiệu, bàn giao lại toàn bộ khâu lên ý tưởng, thiết kế, gia công đến sản xuất cho đối tác nước ngoài. Nhiệm vụ của doanh nghiệp chỉ là lắp ráp, đóng gói, dán nhãn hiệu, quảng cáo và phân phối sản phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam. Ðiều này tuy không trái với quy định pháp luật hiện hành nhưng chẳng khác nào đã đánh tráo khái niệm trước người tiêu dùng. Không dừng lại ở đó, việc không làm chủ công nghệ cốt lõi khiến một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc khẳng định quyền sở hữu trí tuệ. Chưa kể, hiện tượng nhiều loại mặt hàng từ quần áo, giày dép đến điện thoại, tai nghe, xe điện mang thương hiệu Việt Nam có mẫu mã, cấu hình y hệt các sản phẩm khác của nước ngoài không phải hiếm…

Ngoài ra, phải kể đến tình trạng một số doanh nghiệp thiếu minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ, cấu thành của sản phẩm. Như trường hợp năm 2017, sản phẩm Khaisilk gắn mác "Made in Vietnam" nhưng thực chất là trà trộn, bán hàng Trung Quốc. Năm 2019, Công ty cổ phần MHA và Công ty TNHH thời trang quốc tế Thư Kỳ cũng đã bị phạt 170 triệu đồng vì sửa nhãn mác làm sai lệch thông tin của mặt hàng túi, ví thuộc thương hiệu thời trang Seven.Am. Cùng năm đó, một doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất, kinh doanh thiết bị điện tử bị cáo buộc vì mập mờ trong xuất xứ hàng hóa lắp ráp. Ngày 12/10/2021, Công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s) phải công khai xin lỗi, nhận trách nhiệm với khách hàng trong nước về việc chọn lựa vải gấm đến từ Trung Quốc để thể hiện ý tưởng "Cảm hứng tự hào Miền Trung-Hoa trong đá" của Việt Nam.

Dù chỉ mang tính tham khảo nhưng số liệu khảo sát của Công ty TNHH Cempartner (chuyên nghiên cứu về trải nghiệm khách hàng) cho thấy, năm 2019, có đến 50% số khách hàng Việt rời bỏ doanh nghiệp trong nước do dịch vụ hậu mãi kém cũng là điều đáng để các doanh nghiệp trong nước suy ngẫm. Chưa kể, cách xử lý khiếu nại của khách hàng về dịch vụ, sản phẩm của nhiều doanh nghiệp của Việt Nam cũng phần nào cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp. Thay vì giải quyết yêu cầu của khách hàng trên cơ sở hợp đồng mua bán tài sản, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, một vài tập đoàn lại chọn biện pháp cứng rắn, hình sự hóa giao dịch dân sự, kinh tế. Chưa bàn đến đúng-sai, trước yêu cầu của khách hàng mà hành xử như vậy có thể đánh mất thiện cảm, uy tín trong mắt không ít người tiêu dùng. Ðây còn là cái cớ để một số đối tượng, tổ chức phát động các "chiến dịch truyền thông đen" nhằm tấn công, phá hoại doanh nghiệp.

Ðể cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất, Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan cần có những quy định cụ thể hơn về hàng hóa Việt Nam, thương hiệu quốc gia. Ðặc biệt, căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 31/2018/NÐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa để đưa ra các tiêu chí, thông số đánh giá cụ thể về các mặt hàng "Made in Vietnam", "Make in Vietnam" Từ đó, kịp thời biểu dương, khích lệ đối với những sản phẩm của người Việt, do người Việt, vì người Việt. Song song với vận động người tiêu dùng, Chính phủ cần tiếp tục khích lệ hệ thống doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, cơ quan nhà nước tham gia đặt hàng với các doanh nghiệp nội, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp sáng tạo. Ðồng thời có những chế tài nghiêm ngặt, xử phạt nhằm chấm dứt tình trạng doanh nghiệp "làm giả, ăn thật", trục lợi từ lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc. Việc siết chặt các tiêu chí về sản phẩm "Made in Vietnam", "Make in Vietnam" là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm, xây dựng hệ thống cung ứng với đối tác. Các năm qua, ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam đã có những bước tiến lớn song sự phát triển vẫn chưa được như kỳ vọng. Trong khi các tập đoàn, công ty có vốn đầu tư nước ngoài ngày một quan tâm đến tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm tại Việt Nam thì một số doanh nghiệp nội lại có phần thờ ơ, xem nhẹ vấn đề này. Trong khi đó, xây dựng được mối liên kết giữa doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp sản xuất trong nước, sẽ giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu ngoại nhập, hạ giá thành sản phẩm vừa trực tiếp giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động.

Thực tế Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhiều năm qua đã tạo cú huých lớn cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Niềm tự hào, khát vọng sử dụng hàng Việt được khơi dậy mạnh mẽ trong mỗi người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cũng có trách nhiệm hơn với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, qua đó dần nâng cao tính phát triển bền vững, tầm nhìn, kế hoạch chiến lược của doanh nghiệp. Tuy vậy, sau hơn một thập kỷ thực hiện, kết quả thu được vẫn còn khiêm tốn so với tiềm lực của đất nước.

Do đó, bên cạnh việc thuyết phục người tiêu dùng gắn bó với sản phẩm trong nước. Cần nâng cao năng lực cạnh tranh thể hiện qua các yếu tố: Con người, doanh nghiệp, sản phẩm, năng suất lao động và chú trọng phát triển bền vững.

Ðặc biệt, doanh nghiệp cần có tầm nhìn toàn cầu, lấy thị trường khu vực và toàn cầu như một phép thử để có sự vươn cao, bay xa. Dù có xuất phát điểm khác nhau nhưng không doanh nghiệp nào có thể thành công lâu dài nếu bỏ qua các tôn chỉ này.

Theo VINH HIỂN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không cho phép người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tuy vẫn còn tranh cãi xung quanh quyết định này nhưng rõ ràng, xu thế chung của thế giới đều lo ngại các rủi ro khi trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.