Lạm phát chỉ ở mức 3,15% trong năm 2022, và 3,1% trong 8 tháng đầu năm 2023. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư, đạt 12,1 tỉ USD trong năm 2022, ghi dấu ấn thặng dư 7 năm liên tiếp và đạt gần 19,9 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm 2023.
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao ở nhiều nền kinh tế, nhiều đồng tiền mất giá mạnh so với đồng USD và giá hàng hóa cơ bản tăng trên thị trường thế giới, những thành quả mà Việt Nam đạt được về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là rất đáng lưu tâm, được cộng đồng doanh nghiệp (DN) đánh giá cao.
Thành tựu về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát càng cho thấy chất lượng phục hồi của tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Điều quan trọng, vấn đề "đánh đổi" giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát đã không xảy ra.
Tuy vậy, quá trình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nói chung và Nghị quyết 43/2022/QH15 nói riêng còn có một số hạn chế. Đó là một số văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế về tính rõ ràng, chồng chéo, dẫn đến việc nhiều bộ, ngành và địa phương phải tổ chức xin ý kiến, hướng dẫn hoặc gây thêm chi phí về thời gian, tài chính không cần thiết cho DN.
Minh chứng cho bất cập này là việc triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Gói hỗ trợ này triển khai rất chậm nên chưa tạo được động lực đủ mới cho cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Do đó, trong thời gian tới, cần quyết liệt tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và Nghị quyết 43 để tạo đà phục hồi tăng trưởng kinh tế tích cực hơn trong các tháng cuối năm 2023 và tạo nền tảng cho điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024. Trong đó, cần giao nhiệm vụ cụ thể đối với các cấp chính quyền, các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm thực hiện đầy đủ, toàn diện và kịp thời những giải pháp đề ra.
Trong quá trình này, vai trò của Quốc hội trong việc giám sát và tạo cơ chế thực hiện phù hợp cho các giải pháp của Chính phủ sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, cần đánh giá đầy đủ, khoa học, có sự tham gia của cộng đồng DN và các nhà khoa học về quá trình tổ chức thực hiện những giải pháp của Nghị quyết 43, dư địa tài khóa và tiền tệ hiện nay.
Trên cơ sở đó, nghiên cứu khả năng xây dựng một chương trình phục hồi kinh tế mới trong giai đoạn 2024 - 2025. Trong đó, chú trọng hơn nội dung cải cách thể chế kinh tế, cải cách hành chính và môi trường đầu tư - kinh doanh. Từ thực tiễn triển khai trong giai đoạn 2022 - 2023, việc thực hiện quyết liệt và chất lượng các nội dung cải cách này sẽ giúp giảm đáng kể áp lực đối với kinh tế vĩ mô và lạm phát trong bối cảnh thúc đẩy phục hồi tăng trưởng thông qua các giải pháp tài khóa - tiền tệ.
Điểm quan trọng là các cải cách ấy cũng cần diễn ra ở chính các lĩnh vực liên quan đến các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có năng lượng, thị trường vốn, tạo thuận lợi thương mại...
TS TRẦN THỊ HỒNG MINH
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)