TÀN PHÁ THIÊN NHIÊN VÀ CÁI GIÁ PHẢI TRẢ: Rừng trồng chưa đủ sức thay thế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phải mất hàng chục, thậm chí trăm năm, rừng trồng mới có tác dụng như rừng tự nhiên
Trước thực trạng suy giảm diện tích rừng tự nhiên đến mức đáng lo ngại, Chính phủ đã tuyên bố "đóng cửa" rừng tự nhiên, đồng thời yêu cầu các địa phương tăng cường trồng rừng bổ sung. Nhờ đó, diện tích rừng cả nước, đặc biệt là rừng trồng, đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, rừng trồng chưa thay thế được rừng tự nhiên đã mất.
Tỉ lệ che phủ rừng ước đạt 42%
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tính đến cuối năm 2019, tổng diện tích đất có rừng cả nước là 14,609 triệu ha, trong đó 10,292 triệu ha từng tự nhiên và 4,317 triệu ha rừng trồng. Chia theo mục đích sử dụng, cả nước có 2,161 triệu ha rừng đặc dụng, 4,646 triệu ha rừng phòng hộ và 7,801 triệu ha rừng sản xuất.
Tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc năm 2019 đạt 41,89%, ước năm 2020 đạt 42%, đạt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Về thực hiện phương án trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện, theo báo cáo của Bộ NN-PTNT ngày 28-8-2018, tính đến tháng 7-2018, tổng diện tích phải trồng bù rừng là 22.319 ha (của 332 dự án thủy điện). Diện tích đã trồng bù rừng là 24.803 ha tại 30 tỉnh, 303 dự án thủy điện (đạt 111% so với diện tích phải trồng thay thế). Cả nước đã thu được 1.355,5 tỉ đồng tiền trồng rừng thay thế.
"Qua các đợt kiểm tra và làm việc với UBND các tỉnh, nhận thấy hầu hết chủ đầu tư dự án thủy điện hiện nay đều đã nhận thức đúng đắn và chấp hành tốt công tác trồng bù rừng thay thế theo yêu cầu của Quốc hội. Đối với các chủ đầu tư dự án thủy điện không thực hiện nghiêm túc trồng rừng thay thế theo quy định, Bộ Công Thương sẽ xem xét để thu hồi giấy phép hoạt động điện lực" - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định.
Ông Nguyễn Quốc Trị cho rằng: "Thực tế, mấy vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng ở Quảng Trị đều là những nơi phát triển rừng rất tốt, độ che phủ lớn. Tuy nhiên do mưa quá nhiều, địa hình dốc lớn nên mới gây vết sạt trượt".
Theo ông Trị, độ che phủ rừng ở các tỉnh miền Trung rất tốt, cao hơn so với bình quân chung cả nước. Tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, diện tích rừng của vùng này là trên 3,1 triệu ha, tỉ lệ che phủ của rừng năm 2019 đạt 57,76%. "Tôi cho rằng trồng rừng là con đường ngắn nhất để chống lại biến đổi khí hậu hiện nay" - ông Trị nói.

Nhiều diện tích thành đất trống đồi trọc do mất rừng tự nhiên. Ảnh: Hoàng Thanh
Nhiều diện tích thành đất trống đồi trọc do mất rừng tự nhiên. Ảnh: Hoàng Thanh
Mất cả trăm năm mới có tác dụng
Ông Lê Minh Hưng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận các thủy điện ở Quảng Nam chấp hành khá tốt công tác trồng rừng thay thế. Tuy vậy, ông Hưng đánh giá rừng trồng thay thế sẽ không thể có tác dụng giữ đất, giữ nước tốt như rừng tự nhiên và phải mất vài chục, thậm chí đến cả trăm năm thì rừng trồng thay thế mới có thể mang lại tác dụng như rừng tự nhiên.
Trong khi đó, báo cáo giám sát của HĐND tỉnh Quảng Nam năm 2017 chỉ ra hàng loạt hạn chế, bất cập trong việc trồng rừng thay thế. Điển hình như việc chọn một số loài cây không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên tỉ lệ sống rất thấp, khả năng sinh trưởng kém; công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng rừng trước khi xây dựng, phê duyệt phương án trồng rừng thay thế thiếu chặt chẽ, chưa chú trọng điều tra, khảo sát các yếu tố tự nhiên ngoài thực địa…
"Xây thủy điện chắc chắn ảnh hưởng đến môi trường. Quy định là phải trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, rừng trồng mới có độ che, không có thảm thực vật bao phủ" - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp thừa nhận.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng khẳng định Luật Lâm nghiệp với quy định mới rất chặt chẽ, gần như không cho phép chuyển đổi rừng phòng hộ, rừng tự nhiên sang mục đích khác.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 24-10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng thủy điện bao giờ cũng có hai mặt. Do đó không nên khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ Tài nguyên - Môi trường và các bộ, ngành đã tham mưu cắt giảm hơn 400 hồ thủy điện nhỏ. Trong thời gian sắp tới, chúng ta hết sức thận trọng khi xây các thủy điện nhỏ. 
Các giải pháp hạn chế thảm họa thiên tai
Theo TS Tô Văn Trường, để hạn chế thảm họa thiên tai, cần phải thực hiện các giải pháp chủ chốt sau đây:
1. Thành lập 3 cơ quan cứu hộ khẩn cấp ở 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đội ngũ được tuyển lựa từ những đơn vị cứu hộ thông thường như cứu hỏa, công binh... gồm những người được tuyển chọn gắt gao để có thể lực tốt, tinh thần dũng cảm và nhạy bén.
2. Thiết lập quy trình điều phối và chỉ huy giữa các cơ quan dân sự - quân đội, giữa các quân binh chủng. Các binh chủng như công binh, quân nhu, quân cụ sẽ đóng vai trò quan trọng, cho nên cần được huấn luyện để quán triệt vai trò của mình.
3. Thiết lập hướng dẫn ứng phó và tổ chức tuyên truyền cho các đơn vị, công ty có liên quan. Mỗi dự án thủy điện, thủy nông, thủy công, xây dựng vùng rừng núi... có liên quan cần lập ra quy trình ứng phó sự cố.
4. Thiết lập bản đồ 1:25.000 phân hạng các nguy cơ lũ lụt, động đất, sạt lở, cháy rừng ở những vùng trọng điểm rồi thông báo cho các huyện địa phương để nắm rõ.
5. Tùy theo mức độ nguy cơ dự báo, huyện cần lập kho dự trữ nhu yếu phẩm, tối thiểu là mì gói, nước uống, cùng phèn chua để làm lắng nước đục và các viên khử trùng nước. Người dân vùng bị thiên tai có thể xử lý các nguồn nước sẵn có xung quanh mà dùng.
6. Huyện cũng cần có kho dự trữ vật dụng cứu hộ, phương tiện bảo hộ, cơ giới đào xúc hạng nhẹ (để có thể điều nhanh đến hiện trường)...
7. Mỗi huyện trong vùng tùy mức độ nguy cơ dự báo mà lập ra quy trình ứng phó khẩn cấp, sau khi được tập huấn về lý thuyết cơ bản lẫn phương thức cụ thể.
8. Rà soát các tiêu chuẩn xây dựng để ứng phó với thiên tai. Lấy ví dụ thời Pháp thuộc, người Pháp khi xây đường rất chú trọng đến việc xây những cống thoát nước ngang, để khi mưa lũ, nước thoát qua các cống này, tránh gây thiệt hại cho đường sá. Có vẻ như ngày nay ta ít chú trọng đến điểm này...
9. Đặc biệt, cần rà soát các tiêu chuẩn thiết kế đối với những dự báo về biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Văn Duẩn - Trần Thường (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.