Chính quyền Trump tiếp tục đốt nóng mối quan hệ với Trung Quốc. Theo quan điểm của Washington, Bắc Kinh có lỗi về đại dịch toàn cầu, gián điệp, đánh cắp công nghệ, trộm dữ liệu cá nhân của thanh thiếu niên Mỹ, rồi nói chung là thái độ thù địch với "thế giới tự do".
Mỹ -Trung luôn đối đầu nhau |
"Người Mỹ không từ bất cứ thủ đoạn nào, họ đã mất hết lý trí và đạo đức", Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố.
Bài viết của Sputnik tìm hiểu xem cuộc chơi chính trị này sẽ dẫn đến đâu.
Cuộc chiến hệ tư tưởng
"Mỹ có những công nghệ y tế tối tân nhất và là nước bị lây nhiễm nhiều nhất. Chính quyền Mỹ không quan tâm chống đại dịch, mà chỉ cố gắng đánh lạc hướng chú ý và đổ lỗi cho người khác", đó là phát biểu hôm 9/9 của ông Cảnh Sảng (Gěng Shuǎng) đại diện Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đáp trả lời chỉ trích của người đồng cấp Mỹ Rodney Hunter.
Bởi có chuyện là ông Rodney Hunter cáo buộc Bắc Kinh đã làm coronavirus lây lan ra khắp thế giới. Theo phán xét của đại diện Mỹ, hệ thống của Bắc Kinh không minh bạch, Trung Quốc không đối phó được với dịch bệnh, dẫn đến thảm họa chưa từng thấy trên quy mô toàn hành tinh.
Các Uỷ viên thường trực HĐBA đã nhóm họp để thảo luận nghị quyết về virus corona, chứ không phải để tìm kiếm thủ phạm, đại sứ Cảnh Sảng của Trung Quốc nhắc nhở.
Đã mấy tháng nay các chính trị gia Mỹ tiến hành chiến dịch thông tin chống Trung Quốc. Tổng thống Donald Trump thường xuyên nhắc đi nhắc lại rằng Covid-19 là căn bệnh Trung Quốc và hăm dọa Bắc Kinh phải gánh lỗi chính về chuyện này.
Cuộc đối đầu giữa hai cường quốc đã đến đỉnh điểm. Và đây không phải là cuộc Chiến tranh Lạnh mới: hòn đá ngáng đường hay trở ngại chính là tranh chấp kinh tế. Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ưa nói về mâu thuẫn hệ tư tưởng, về sự đối đầu của "thế giới tự do" với Trung Quốc.
Cuộc chiến gián điệp
Trung Quốc đã xâm nhập vào Mỹ theo cách mà ngay cả Nga cũng không làm nổi, ông Pompeo nhấn mạnh, tô màu đậm hơn cho nhận định của mình.
"Chúng tôi đã nói với các nhà ngoại giao Trung Quốc rằng sẽ không có những chuyến du ngoạn miễn phí nữa. Đã quá đủ với chuyện làm gián điệp, thời đó qua rồi!", Ngoại trưởng Mỹ thông báo.
Từ bây giờ trở đi, các nhà ngoại giao cấp cao chỉ có thể đến thăm các trường đại học và gặp gỡ chính quyền địa phương nếu được Bộ Ngoại giao Mỹ cấp phép. Hơn thế nữa, cấm các đại sứ quán tổ chức sự kiện với 50 người trở lên. Thậm chí bây giờ cả việc tổ chức Tết Nguyên đán cũng là vấn đề.
Nhà Trắng khăng khăng rằng có gián điệp trong các cơ quan đại diện ngoại giao của Trung Quốc. Chính vì thế nên Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston bị đóng cửa, mặc dù nơi đây khó có thể thành chốn ẩn náu của những kẻ xâm nhập, như các nguồn tin của CIA lưu ý. Để đáp trả, Bắc Kinh huỷ bỏ sự hiện diện của lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô.
Những hạn chế về visa-thị thực đã áp dụng cả với sinh viên và chuyên gia khoa học từ Trung Quốc, vì về mặt lý thuyết, những cá nhân này đều có thể dò xét kết quả nghiên cứu của người Mỹ và chuyển thông tin về quê hương.
Vào cuối năm nay, tất cả các Viện Khổng Tử, một trong những "công cụ chính của quyền lực mềm" Trung Quốc, sẽ đóng cửa. Tại một số trường đại học lớn, khi lựa chọn môn học cho học kỳ mùa thu, các sinh viên nhìn thấy lời khuyến cáo: "Các đề tài thảo luận trong khóa học này có thể coi là nhạy cảm về chính trị ở Trung Quốc". Bằng cách đó, ban lãnh đạo các trường đại học tự bảo đảm cho mình và cho các sinh viên Trung Quốc trước sự giám sát của Bắc Kinh.
Báo chí cũng rơi vào tầm ngắm
Bắc Kinh trục xuất các phóng viên Mỹ. Washington phản ứng bằng công bố sẽ coi 4 hãng truyền thông lớn nhất của Trung Quốc như là sứ bộ nước ngoài.
"Quan hệ căng thẳng đến mức ngay cả các ấn phẩm theo định hướng thị trường cũng chịu thiệt hại", - Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu (một bộ phận của báo Đảng Trung Quốc «Nhân dân Nhật báo») viết trên Twitter.
Những liên hệ nguy hiểm
Liên hệ với Trung Quốc đang trở nên nguy hiểm. Chẳng hạn, Kevin Meyer, người đứng đầu chi nhánh của TikTok ở Mỹ đã bị mất việc. Hồi tháng 8, Tổng thống Trump cho chủ sở hữu công ty Trung Quốc ByteDance chuyên về dịch vụ video thời hạn 45 ngày để bán TikTok cho tập đoàn Microsoft. Nếu không – sẽ cấm. Theo quan điểm của Nhà Trắng, ByteDance chuyển thông tin của người dùng cho Bắc Kinh.
Tiếp đến là các công ty và các trung tâm phân tích-tư vấn. Washington có thể phong tỏa các khoản có tài sản của Trung Quốc mà họ cho là tiềm ẩn nguy hiểm, thông qua Ủy ban về Đầu tư nước ngoài, gây áp lực với các nhà tư vấn kinh doanh thông qua Đạo luật về đăng ký của đại lý nước ngoài.
Sau cuộc bầu cử, khó lòng có thay đổi gì. Trò chuyện với Sputnik, ông Temur Umarov chuyên gia tư vấn tại Trung tâm Carnegie Matxcơva cho biết rằng lập trường cứng rắn về Trung Quốc chính là điểm đồng thuận hiếm hoi của lưỡng đảng ở Mỹ và ai lên nắm quyền cũng không quan trọng. Tuy nhiên, giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ dù thế vẫn có sự khác biệt.
"Trump và ê-kip của ông ấy đang đốt cháy hết những cây cầu. Trong tình huống tương tự, khi cần phải đổ lỗi cho kẻ thù bên ngoài để được bầu lại, đảng Dân chủ sẽ hành động theo kiểu khác. Họ sẽ không hy sinh quyền tiếp cận vốn đã hạn chế của các quan chức Chính phủ, doanh nghiệp, xã hội mà họ đã có ở Trung Quốc", chuyên gia Umarov giải thích.
Và ngay cả khi Trump thua, ông ta vẫn còn mấy tháng để hoàn thành những gì đã bắt đầu.
"Những nhân vật khét tiếng là diều hâu đã chờ rất lâu, nhưng đã đạt được mục đích. Bây giờ có thể là Trump sẽ ra đi và họ sẽ phải nối bước ông ấy. Tuy nhiên, trước khi rời Nhà Trắng, họ sẽ hủy hoại cuộc sống của đảng Dân chủ và người Trung Quốc", người đối thoại với hãng thông tấn dự đoán.
Hiện giờ Bắc Kinh phản ứng một cách kiềm chế. Ban lãnh đạo Trung Quốc không sửa soạn thực hiện các đòi hỏi của Hoa Kỳ mà đợi Washington đổi ý, cả hai cùng ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng e rằng nếu diễn tiến kịch phát vẫn nối tiếp, thì chẳng bao lâu nữa sẽ chẳng còn chỗ nào để ngồi, mà cũng không đàm phán được với ai.
https://danviet.vn/tai-sao-my-tuc-gian-trung-quoc-20200912162132732.htm
Theo Sputnik/Dân Việt