Tài sản kết cấu hạ tầng nhà nước không cần trực tiếp nắm giữ thì cho phép các thành phần kinh tế khác quản lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, nâng cao năng lực quản lý trong việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng. Theo đó, tài sản kết cấu hạ tầng nhà nước không cần trực tiếp nắm giữ thì cho phép các thành phần kinh tế khác quản lý...

Ngày 28-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 09/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Để tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch UBND, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương có liên quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục đẩy mạnh tổ chức phổ biến, tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức sơ kết đánh giá việc thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hiện nay.

Tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Ảnh minh họa

Tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý. Ảnh minh họa

Tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Giao thông-Vận tải, các bộ, ngành có liên quan và UBND cấp tỉnh tiếp tục tổng hợp, đánh giá kỹ việc thực hiện các Nghị định của Chính phủ về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi; trên cơ sở đó nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các Nghị định: Nghị định số 129/2017/NĐ-CP ngày 16-11-2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi và các Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, đường sắt, đường bộ).

Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông-Vận tải, UBND cấp tỉnh: Ban hành đầy đủ các văn bản thuộc thẩm quyền; cụ thể: Bộ Nông nghiệp và PTNT: Phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, hạ tầng nước sạch thuộc phạm vi quản lý; ban hành/quy định giá tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi để xác định giá trị tài sản khi thực hiện kế toán tài sản theo quy định.

Bộ Giao thông-Vận tải phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông thuộc phạm vi quản lý.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành giá sản phẩm tận thu từ hoạt động nạo vét, duy tu luồng hàng hải, đường thủy nội địa khi thực hiện bảo trì tài sản theo hình thức bảo trì tài sản kết hợp với tận thu sản phẩm.

Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thương mại, cụm công nghiệp

Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đã được quy định tại pháp luật chuyên ngành nhưng chưa đầy đủ và đồng bộ với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (gồm: Tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ; tài sản kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; tài sản kết cấu hạ tầng khu đô thị; tài sản kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và khu kinh tế; tài sản kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao; tài sản kết cấu hạ tầng khu công nghệ thông tin tập trung; tài sản kết cấu hạ tầng phòng chống thiên tai là đê điều, hệ thống trực canh quản lý đa thiên tai, đa mục tiêu), các Bộ quản lý chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản sửa đổi, bổ sung (trong đó có nội dung quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cho phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công).

Cụ thể, tài sản kết cấu hạ tầng thương mại là chợ: Bộ Công thương nghiên cứu, trình Chính phủ thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP của Chính phủ; tài sản kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp: Bộ Công thương nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP; tài sản kết cấu hạ tầng khu đô thị: Bộ Xây dựng nghiên cứu, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ...

Bên cạnh đó, trong quá trình phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện các chính sách nêu trên, trường hợp cần thiết ban hành Nghị định chung quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng khu công nghệ cao, hạ tầng khu công nghệ thông tin tập trung, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng khu kinh tế thì Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xây dựng Nghị định chung này.

Tài sản kết cấu hạ tầng nhà nước không cần trực tiếp nắm giữ thì cho phép các thành phần kinh tế khác quản lý

Chỉ thị nêu rõ, trong quá trình hoàn thiện chính sách về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng nêu trên, các Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm xác định cụ thể loại tài sản nào có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh mà Nhà nước cần nắm giữ, đối với tài sản kết cấu hạ tầng nhà nước không cần trực tiếp nắm giữ thì cho phép các thành phần kinh tế khác quản lý để tiếp tục cung cấp dịch vụ cho xã hội đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp cần thiết một số loại tài sản có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh mà Nhà nước không cần nắm giữ trong một thời kỳ nhất định thì Bộ quản lý chuyên ngành chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định để xem xét, quyết định làm căn cứ để xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với từng loại tài sản kết cấu hạ tầng, đảm bảo thống nhất trong việc giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng gắn với hình thức giao tài sản (phù hợp với quy định của pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp). Trên cơ sở đó, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật liên quan (nếu cần thiết).

Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, nâng cao năng lực quản lý trong việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng. Xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật liên quan đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.

Ngoài ra, các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức đoàn thể thực hiện giám sát việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.