Sự thật trong các "thung lũng ma" : Khi đá nhuộm máu người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có khoảng 100 mỏ đá đang hoạt động, với giấy phép được cấp khai thác liên tục tới 20-30 năm, tập trung chủ yếu ở huyện Lương Sơn. Thảm cảnh ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi và điên đảo cùng xe chở vật liệu “tung hoành” ngày đêm, thì khỏi nói ai cũng hình dung ra rồi. Tuy nhiên, có một “thế giới ngầm”.

Thuê nhân công giá rẻ, bỏ qua nhiều quy định an toàn lao động, cốt sao “đẽo” được càng nhiều đá càng tốt. Điều này đã khiến nhiều thợ khoan đá nổ mìn rơi từ đỉnh trời cheo leo xuống, hoặc công nhân bị đá đè chết bất toàn thây, biến vùng thắng cảnh hàng triệu năm tuổi, được mệnh danh “Hạ Long trên cạn” kỳ vĩ kia trở thành thung lũng chết chóc.

 

Những thợ khoan làm việc không có dụng cụ an toàn trên đỉnh núi ở xã Cao Dương (Hòa Bình).
Những thợ khoan làm việc không có dụng cụ an toàn trên đỉnh núi ở xã Cao Dương (Hòa Bình).

Chúng tôi tìm về xã Cao Dương, nơi người dân cho biết có ít nhất 6 thợ đá bị thiệt mạng kể từ đầu năm 2017 khi lao động tại cái “thung lũng ma”.

Mạng người như cỏ rác!

Khi mà bà Trần Tố Chinh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình - một sở có trách nhiệm quản lý các mỏ đá ở tỉnh Hòa Bình (bà được Giám đốc phân công làm việc với nhà báo) vẫn tự tin trả lời chúng tôi dõng dạc đến 3 lần liền, rằng các mỏ đá tỉnh nhà vẫn an toàn, thời gian qua không có tai nạn nghiêm trọng đáng tiếc nào, thì chúng tôi đành nhập vai thành kẻ buôn đá xâm nhập khu vực nóng rẫy các mũi khoan tử thần ở “thủ phủ” Lương Sơn.

Các ôtô dã chiến, các gương mặt “chủ thầu” đặc trưng, chúng tôi mất nhiều ngày lượn khắp các mỏ trả giá, lấy mẫu đá lớn đá bé, bột đá, “cát” nghiền từ đá rồi ngã giá. Khi đã có niềm tin, lọt qua các cửa cân tải trọng xe, qua các camera giám sát, chúng tôi tự tin có mặt vào các thung lũng bụi bặm, ồn ã, bụi khói đến nghẹt thở.

Ông Bùi Minh Biện - Chủ tịch UBND xã Cao Dương (Lương Sơn), nơi có tới 12 cái mỏ đá khổng lồ (tôi nghĩ con số này cần đưa vào sách Kỷ lục Việt Nam!) đã và đang hành hoành - thở dài: Cơ quan chức năng đi kiểm tra toàn có kế hoạch trước. Các chủ mỏ trồng cây xanh, tưới nước phun sương cho tinh tươm rồi “cán bộ” đến ngó nghiêng kết luận là... ổn.

Quả thật, dù đeo kính đen, lọt vào thiên la địa võng máy nghiền, máy khoan, các tải thuốc nổ to như bao ximăng được thợ đá hồn nhiên ngồi lên như... gối đệm, lại thêm các dây chuyền sàng tuyển, các máy đập đá to như cây búa tử thần, chúng tôi vẫn có cảm giác mình ở... lò bát quái. Bụi trắng trời, bụi trắng tỏa ra từ các thung lũng như sương. Chỉ có điều, bụi trắng ấy thoạt trông giống như khói đốt đồng; nhưng đã ngửi một lần thì sợ suốt đời.

 

Những thợ đá nhồi từng túi thuốc nổ lớn vào để chuẩn bị phá núi.
Những thợ đá nhồi từng túi thuốc nổ lớn vào để chuẩn bị phá núi.

Trong quá trình điều tra kéo dài, một hôm, chúng tôi đi chiếc ôtô màu đen, 7 chỗ (mượn của người địa phương) để vào “mua vật liệu” ở mỏ đá số 9, ven đường Hồ Chí Minh, thuộc địa bàn xã Cao Dương. Tháng 4.2017, mỏ 9 đã gây ra cái chết của thợ khoan đá Bùi Văn Khôi, ở làng Đường, xã Cao Dương. Ít nhất 5 người đã chết ngay trên địa bàn.

Đó chỉ mới là theo thống kê và chúng tôi cũng đã đến tận bàn thờ thắp nhang cho họ. Mẹ của Khôi là bà Bùi Thị Nga, 62 tuổi, ngồi trong căn nhà xơ xác, trước cửa vài ngôi mộ rất to. Bà Nga bảo, người ta đền hơn 200 triệu cho cái chết của con tôi, từ ngày con chết, mấy chục ngày rồi, tôi chưa ra khỏi nhà, tôi khóc mờ hết cả mắt. Tôi không quan tâm đến họ đền bao nhiêu tiền, tôi chỉ cần con tôi sống về với tôi. Người bà con của nạn nhân Bùi Văn Khôi cho biết, đại diện mỏ đá đến “thương thuyết” về mức tiền đền bù nhiều lần, khiến họ rất đau lòng và chán nản. Bà Nga, người phụ nữ dân tộc Mường này không có chồng, “xin” được đứa con từ người đàn ông mà suốt đời bà phải giấu kín. Nuôi con đến năm con 29 tuổi đầu, mẹ con ríu rít.

“Đêm trước khi cháu bị ngã từ trên núi cao xuống, tôi còn tâm sự với cháu, con ơi, bỏ cái nghề nguy hiểm này đi. Cháu bảo, mẹ ạ, con lớn rồi, đàn ông phải có một cái nghề chứ. Con sắp cưới vợ rồi mà. Tôi đã dặn con phải hết sức cẩn thận”. Vào làm anh thợ đá, người ta chỉ phát cho Khôi cái mũ nhựa, đội vào trông như anh thợ điện ấy. Không thấy có đồ bảo hộ gì cả, bà Nga nhớ lại.

Chúng tôi vừa ghi hình, thì anh Chẻng ngã núi và ra đi mãi mãi

Nhắc đến chuyện của Bùi Văn Khôi, cậu bé cùng người Mường, cùng là lương dân xã mình ấy, ông Chủ tịch UBND xã Cao Dương thở dài xác nhận một điều chua xót: Người nào chết ở trên địa bàn xã, thì chúng tôi mới biết được, thông qua việc đi dự tang lễ. Chứ giả dụ người chết ở tỉnh ngoài, thì cán bộ xã có khi không biết đâu. Vì tai nạn xảy ra, họ đưa ra bệnh viện, ngay cả khi nạn nhân đã chết từ lâu (!?). Ra đó, đưa xuống nhà xác, rồi “thỏa thuận” gia đình đem về mai táng và nhận tiền “đền bù”. “Giá” của một mạng người “ngã núi”. Nó mặc nhiên “niêm yết” trong đầu các chủ mỏ, thợ đá và gia đình họ rồi.

Nhà báo ơi, vụ xảy ra mới nhất, ngày 24.9.2017, họ đã đem tử thi về huyện Kim Bôi tít bên kia để mai táng và đền bù, chúng tôi mà không nghe đồn để rồi cùng công an - đây có đồng chí Trưởng Công an xã Nguyễn Văn Thắng ngồi đây xác nhận nhé - thì chúng tôi làm sao biết. Chúng tôi đã phải đến hiện trường, yêu cầu chủ mỏ “thành khẩn” khai báo đấy chứ. Bằng không, có khi thông tin cũng... im ắng luôn.

 

Những cảnh khai thác đá cheo leo khủng khiếp này, chúng tôi quay chỉ ít giờ trước khi tai nạn thảm khốc xảy ra, cướp đi sinh mạng anh Bùi Văn Chẻng.
Những cảnh khai thác đá cheo leo khủng khiếp này, chúng tôi quay chỉ ít giờ trước khi tai nạn thảm khốc xảy ra, cướp đi sinh mạng anh Bùi Văn Chẻng.

Trở lại câu chuyện, khoảng chiều 23.9.2017, chúng tôi xâm nhập mỏ đá số 9 một lần nữa. Những hình ảnh rợn người hiện ra. Từ trên các đỉnh núi cao, trong nắng xiên, mắt thường không tài nào nhìn ra những nhân mạng lít nhít đang trèo leo, đang cong lưng cố sức tời những cỗ máy khoan khổng lồ lên đỉnh trời. Chúng tôi chỉ có thể theo dõi họ bằng... ống nhòm và máy quay phim “siêu zoom”. Có ít nhất 5 thợ khoan đá của 2 mỏ đang làm xiếc trên nền trời vòi vọi.

Điều kinh ngạc và “khâm phục” nhất là cái lá gan khổng lồ của các anh trai bản làm nghề “bán mạng”. Đổi mạng sống lấy miếng ăn. Không có dây bảo hiểm. Chúng tôi quay lại những cảnh thợ khoan quần xắn móng lợn, không mũ áo bảo hộ, tay cầm dây sắt buộc các cỗ máy khoan ở giữa vời vợi mây trời. Lúc thu “tầm mắt” lại, thì sừng sững một dãy núi cao án ngữ nền trời. Các thợ đá biến mất vào trong lòng đá xám, chỉ vài đụn khói bụi trắng bốc lên ở lưng chừng hoặc đỉnh núi.

Trên ấy, sau nhiều năm nổ mìn, các tảng đá to như gian nhà đã há mồm toang hoác chờ rơi. Có hai mỏ sở hữu dãy núi đó, đường phân chia biên giới là một rãnh trượt nhẵn. Thế mới có chuyện Bùi Văn Khôi chết thảm vì đá ở mỏ A bắn sang khu mỏ 9 mà Khôi đang làm thợ khoan đặt thuốc nổ. Chứ đá mà Khôi khoan vỡ, rơi rụng nó lại không đè chết được em.

Hình ảnh kinh hãi nhất có lẽ là các sợi dây dài để tời người (?) và thiết bị lên chín tầng mây. Máy của chúng tôi soi theo mãi, đến chóng mặt chưa hết độ cao của nó. Đặc biệt là các thợ đá của mỏ 9, họ đứng lưng chừng núi, không có mặt bằng nào được tạo như các điều kiện bắt buộc phải có trong thiết kế. Từ chênh vênh cheo leo đó, họ điều khiển máy khoan. Máy hoạt động đinh tai nhức óc, bột đá bay trắng một góc trời. Cả người và máy chơi vơi, lơ lửng. Bất cứ ai xem các hình ảnh này trên Lao Động điện tử (laodong.com.vn) cũng sẽ phải rùng mình, tôi tin là như vậy.

Nhưng điều đáng rùng mình hơn là, khi chúng tôi trở về, thì hôm sau nghe hung tin. Chính rông núi ấy, chính khu mà chúng tôi quay kia, lại xảy ra một vụ thợ khoan đặt thuốc nổ đó đã lại... chết thảm. Anh Bùi Văn Chẻng, 43 tuổi, người xóm Cốc Nấm, xã Kim Truy, huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) đã vĩnh viễn ra đi. Nhóm PV tìm đến nhà anh, cho thân nhân xem những thước phim định mệnh. Rồi sự thật nhức nhối khác lại tiếp tục lòi ra.

Am Thanh-Tâm Ninh/laodong

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.