Sứ giả... triệu năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những quần thể đá cổ mới được phát hiện và hệ thống núi lửa ở Gia Lai được ví như sứ giả triệu năm, giúp cao nguyên có thêm nhiều thắng cảnh độc đáo.
Cao nguyên vốn dĩ chỉ có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Độ cuối năm, khi những cơn gió thổi mạnh qua cao nguyên là chỉ dấu cho mùa mưa kết thúc. Cái hàn thứ biểu thiên nhiên bất di bất dịch đó cũng báo hiệu cho thời khắc chuyển mùa.
Giao thời cuối năm, cây cỏ, vạn vật vùng Trường Sơn bừng tỉnh, nảy lộc, bung hoa từ danh thắng ấy với vẻ đẹp khó cưỡng níu chân lữ khách. Giống như mùa thu ở vùng duyên hải miền Trung, dẫu chỉ thoáng qua thôi nhưng cuốn hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến với Gia Lai, đến với những thắng cảnh triệu năm với màu sánh vàng mật ong của dã quỳ, màu tím của cỏ đuôi chồn, trắng tinh khôi của những bụi xuyến chi bên đường… Tất cả quyện lại tạo nên sắc màu riêng có của cao nguyên.
 
Sắc vàng dã quỳ phủ dày trên núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: Trần Hiếu
Sắc vàng dã quỳ phủ dày trên núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: Trần Hiếu
Kỳ quan bãi đá cổ
Từ trung tâm phố núi Pleiku (Gia Lai) dọc theo QL14 hướng Gia Lai - Kon Tum khoảng 15 km, sau đó rẽ trái vào tỉnh lộ 673 thêm tầm 20 km nữa thì gặp tỉnh lộ 661. Di chuyển thêm tầm 3 km nữa sẽ đến làng Vân, TT.Ia Ly, H.Chư Pah (Gia Lai) hỏi bãi đá cổ thì ai cũng biết. Những tháng gần đây, nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đổ về để tận mắt thấy kỳ quan thiên nhiên mới được khám phá này.
Dọc hai bên bờ suối là hàng trăm khối đá với nhiều kích cỡ, hình lục lăng xếp chồng lên nhau rất lạ mắt. Triền đá đông đặc, rắn chắc. Qua thời gian, dòng chảy cùng các yếu tố tự nhiên, các khối đá bị bào mòn trơn nhẵn. Triền đá kéo thành dãy dài. Giữa những khối đá có hình thù cuốn hút đó là dòng suối chảy quanh co bên dưới những triền đá cổ trước khi đổ vào hồ chứa thủy điện Ia Ly - thủy điện lớn thứ 3 của Việt Nam sau thủy điện Sơn La và Hòa Bình với công suất 720 MW.
Già làng Ksor H’ben năm nay hơn 70 tuổi kể: “Người làng gọi đây là Ia Ruai, nghĩa là suối cây đập. Từ nhỏ đám trẻ trong làng đã biết tìm tới đây chơi, tắm mát. Khi mùa khô đến, người làng ra đây lấy nước về dùng. Nước suối không cần nấu, cứ lấy về rồi uống luôn. Ngọt và mát lắm! Gần đây người làng chụp hình rồi đưa lên. Vậy là người dân các nơi biết, tìm đến xem nhiều lắm”.
Nhiều khách thập phương đến đây không khỏi trầm trồ bởi vẻ đẹp nguyên sơ của bãi đá cổ cao nguyên. Không ít người còn so sánh với vẻ đẹp của Gành Đá Đĩa - Di tích quốc gia đặc biệt ở H.Tuy An (Phú Yên). Còn cộng đồng bản địa Jrai ở khu vực này gọi là bãi đá thiêng có lẽ bởi hình dáng kỳ lạ của các khối đá. Nhiều người bản địa nơi đây kể rằng những đêm trăng sáng, suối đá này cất lên tiếng gáy! Có lẽ, lời kể này bắt nguồn từ thực tế dòng nước chảy mạnh, quanh co giữa các triền đá đã tạo nên tiếng réo rắt kỳ thú.
 
Hàng ngàn trụ đá lớn nhỏ nhìn rất hấp dẫn. Ảnh: Trần Hiếu
Hàng ngàn trụ đá lớn nhỏ nhìn rất hấp dẫn. Ảnh: Trần Hiếu
Ông Trần Ngọc Nhung, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Gia Lai, nói Sở sẽ báo cáo, đề nghị UBND tỉnh Gia Lai có chủ trương, biện pháp bảo tồn phù hợp và cùng với H.Chư Pah, các đơn vị liên quan khác nghiên cứu, kêu gọi đầu tư để giúp thắng cảnh này được nhiều người biết đến, khai thác hiệu quả. Cùng với các điểm tham quan khác như thủy điện Ia Ly, núi lửa Chư Đăng Ya, đồi chè Biển Hồ, bãi đá cổ này là một điểm đến hấp dẫn. “Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Kế hoạch - Đầu tư có phương án cụ thể để quy hoạch nơi đây thành điểm du lịch”, ông Nhung thông tin thêm.
Ngoài bãi đá cổ ở làng Vân, một quần thể đá cổ khác cũng hấp dẫn không kém ở làng Đôn Hyang, xã Đê Ar, H.Mang Yang (Gia Lai), cách TP.Pleiku khoảng 45 km về hướng đông. Đá ở đây nằm xếp lớp với màu xám đen rất đẹp. Trải qua hàng ngàn, hàng vạn năm, dòng chảy hung dữ của dòng Ayun đã bào mòn những thanh đá bazan trụ khiến chúng có hình dạng rất lạ. Chỗ thì có hình dáng vặn xoắn, chỗ lồi lõm tạo thành những hốc đá với hình thù kỳ dị. Không biết cơ man nào là đá chạy dài thành triền ngút mắt. Quần thể đá này qua quan sát bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận thấy tương đồng với bãi đá ở làng Vân.
Thắng cảnh triệu năm
Thời điểm này ở Gia Lai cũng như cao nguyên nói chung có lẽ là đẹp nhất trong năm. Dọc các con đường rợp sắc vàng dã quỳ. Hơn 100 năm trước, người Pháp trong quá trình lập các đồn điền ở cao nguyên đã di thực cây dã quỳ trồng ven các đồn điền để làm hàng rào. Loài cây dại này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng cao nguyên đã phát triển rất mạnh.
 
Bãi đá cổ ở làng Vân nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Hiếu
Bãi đá cổ ở làng Vân nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Hiếu
Cứ sau mỗi mùa hoa, thân cây lụi đi trở thành nguồn phân xanh bổ sung cho đất đai màu mỡ, tươi tốt. Ngoài tên dã quỳ, loài cây này còn có một số tên khác như cúc quỳ, sơn quỳ, hướng dương dại… Cứ độ cuối năm, cây lại đơm nụ, bung hoa màu vàng mật ong nhuộm vàng trên các triền đồi, lối đi của cao nguyên.
Từ những núi lửa nguội lạnh triệu năm như Chư Đăng Ya, H.Chư Pah, núi Hàm Rồng, Biển Hồ ở TP.Pleiku dã quỳ bung hoa vàng rực. Hay dọc theo QL19 xuôi về đèo Mang Yang cũng nhuộm vàng cả hai bên đường màu hoa dại này. Trong cái nắng dịu nhẹ nơi cao nguyên, những thảm hoa vàng ấy khi có gió thổi qua cứ đong đưa thành bao con sóng hoa tuyệt đẹp. Vũ điệu thần tiên của thiên nhiên khiến cao nguyên có thêm hấp lực không chỉ với cư dân phố núi mà cả nhiều khách thập phương.
Nhớ mỗi mùa hoa trước, hàng chục ngàn lượt khách các nơi ùn ùn đổ về cao nguyên thưởng lãm vẻ đẹp kỳ diệu của hoa cỏ trong khoảnh khắc giao mùa. Cái se lạnh mơn man. Cây cối bừng lên căng tràn nhựa sống. Đó như là một đặc ân riêng có mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này với cư dân bản địa đầy nghệ sĩ tính.
Tiếc là dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến Lễ hội Hoa dã quỳ được tổ chức ngay dưới chân núi lửa Chư Đăng Ya ở làng Ia Gri, H.Chư Pah hằng năm phải ngừng lại. Anh Nguyễn Văn Hoàng, một người dân ở TP.Pleiku, nói: “Mình tranh thủ dẫn cả nhà lên đây tham quan, chụp hình cảnh đẹp của hoa dã quỳ. Mùa hoa năm nay thắm hơn những năm trước. Hoa có vẻ to và nhiều hơn”.
Những ngày này, dù lượng khách giảm nhiều nhưng vẫn luôn có không ít người tìm tới thắng cảnh này để thưởng lãm vẻ đẹp của thảm vàng dã quỳ rực lên trên triền núi lửa. Xung quanh đó là những cung đường chen đầy hoa. Hàng ngàn con ong cũng tìm tới để hút mật hoa. Cảnh sắc của núi, của dã quỳ giao hòa trong đất trời cao nguyên thật cuốn hút.
Hay dọc theo những triền núi lửa đã nguội lạnh hàng chục, triệu năm Hàm Rồng được phủ lên một sắc vàng dã quỳ. Du khách có thể ngắm hoa từ hướng QL19 hoặc QL25. Các cung đường cao nguyên mùa này cũng tràn ngập sắc vàng ấy.
Cao nguyên là vậy. Luôn mang vẻ đẹp bí ẩn mong chờ được khám phá, trải nghiệm!
Theo Trần Hiếu (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.