Sống trong vùng phong tỏa (kỳ cuối): Ước mơ có việc làm tại nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều gia đình đang sống trong vùng phong tỏa, cách ly đều trăn trở, thao thức mong có được việc làm tại nhà, có tí thu nhập chỉ cần đủ mua thức ăn hàng ngày, trả tiền điện nước… để sống qua cơn đại dịch chứ không thể mong chờ quà của những nhà hảo tâm!
Bởi ai cũng lo lắng, sức người có hạn, rồi một ngày đó nguồn quà này sẽ cạn, nhưng dịch Covid-19 vẫn còn thì cuộc sống sẽ ra sao?
Giải được bài toán hóc búa này, người dân sẽ ít ra đường và dịch bệnh sẽ sớm được khống chế…
Chia sẻ cách sống tích cực
"Nghìn trùng xa cách, người đã đây rồi. Còn gì đâu nữa mà u với sầu, mời người online, mình cùng chát chát…"
Những câu hát chế lời bài Nghìn trùng xa cách (nhạc sĩ Phạm Duy) trên do anh bạn Nguyễn Tài - Trưởng nhóm "Sống trong Covid" chế đặt trên đầu trang của nhóm. Nhóm kín ban đầu chỉ 3 gia đình nhưng hiện giờ hơn 10 gia đình tham gia, chia sẻ thông tin hữu ích, những cách sống tích cực, dạy con cái ở nhà trong thời gian cách ly.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Bùi Phụ
Nhân viên y tế lấy mẫu xét xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Bùi Phụ
Sáng 23/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã ký chỉ thị khẩn tăng cường một số biện pháp thực hiện Chỉ thị số 16. Theo đó, người dân vùng nguy cơ rất cao chỉ ở trong nhà. Trong các khu phong tỏa, thực hiện triệt để "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình"; tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh. Người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi có yêu cầu cấp cứu y tế, mua thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị/chợ trong khu phong tỏa…
Bản thân gia đình anh Nguyễn Tài bị cách ly chồng cách ly 2 lần ở quận 12 (TP.HCM) và hiện đang thực hiện Chỉ thị 16. Doanh nghiệp nhỏ của anh Tài làm dịch vụ trang điểm và đưa đón cô dâu chú rể mấy tháng qua đóng cửa nên đời sống cũng vất vả trăm bề. Gần 1 tháng qua, gia đình anh Tài không ra khỏi nhà vì Covid-19. Ban đầu anh Tài rơi vào bế tắc nhưng sau khi được bạn bè động viên, sẵn biết kiến thức công nghệ thông tin, anh Tài lập nhóm "Sống trong Covid" để bạn bè cùng động viên nhau.
Nhiều gia đình ở TP.HCM dần dần thích nghi với cuộc sống trong nhà nên những chuyện xảy ra thực tế từng gia đình nhỏ được anh Tài đúc kết và cho ra kinh nghiệm và đưa ra quy định: Không nói chuyện tử vong và số ca tăng nhiễm Covid - 19 tăng hàng ngày, hàng giờ bởi nhiều phương tiện thông tin đại chúng đăng phát liên tục. Chỉ nói chuyện giúp nhau, làm thế nào để được làm việc tại nhà để vượt qua dịch Covid - 19...
Mỗi ngày 2 lần, trước 11 giờ trưa và trước 20 giờ tối hàng ngày, cả nhóm hơn 10 gia đình họp mặt nhau qua mạng xã hội rất vui, cùng động viên nhau khiến tinh thần ai cũng phấn chấn chứ không u sầu, lo lắng, trầm tư như những ngày đầu cách ly.
Mong có việc làm tại nhà
Từ mơ ước của các thành viên, anh Tài đúc kết: Trong đại dịch Covid - 19 này, gia đình nào cũng có được một công việc làm tại nhà, có tí thu nhập đủ mua thức ăn hàng ngày, đủ trả tiền điện nước… để sống qua đại dịch là sau này có cơ hội làm lại tất cả.
"Có quà từ thiện như hiện nay rất tốt nhưng anh chị em mình cùng nghĩ xem, nếu một ngày nào đó nguồn quà này cạn, nhưng dịch vẫn còn thì không những chúng ta mà còn thêm những người khác, những nhà hảo tâm khác cũng khổ vì chúng ta các bạn ạ…"- anh Tài nói.
Đem ý kiến của tổng hợp của anh Tài, tôi có gửi email trao đổi với nhiều anh em bạn học cùng lớp, chuyên gia am hiểu sâu về kinh tế… đều nhận định ý kiến rất có cơ sở. Nhưng có được công việc tại nhà trong thời điểm nay không phải là chuyện "mở đóng cửa" là xong! Về lâu dài cách nhà hoạch định chính sách cần nghiên cứu phương án cho nhiều người được làm việc tại nhà khi dịch bệnh xảy ra nhất là anh chị em công nhân...
Nỗi lòng người cách ly

Nhà xe Phương Trang tặng hơn 500 ky rau xanh cho bà con phường Trường Thạnh. Ảnh Bùi Phụ
Nhà xe Phương Trang tặng hơn 500 ky rau xanh cho bà con phường Trường Thạnh. Ảnh Bùi Phụ
Nhắc lại chuyện cũ, ngày 23 đến 25/7/2020, tôi đưa mẹ già 86 tuổi, vợ con du lịch Đà Nẵng. Vài hôm sau, Đà Nẵng bùng phát dịch Covid -19. Các điểm Đà Nẵng công bố các ca lây nhiễm thường đến thì gia đình cũng đến và chỉ chênh lệch thời gian vài giờ... Ba ngày sau, theo hướng dẫn của ngành y tế TP.HCM gia đình tôi cách ty tại nhà 21 ngày, riêng cá nhân tôi phải lấy mẫu xét nghiệm đến 4 lần vì tôi và mẹ già đều có bệnh nền tiểu đường và huyết áp.
Hồi ấy, nhiều bạn bè và những người trước đó thường tiếp xúc với tôi, thấy số điện thoại của tôi là họ cúp máy! Không những thế, nhiều người còn trách tôi ai biểu có tiền mà dại đi làm gì giờ khổ ráng chịu… Thời ấy, tôi chịu rất nhiều áp lực dù mình đã âm tính! Còn năm nay, khi hay tin nơi tôi đang sống bị cách ly, nhiều bạn bè điện thoại thăm hỏi cần gì họ sẽ đi siêu thị mua hàng hóa gửi vào. Một bạn đọc Báo NTNN ở tận Cần Thơ gửi xe quen, rồi nhờ người chở đến tận hàng rào cách ly ở phường Trường Thạnh cho tôi 20kg gạo và 40 quả trứng vịt.
Tính đến ngày 23/7, khi tôi ngồi viết bài này, gia đình tôi đã cách ly tại nhà ở 53 ngày sau những lần vô tình gặp F và cũng là ngày tròn năm tôi đi Đà Nẵng về bị cách ly.
Đầu tháng 6/2021, trong 1 lần đi mua lượng thực về, hôm sau phường thông báo ai có đến cửa hàng vào giờ trên thì liên hệ gấp ngành y tế... Chưa hết hạn 14, thì một em công nhân gần sát vách nhà tôi là F2 và y tế phường đến dán tấm bản đỏ cách ly trước nhà. Vài hôm sau, em dâu tôi là công nhân trong Khu Công nghệ cao bị cách ly vì liên quan đến điểm lây nhiễm nhiễm của Công ty TNHH Nidec Sankyo Việt Nam (hiện đã dừng hoạt động) vì em có mấy lần tiếp xúc gần với mẹ vợ tôi (64 tuổi đang ở với vợ chồng tôi), theo khuyến cáo của ngành y tế tôi lại ở trong nhà. Ngày 28/6, hết hạn tôi đến Viện Pasteur TP.HCM chích ngừa vaccine mũi một và lúc về ghé mua lương thực cho vợ con. Hôm sau, lại nghe phường thông báo: Ai đến cửa hàng đó, giờ đó phải liên hệ gấp ngành y tế nên tôi phải ở nhà thêm 14 ngày… Còn một ngày nữa hết hạn, nghe thông báo TP.Thủ Đức đã có quyết định phong tỏa - cách ly y tế toàn phường từ 0 giờ ngày 13/7 đến khi có thông báo mới.
Cùng thời điểm này, mẹ già 87 tuổi của tôi ở quê nhà phường Mỹ Bình ở TP.Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) cũng đang thực hiện Chỉ thị 16.
Theo Bùi Phụ (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng phải chọn bác sĩ, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp một cách thận trọng, tỉnh táo. Đã có nhiều sự cố y khoa từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở hành nghề “chui”, dưới tay bác sĩ “chui” khiến người thì bỏ mạng, người thì tiền mất tật mang.