Sống trên đỉnh núi - Kỳ 1: Những "pháo đài" cheo leo trên đỉnh núi của người Mông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chúng tôi bắt đầu cuộc khám phá cuộc sống của tộc người “trên đỉnh” từ bản Há Súng A, nằm chót vót trên đỉnh núi cao gần 1.500 mét thuộc xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Loài cá sống ở nước / Loài chim bay trên trời / Người Mông sống ở núi (dân ca Mông). Nhìn những xóm nhà cheo leo trên đỉnh núi, những ngôi nhà như pháo đài bằng đá nằm vắt vẻo trên chóp đá tít mù mây là nơi cư ngụ của người Mông, chúng tôi tự hỏi: Họ sống như thế nào, họ làm gì và vì sao họ sống ở trên ấy?

“Thế giới của đá”

Để đến được Há Súng A, chúng tôi phải vượt đèo Há Súng, một trong những đoạn đường nhiều gấp khúc và dốc cao bậc nhất của quốc lộ 4C.

 

Nhà ông Vừ Mí Mua như một pháo đài cheo leo ở xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn.
Nhà ông Vừ Mí Mua như một pháo đài cheo leo ở xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn.

Từ đỉnh đèo rẽ vào con đường mòn nhỏ xíu lắt léo, được xẻ ra từ triền núi dựng đứng, mặt đường toàn đá núi, những cái dốc dựng cao, ngoằn ngoèo quanh những vực sâu hun hút đến rợn người, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của Cứ Xè Xính cheo leo, nhìn xuống quốc lộ 4C.

Thấy chúng tôi, Xính nhấc tay, người vợ liền đưa chai rượu ngô vào tay chồng. Rót chén rượu ngô đầy, Xính nói với cái giọng lơ lớ chất miền thượng: “Họ Cứ (thuộc người Mông trắng) sống trên đỉnh núi này từ lâu lắm, từ nhiều đời lắm rồi. Bên kia là nhà cha mẹ tôi, đó cũng là căn nhà cũ của ông bà và nhiều thế hệ trước. Anh em mình thì ở quanh đây thôi”.

Theo lời của Xính, tổ tiên anh đã chiếm cứ phần đỉnh của ngọn núi Há Súng từ hàng trăm năm trước.

Mấy năm trở lại đây, chính quyền vận động người dân rời bỏ đỉnh núi xuống cư trú ở những khu vực đất bằng hoặc triền núi thấp.

Một số hộ dân Há Súng A tuân thủ chuyển nhà xuống sống ở chân núi, trong khi nhiều hộ khác sau thời gian dài suy tính đã không chịu xuống núi với lý do dưới núi không có đất canh tác.

Trong hàng trăm bản làng sống trên đỉnh núi, chúng tôi thực sự ấn tượng là bản Tìa Chí Đỏ nằm trên sườn núi chót vót cao thuộc xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc. Vượt những con dốc và rừng trúc rậm rạp, chúng tôi như lạc vào một “thế giới của đá”.

Ở cái bản cheo leo này, lối dẫn vào tất cả các ngôi nhà đều xếp đá. Nhiều ngôi nhà nằm chênh vênh trên nền được xếp bằng đá cao đến 4-5m, được bao bọc bởi bức tường đá cao phía bên ngoài. Những khoảnh đất trồng rau được bao bọc bằng tường xếp đá.

Dưới những khóm trúc rậm rạp cũng là những bức tường đá xếp chạy ngang chạy dọc... Theo lời diễn giải của Giàng Mí Tủa - thanh niên trong bản, tất cả người dân ở đây chừng 14-15 tuổi đã biết cách xếp đá thuần thục.

“Đứa nào cũng tự biết cách xếp cả, khi lớn lên đã tự biết đập vỡ đá ra xếp cho ngay ngắn và vững chắc!” - giọng Tủa lơ lớ.

Đá xếp của người Mông vùng cao này không cần bất cứ một chất kết dính nào cả mà hết sức chắc chắn. Họ có thể xếp bức tường đá một lớp cao đến 5-6 mét và trụ vững với thời gian...

Những “pháo đài”

Một buổi chiều muộn, chúng tôi đi xe máy khám phá thế giới những đá toàn đá trên đường từ xã Sủng Mán đến xã Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn). Những dãy núi cao mấy trăm mét toàn đá chồng đá, dựng đứng, xám ngắt, nối tiếp nhau trải dài như vô tận, ngoài những nương ngô trồng vừa nhú khỏi hốc đá, trên những đỉnh núi chỉ thấp thoáng vài cây bụi.

 

Đôi vợ chồng trẻ Vừ Mí Dà và Làu Thị Xay sống trong “pháo đài” trên núi đá.
Đôi vợ chồng trẻ Vừ Mí Dà và Làu Thị Xay sống trong “pháo đài” trên núi đá.

Từ giữa lũng Mua Phà Sá (thôn Xà Tủng Chứ, xã Tả Phìn), chúng tôi tìm cách leo lên ngôi nhà men theo những khối đá dựng đứng.

Ngôi nhà nhỏ lát đá lởm chởm, trống hoác, chỉ có cái bếp và cái giường nằm ở góc nhà, phía bên trên che tấm bạt nilông. Đây là nơi ở của ba con người, ông Vừ Mí Mua, con trai Vừ Mí Dà và con dâu Làu Thị Xay mới về nhà chồng chưa đầy 
hai tháng.

Ấn tượng nhất là bức tường cao hơn 3 mét, dài hơn 100 mét được xếp bằng đá rất khít bao quanh vườn nhà. Trông như những đoạn “lũy” xếp băng qua những tảng đá lớn, vươn cao lên theo triền núi đứng mà thán phục tài nghệ của người làm nên nó.

“Hai cha con bỏ ra hơn năm tháng ròng đấy và còn mất rất nhiều thời gian hoàn thiện nữa!” - ông Mua khoe.

Bên chén rượu ngô cay nồng, gia chủ kể chuyện gia đình, về người mẹ chết sớm, người cha bị kẻ gian giết cho đến người vợ bỏ đi khi con trai mới 11 tháng...

Gia chủ giải thích việc chọn nơi núi đá cao này sống là để gần với những hốc đá có thể trồng ngô nhằm có cái ăn.

Còn lũy đá cao bao quanh một phần để cản gió rét, một phần ngăn cản người xấu bụng, bảo vệ cây cối trong vườn.

Nói đoạn, ông nhìn ra trước nhà, một vực núi thẳm sâu sương mù lờ lững bay, trong tiếng gió rít qua những kẽ đá, thông thốc vào những lỗ thủng trên mái nhà...

Thật dễ dàng bắt gặp hàng ngàn “pháo đài” trên các đỉnh núi ở cao nguyên đá Đồng Văn. Có nơi như ở Giàng Chu Phìn, Cáng Chu Phìn hay Lũng Phù, “pháo đài” cố kết thành từng cụm; có nơi như ở Pả Vi hay Pải Lủng... thì nằm rải rác như đang “trị vì” cả ngọn núi cao.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến nhận xét trong sách Những đỉnh núi du ca rằng: “Mỗi ngôi nhà Mông là một pháo đài, kè đá, tường trình chắc chắn, choán lấy các cao điểm. Làng Mông là một tập hợp các ngôi nhà như thế, nhưng không tập trung mà phân bố trên một diện rộng, thậm chí rất rộng, từ quả núi này tới quả núi khác.

Do vậy sẽ thật khó bao vây và tập kích một ngôi làng Mông nếu không huy động đủ một quân số tương đối lớn, mà điều này luôn là khó khăn khi phải hành quân ở trên các dãy núi có độ dốc rất lớn”...

Theo tuoitre

Chủ nhân những đỉnh núi

Hầu hết công trình nghiên cứu về người Mông cả trong lẫn ngoài nước đều cho rằng tộc người này luôn cư trú ở địa hình có độ cao từ 1.000 mét trở lên.

Bác sĩ Girard xác định người Mông luôn sống ở độ cao trên 1.200 mét; tác giả Cuisinier cho rằng tộc người này sống ở độ cao trên 1.400 mét; nhà địa chất Lê Bá Thảo nhận xét tương tự ở độ cao trên 1.000m và tác giả J.Scott xác nhận xu hướng cư trú của người Mông từ 1.000 - 1.800 mét...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng: “Sống trên các đỉnh núi, người Mông với thói quen lâu đời đã chiếm dụng những nơi có địa hình cao nhất mà họ di cư đến. Ở Việt Nam, người Mông chính là chủ nhân của những đỉnh núi cao nhất, mà tôi gọi là nóc nhà của Việt Nam”...

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.