Sống trên đỉnh núi: Đẳng cấp 4.0, khối tiền 30 tỷ, VN có mấy ai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều người gọi ông là 'lão nông 4.0' bởi ở trang trại có giá trị lên tới 30 tỷ đồng, các công đoạn đa phần đều làm bằng máy móc tự động. Cũng nhờ đó, năng suất lao động được tăng lên nên mỗi năm ông đút túi 6 tỷ đồng sau khi trừ hết chi phí.
Lão nông 4.0
Gần 4 giờ chiều, bước ra từ chiếc xe hơi bóng loáng đỗ ngay trong khoảng sân trống ở trang trại, lão nông 60 tuổi Nguyễn Thạch Lỏi ở thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La) cười tươi nói: “Các anh chị thông cảm, ban chiều tôi tranh thủ lái xe đi thăm đồng kiểm tra mấy người công nhân làm đất chuẩn bị gieo trồng ngô xem đã ổn chưa”.
Nói rồi ông Lõi dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng trại chăn nuôi bò sữa rộng gần 2ha của mình. Chuồng được chia thành từng khu thẳng tắp. Ông chia sẻ, tổng đàn bò của gia đình là gần 200 con, chia làm các khu: bò đang cho sữa, bò hậu bị, bê con,... để dễ quản lý, chăm sóc.
 
Ông Nguyễn Thạch Lỏi là một trong những người sở hữu đàn bò sữa quy mô hộ gia đình lớn nhất ở Mộc Châu
“Cái này thì không cần phải nhớ, chỉ cần mở máy tính trong nhà lên gõ mà số của mỗi con bò sẽ ra hết thông tin. Còn nào sắp cho sữa, con nào sắp cạn sữa, con nào chuẩn bị đến kỳ sinh nở, tình hình sức khỏe của từng con bò,... tất cả đều rất chi tiết”. Ông tiết lộ, đó là nhật ký điện tử mà nông dân tại thị trấn này sử dụng từ cách đây mấy năm để tiện quản lý đàn bò của mình.
Không chỉ sử dụng phần mềm quản lý, ông Lỏi cho biết, trong trang trại của ông, sức người giờ được thay thế dần bằng hàng chục loại máy móc nông nghiệp như: máy cày, máy phay đất, máy băm thái, máy cắt cỏ, xe công nông...
“Dàn máy vắt sữa tự động tôi mới đầu tư tiền tỷ hiện đại chẳng kém tại các nhà máy sữa của Việt Nam, có khác chỉ là công suất nhỏ hơn chút xíu vì tôi chọn lựa loại phù hợp với mô hình trang trại của mình”, ông tự hào khoe.
Trước kia, việc vắt sữa bò thường bằng tay, rồi bằng máy cá nhân rất vất vả, lại mất nhiều thời gian, nhưng giờ dàn máy này cùng lúc vắt sữa 8 con bò, sữa vắt đến đâu chảy thẳng vào tank làm lạnh 2 độ C đến đó. Hàng ngày, đến đúng giờ quy định, công ty cho xe ô tô đến chở đi, ông không còn phải tự mình đem sữa ra trạm thu mua cân đo như trước nữa.
 
Ông đầu tư rất nhiều máy móc phụ vụ trong sản xuất để giảm sức người
Tương tự, trong việc xử lý phân bò, ông Lỏi nói rằng trước dọn phân bò xong, ông phải thuê xe chở ra đồng ủ khá tốn kém, song gần 2 năm nay, nhờ có hai dây chuyền xử lý phân tự động mà ông còn thu thêm tiền, môi trường lại sạch sẽ. Hàng ngày, phân bò trong chuồng được dồn xuống hố, ông chỉ cần bật công tắc điện là máy hoạt động. Trong ít phút, máy đã xử lý thành phân khô với độ ẩm chỉ khoảng 15%, nước được tách riêng để tiếp tục xử lý sạch trước khi đưa vào tưới cho đồng cỏ.
Làm nông dân chăn bò giờ không vất như trước nữa vì có nhiều loại máy móc thay thế sức người, thậm chí nhiều công đoạn đã được tự động hóa. Thế nên, với đàn bò gần 200 con, diện tích trồng cỏ, ngô lên tới hơn 6ha mà ông Lỏi chỉ cần thuê đúng 8 công nhân.
 
Ông Lỏi kiểm tra chiếc tank đựng sữa có giá tiền tỷ được ông đầu tư vào năm 2017
Mỗi năm lãi 6 tỷ đồng
Ông Lỏi nhớ lại, những năm 90 của thế kỷ trước, cái nghèo đói còn đeo bám mãi gia đình ông. Về sau, ông bén duyên với nghề chăn nuôi bò sữa nên cuộc sống của gia đình dần được cải thiện.
Hơn 30 năm gắn bó với con bò sữa trên thị trấn Nông trường Mộc Châu, ông Lỏi tự hào, con bò sữa đã giúp gia đình ông có cuộc sống ấm no. Gần chục năm trở lại đây, nhờ cơ giới hóa sản xuất, biết áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi, do đó năng suất tăng lên, thu nhập của ông cũng khấm khá hơn.
Ông Lỏi tiết lộ, giá trị đàn bò và cơ sở vật chất mà ông sở hữu hiện lên tới 30 tỷ. Lúc nào trang trại của ông cũng có khoảng 67 con bò cho sữa nên đều như vắt chanh, mỗi ngày ông thu 10 triệu đồng tiền lãi từ bán sữa bò, sau khi đã trừ hết chi phí. Một tháng ông đút túi khoảng 300 triệu đồng.
Dây chuyền xử lý phân tự động của ông Lỏi
 
 
Nhờ bán sữa bò và phân bò mà mỗi năm ông thu lãi khoảng 6 tỷ đồng
Phân bò cũng vậy, trước đây một năm ông phải bỏ ra vài chục triệu để xử lý sao cho khỏi bị ô nhiễm, nay có dây chuyền xử lý tự động nên ông bán được phân khô với giá 2.500 đồng/kg, thu về khoảng 5 triệu đồng/ngày, một tháng thu 150 triệu.
“Nhẩm tính cả tiền lãi bán sữa, bán phân bò cộng với tiền được công ty thưởng do sữa luôn đạt chất lượng tốt nhất thì trừ đi chi phí, mỗi năm tôi đút túi khoảng 6 tỷ đồng”, ông nói.
Khoản tiền khủng này, ông Lỏi thường dùng một nửa để gửi tiết kiệm làm tiền dưỡng già, phần còn lại ông tái đầu tư vào trang trại để mở rộng quy mô, mua sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình.
Có tiền, ông còn tậu được chiếc xe tải và 2 xe con. Ông khoe: “3 chiếc ô tô này tôi mua được đều là từ tiền bán sữa bò. Cái xe tải thì dùng để chở phân bò đi bán, 2 xe con còn lại để tôi và đứa con trai đi lại cho tiện”.
“Năm nay tôi đã tròn 60 tuổi, đầu cũng hai thứ tóc. Các con bảo bố có tuổi rồi cần nghỉ ngơi nhưng tôi là nông dân, làm việc đã quen. Giờ mà tôi nghỉ chỉ ngồi nhà thì nhanh già lắm nên tôi cứ làm thôi”. Nói vậy nhưng ông cũng dự tính, vài năm tới, ông sẽ chuyển giao dần cho cậu út quản lý.
Bảo Phương (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.