Sạt lở đe dọa thủy điện Đắk R'tih

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước việc rạn nứt, sạt lở quả đồi nghi do nổ mìn sát công trình thủy điện, nguy cơ cao sạt trượt đất đá xuống thủy điện này, cơ quan chức năng cảnh báo người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.



Ông Lê Văn Thị, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, cho biết sở này vừa có văn bản gửi cơ quan chức năng đề nghị làm rõ nguyên nhân việc rạn nứt, sạt lở quả đồi gần công trình thủy điện Đắk R’tih (xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông).

Sạt lở do nổ mìn?

Trước đó, tại khu vực đồi cao, phía trên đập tràn cửa dưới thủy điện Đắk R’tih (buôn Cây Xoài, xã Đắk Nia) xuất hiện nhiều vết nứt gãy, sạt lở trên diện tích nhiều hecta, nguy cơ sạt lở đất xuống hồ thủy điện này và đe dọa các công trình thủy điện gần đó.

 

Công trình thủy điện Đắk R’tih
Công trình thủy điện Đắk R’tih



Ông Đỗ Văn Nghiên (ngụ thôn Cây Xoài) cho biết vườn rẫy của gia đình ông trồng hơn 1.000 cây bơ nhưng đang bị lún sâu. Mỗi khi đi làm rẫy, gia đình ông Nghiên rất lo sợ bị sạt lở.

Theo phản ánh của người dân, việc nứt, sạt lở đất rẫy là do thủy điện Đắk R’tih không xây kè chắn. Bởi khu vực bên cạnh, những vị trí đã được xây kè chắn thì không xuất hiện tình trạng nứt đất. "Tôi phải bỏ rẫy đi làm thuê nên mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ và có giải pháp khắc phục" - ông Nguyễn Văn Giới (ngụ thôn Cây Xoài) kiến nghị.

Trong khi đó, Công ty CP Thủy điện Đắk R’tih - chủ đầu tư thủy điện Đắk R’tih - cho rằng việc nứt, sạt lở đất là do nổ mìn khai thác đá gần đó. Cụ thể, công trình thủy điện Đắk R’tih bậc dưới (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đã vận hành ổn định từ năm 2011 đến nay. Tuy nhiên, công trình đang bị ảnh hưởng của việc nổ mìn khai thác tại mỏ đá C (thuộc buôn Cây Xoài và thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa). Vị trí khai thác nằm cách cụm đầu mối và cửa lấy nước khoảng 400 m, cách đường hầm dẫn nước khoảng 160 m.

 

Đất canh tác của người dân sát bên hồ thủy điện bị nứt, nguy cơ cao gây sạt lở. Ảnh: TUẤN KHANG
Đất canh tác của người dân sát bên hồ thủy điện bị nứt, nguy cơ cao gây sạt lở. Ảnh: TUẤN KHANG


Theo báo cáo của công ty, ngày 21-8, tại khu vực trên xảy ra hiện tượng sạt lở đất làm sạt trượt các trụ điện 22 KV cấp nguồn cho công trình cửa nhận nước. Sau khi tổ chức kiểm tra, công ty nhận thấy một khu vực rộng lớn tại vùng sườn đồi tiếp giáp giữa công trình thủy điện Đắk R’tih bậc dưới và mỏ đá C đang xảy ra sạt lở đất, sạt trượt và nứt đất rất nhiều, nguy cơ cao gây sạt trượt xuống công trình.

Công ty CP Thủy điện Đắk R’tih khẳng định việc sạt lở có liên quan đến việc nổ mìn khai thác đá tại mỏ đá C và lo ngại các rung chấn do nổ mìn làm tăng nguy cơ sạt trượt đất, nứt công trình và tuyến đường hầm dẫn nước. Công ty đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông xem xét việc khai thác đá tại mỏ đá C để không ảnh hưởng đến công trình đang vận hành cũng như việc ổn định địa chất tại khu vực trên.

Cấp thiết ứng phó

Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, kết quả kiểm tra xác định đã xảy ra tình trạng nứt, sạt lở đất canh tác của người dân và có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hồ, đập thủy điện Đắk R’tih bậc dưới, an toàn đối với người dân đi lại, canh tác trên khu vực.

Theo ông Lê Văn Thị, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trong khu vực và an toàn vận hành công trình, Sở Công Thương đã đề nghị UBND TP chỉ đạo các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương thông báo đến người dân sinh sống, canh tác trong khu vực biết hiện trạng nứt, các điểm sạt lở đất. Đồng thời, thực hiện các biện pháp cảnh báo nguy hiểm tại khu vực sạt lở, khuyến cáo người dân trong khu vực chủ động phòng tránh, hạn chế đi lại; không được ở, đi lại canh tác trên khu vực đã có vết nứt, sạt lở đất khi có mưa.

Đối với Công ty CP Thủy điện Đắk R’tih, Sở Công Thương đề nghị tổ chức đánh giá, trường hợp cần thiết mời các đơn vị chuyên môn về địa hình, địa chất xem xét đánh giá các vấn đề liên quan, khả năng ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình; có giải pháp, biện pháp ứng phó, xử lý phù hợp, bảo vệ an toàn hồ, đập thủy điện. Công ty sớm có biện pháp theo dõi xu hướng diễn biến các vết nứt, điểm sạt lở, kịp thời báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết theo quy định.

Còn theo ông Đỗ Tấn Sương, Chủ tịch UBND TP Gia Nghĩa, sau khi nhận được báo cáo của UBND xã Đắk Nia về việc sạt lở tại khu vực gần hồ thủy điện Đắk R’tih, UBND TP đã tổ chức kiểm tra thực địa. "Trước mắt, chúng tôi giao UBND xã Đắk Nia thực hiện các biện pháp cảnh báo, khuyến cáo người dân không vào khu vực sạt lở. Thứ ba tuần sau, sẽ chủ trì cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức cuộc họp để sớm làm rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp xử lý" - ông Sương thông tin thêm.


Đe dọa an toàn hầm dẫn nước

Ông Chu Văn Quyền, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đắk R’tih, cho biết sau khi xảy ra sự việc, đơn vị đã tổ chức cùng cơ quan chức năng vào kiểm tra thực địa. Công ty cũng đang mời một số đơn vị tư vấn vào kiểm tra, đánh giá.

Đối với phản ánh của người dân là việc nứt, sạt lở do thủy điện, ông Quyền cho rằng không đúng vì thủy điện đã xây dựng, hoạt động 10 năm qua. "Mỏ đá cách khu vực sạt lở chỉ hơn 100 m, không chỉ ảnh hưởng đến người dân mà còn ảnh hưởng đến công trình thủy điện. Mỏ đá cách đường hầm dẫn nước vào nhà máy chỉ khoảng 150 m, việc nổ mìn khối lượng lớn sẽ đe dọa an toàn đường hầm. Do đó, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại khối lượng thuốc nổ mỗi lần phá đá để bảo đảm an toàn" - ông Quyền nói.


Theo Cao Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.