(GLO)- Nhiều người dân tại thôn 8 (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) cho rằng cơ sở sản xuất bún của ông Trần Minh Châu xả nước thải ra môi trường khiến nhiều giếng nước bị nhiễm bẩn, bốc mùi hôi thối.
Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Ẩn (thôn 8, xã Nghĩa Hưng), khoảng 3 năm trở lại đây, cơ sở sản xuất bún của ông Trần Minh Châu (gần nhà ông Ẩn) liên tục xả nước thải ra môi trường. Nguồn nước thải ngấm xuống đất khiến giếng nước của gia đình ông Ẩn luôn bốc mùi hôi thối. Ông Ẩn đã nhiều lần yêu cầu chủ cơ sở sản xuất bún có biện pháp khắc phục nhưng tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.
Giếng nước của gia đình ông Ẩn nhiều lần bị nhiễm bẩn do nước thải từ cơ sở sản xuất bún của ông Châu. Ảnh: N.T |
Mới đây, khoảng 15 giờ ngày 6-4-2018, ông Ẩn phát hiện một dòng nước hôi thối chảy xuống miệng giếng của gia đình mình. Lần theo dấu vết, ông Ẩn xác định dòng nước này bắt nguồn từ hầm chứa nước thải trong quá trình sản xuất bún của ông Châu. Ông Ẩn đã mời đại diện thôn 8 đến chứng kiến và trình báo với UBND xã Nghĩa Hưng nội dung vụ việc. Tại thời điểm trên, trước sự chứng kiến của đại diện thôn 8, ông Châu thừa nhận nguồn nước hôi thối là do cơ sở sản xuất bún của mình xả thải.
Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Thu Nhân, nhà ở sát vách cơ sở sản xuất bún của ông Châu, trước đây, giếng nước của gia đình bà vẫn sử dụng bình thường. Từ năm 2009 đến nay, khi ông Châu sản xuất bún và đào hầm chứa nước thải liền kề thì giếng của gia đình bà Nhân bị nhiễm bẩn, thường xuyên bốc mùi hôi thối. “Hiện gia đình tôi phải mua nước bình để ăn uống chứ không dám dùng nước giếng. Con tôi thường xuyên bị ngứa ngáy khắp người và chữa mãi không khỏi. Đưa cháu đi khám, bác sĩ ở TP. Hồ Chí Minh bảo do sử dụng nguồn nước không đảm bảo để tắm rửa. Chúng tôi nhắc nhở mãi mà chủ cơ sở sản xuất bún không có biện pháp khắc phục”- bà Nhân nói.
Để thông tin khách quan, P.V Báo Gia Lai đã gặp ông Trần Minh Châu. Qua trao đổi, ông Châu cho biết: Cơ sở sản xuất bún của ông đã được cấp giấy phép kinh doanh và cơ quan chức năng thường xuyên đến kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất.
Ông Châu cũng dẫn chúng tôi đi tham quan cơ sở sản xuất bún và thừa nhận trong quá trình sản xuất không tránh khỏi sự cố gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. “Họ nói tôi không khắc phục là không đúng. Mỗi lần nghe phản ánh là tôi lại tìm cách khắc phục. Trước đây, tôi đào hầm rút chứa nước thải sau lắng lọc phía sau nhà nhưng khi nghe mấy hộ xung quanh phản ánh là ngấm sang giếng của họ nên tôi không xả xuống hầm rút nữa. Sau đó, tôi đào thêm hầm chứa trong nhà để lắng lọc rồi mới dùng máy bơm lên và xả nước đã xử lý theo hệ thống ống dẫn ra phía cống thoát nước trước nhà. Mặt khác, tôi bơm nước thải đó tưới cho cây cối ở trong vườn. Dù vậy, trong quá trình sản xuất cũng xảy ra sự cố. Mấy lần đường ống bị bể ngoài ý muốn, nước thải tràn ra và chảy xuống giếng, khi nghe phản ánh là tôi khắc phục ngay. Mới đây, khi tôi xả thải gặp mưa to, nước chảy tràn xuống giếng nhà anh Ẩn. Tôi thừa nhận với anh Ẩn là do sơ suất và sẽ thuê người cảo giếng nhưng anh ấy không đồng ý. Tôi làm bún có được bao nhiêu tiền đâu mà mấy người trong xóm bắt tôi phải mua xe tải, máy móc chở nước thải đi nơi khác đổ. Làm như thế khác gì triệt đường sống nhà tôi”-ông Châu cho hay.
Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Trọng Quang-Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng, cho biết: “Sau khi nhận phản ánh của nhiều hộ dân thôn 8 về việc cơ sở sản xuất bún của ông Trần Minh Châu xả thải gây ô nhiễm môi trường, UBND xã đã cử cán bộ đến làm việc để kịp thời nắm tình hình. Hiện 2 cán bộ được cử đến làm việc với các bên liên quan đang đi học nên chưa báo cáo lại cụ thể vụ việc. Sau khi có kết quả cụ thể, chúng tôi sẽ báo cáo lên cấp trên để có biện pháp giải quyết”.
Nguyễn Tú