Săn 'lộc' trên sông Tiền

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Oằn mình dưới cái nắng bỏng rát, trắng đêm 'tắm' sương, mùa này, những ngư dân miệt sông nước đang ngày đêm săn lộc trời: cá bông lau.
 
Chị Lượm đi xuồng không kém một lão ngư lành nghề. ẢNH: TRÁC RIN
Từ lâu, cá bông lau đã trở thành đặc sản của người miền Tây Nam bộ. Mùa cá bắt đầu khoảng tháng 11 đến tháng 3 hằng năm khi cá bông lau từ sông Mê Kông di chuyển theo con nước lên sông Tiền và sông Hậu sinh sản. Mỗi ngày làm việc của thợ săn cá có thể bắt đầu từ rạng sáng đến tận xế ngày hôm sau nhưng để bắt được cá cũng không dễ dàng...
Lộc trời cho
"Dưới miệt này không giăng lưới thì chỉ đi cắt lúa mướn. Cuộc sống vợ chồng không giàu có nhưng khỏi lo cái ăn hằng ngày, như vậy cũng hạnh phúc mà, phải không?"
Chị Nguyễn Thị Lượm
Mặt trời lên cao, giữa cái nắng bỏng rát trên sông Tiền, đoạn thuộc xã Tân Bình (H.Thanh Bình, Đồng Tháp) nhóm ngư dân gần chục người vẫn đang chờ “tài” tới lượt đi thả lưới bắt cá bông lau. Chân ghì chặt tấm lưới, tay thao tác vá khoảnh lưới rách nhanh lia lịa, ông Nguyễn Văn Bảy (53 tuổi, ngụ xã Tân Bình) nháy mắt bảo sắp tới lượt nên ông có thể cho tôi “thử lửa” một chuyến.
Nhổ neo, chiếc xuồng nhỏ không mái che lạch bạch “ra khơi”. Nước sông xanh mát nhưng người trên xuồng nóng như sắp bị nắng thiêu. Ông Bảy đều đặn rải lưới, xong chèo tay thả xuồng trôi theo con nước trên khúc sông dài chừng 1 km. “Tui đi lưới cá bông lau được chừng 20 năm. Dính cá là việc... hên xui, cũng như lộc trời cho ai người nấy hưởng mà”, ông Bảy cười nói.
Hơn một giờ ngâm lưới, lão ngư oằn lưng, dang hết cỡ sải tay kéo lưới lên. Nhìn có vẻ nhẹ nhàng nhưng không hẳn. Sau khi xin thực hành kéo vài tay lưới, tôi phải chào thua vì quá nặng. “Sông sâu nước xiết nên kéo lưới nặng lắm”, ông Bảy giải thích. Hôm nay không may mắn, thu hàng trăm mét lưới cũng không có con nào. Với ông Bảy, đây là chuyện thường vì có khi cả tuần không con cá bông lau nào dính. “Nghề này ngoài chịu cực còn phải kiên nhẫn, có khi trúng mánh một mẻ bán cả chục triệu hông chừng”, ông nói.
Hôm sau, tôi “đổi gió” sang xuồng của ông Tư Sự (55 tuổi, ngụ xã Tân Bình) tiếp tục săn cá bông lau. Đồ nghề đâu vào đấy, chừng 11 giờ trưa chúng tôi tiến ra giữa sông Tiền.
 
Lão ngư Tư Sự (55 tuổi, ngụ xã Tân Bình) đang bắt con cá bông lau nặng gần chục ký lên ghe. ẢNH: TRÁC RIN
“Hôm nay nước chảy mạnh, dự sẽ có cá to đi kiếm ăn”, ông lẩm nhẩm rồi nhanh chóng thả lưới. Giữa ánh nắng chói chang đến việc nhìn rõ mặt người còn khó, ông Tư Sự bỗng giật thót người bảo “cá bông lau mắc lưới rồi!”. Nói xong ông nhè nhẹ thu từng tay lưới, cẩn thận hết mức có thể vì cá mắc lưới sẽ vùng vẫy rất mạnh, có thể sổng. Trong chốc lát, ông kéo lên con cá bông lau to ụ, bụng trắng nõn. Cầm chặt đuôi và miệng cá, ông Tư bỏ chiến lợi phẩm vào khoang: “Con này cỡ 9 kg. Bữa nay coi như trúng mánh vì mỗi ký cá bán gần 300.000 đồng lận”.
“Đánh bắt giữa sông vậy tàu bè khác đi vướng lưới thì sao?”, tôi hỏi. Ông Tư Sự cho hay: “Ban ngày phao gắn miếng vải đỏ. Ban đêm thì thả đèn, đèn trắng báo khu vực đã thả lưới, đèn đỏ hướng dẫn tàu ghe khác qua lại. Xuồng của mình thì để đèn báo hiệu màu xanh”.
Đàn bà đi sông
Chiêu săn cá bông lau
Theo những lão ngư lành nghề, vào các ngày giữa hoặc cuối tháng âm lịch, thời điểm nước chảy mạnh, ở khu vực giáp nước hoặc ban đêm, lúc ghe thuyền ít đi lại, trời êm cá thường đi ăn nên dễ bắt hơn.

Tuy vậy, việc săn được nhiều cá hay không lại tùy thuộc vào độ ... “sát” cá. Mỗi mùa cá bông lau, nếu các ngư dân khác bắt được chừng 30 con thì lão ngư Đỗ Mười (48 tuổi, ngụ xã Tân Phú) phải kiếm được gấp đôi. Hằng ngày ông ăn dầm nằm dề ngoài bến sông. “Ổng khỏe lắm, ban đêm “tắm” sương, ban ngày đội nắng tung hoành ở con sông này. Ổng có duyên với... cá nên hầu như chuyến nào khả năng dính cá cũng rất cao”, lão ngư Minh Dương, 46 tuổi, chia sẻ về bạn xuồng.


Bên cạnh những lão ngư đơn thân độc mã cũng có một số phụ nữ “chịu chơi”, cùng chồng lênh đênh trên sông nước.
Bà Lê Thị Bi, 55 tuổi, là một trong những phụ nữ “máu” cá nhất xóm chài xã Tân Bình. Bà kể lúc trước chồng đi một mình nhưng từ hôm phát hiện ông bị bệnh tim, sẵn từ nhỏ tới lớn đã ham cá, bà nài nỉ chồng cho theo giăng lưới. “Tui cũng lớn tuổi nhưng kệ chú à, đi chung có gì còn đỡ đần nhau...”, bà Bi chia sẻ. Hằng ngày, sau chuyến giăng lưới, bà vội vã trở về đi chợ nấu cơm. Căn nhà nhỏ ở ấp Tân Phú A lúc nào cũng ấm cúng vì hai vợ chồng cứ ríu rít từ dưới sông lên tới bờ.
“Tui chèo xuồng ổng giăng lưới. Lúc kéo lên tui phụ một tay, gỡ rác... coi vậy chứ được việc lắm à nghen”, bà Bi cười khà khi nhắc đến vai trò của mình. Ba đứa con hiện đã ra riêng chỉ còn hai vợ chồng bám sông kiếm sống. Ông Nguyễn Ngọc Phước (54 tuổi, chồng bà Bi) cho biết vợ mình ham cá lắm mới dám đồng hành vì cả hai thường phải ngủ ngoài xuồng, trắng đêm canh con nước đi thả lưới.
“Mỗi mùa cá bông lau hai vợ chồng tích cóp cũng được từ 30 - 40 triệu đồng. Tiền này mình sắm ngư cụ và tiêu xài trong những ngày xui vận”, ông Phước cho hay.
Chị Nguyễn Thị Lượm (37 tuổi, ngụ xã Tân Bình) cũng sành việc giăng lưới không kém. Hằng ngày quấn quýt như hình với bóng cùng chồng trên sông, xong xuôi chị lại nhặt củi, lo cơm nước, chở con đi học... “Xuồng của tui lớn hơn người ta nên phải đi hai người. Hơn nữa ở nhà tui cũng đâu biết mần gì, ra phụ chồng cho ổng bớt cực”, chị Lượm kể chuyện sau chuyến “ra khơi” mỹ mãn với chú cá bông lau nặng hơn 5 kg.
“Dưới miệt này không giăng lưới thì chỉ đi cắt lúa mướn. Cuộc sống vợ chồng không giàu có nhưng khỏi lo cái ăn hằng ngày, như vậy cũng hạnh phúc mà, phải không?”, chị nói, mặt đỏ bừng vì dang nắng.
Một trong những lý do chỉ đàn bà và ông già đánh cá vì thanh niên đều kéo nhau lên thành phố. Gia đình bà Lê Thị Bi có ba con, đứa nào cũng lên Bình Dương lập nghiệp và “đoạn tuyệt” với nghề lưới cá bông lau. Gia đình ngư dân Minh Dương cũng vậy, hai con trai ông cưới vợ xong cũng bỏ quê mà đi. “Mình bám sông từ nhỏ nên quen cực nhọc. Tụi trẻ giờ ra sông phơi nắng một ngày là... chạy hết trơn. Hơn nữa nghề lưới cá bông lau bấp bênh bữa đực bữa cái, làm công nhân ổn định hơn”, ông Dương thoáng buồn khi nói về “số phận” nghề đã có từ đời cha ông.
“Nhân sâm nước”

Cá bông lau thuộc họ cá tra, sống ở nước lợ. Cách phân biệt là cá bông lau lưng và đầu xanh lá cây, vây hơi vàng trong khi cá tra có râu, vây và đuôi màu đen. “Dân gian gọi cá bông lau là “nhân sâm nước” vì nó giàu chất béo (lipid) không no và có chứa omega 3 nên rất tốt cho tim mạch và sức khỏe. Thời gian sinh trưởng của cá bông lau lâu hơn nên thịt ngon, thơm và chắc hơn cá tra. Tuy nhiên, cá bông lau sống ở môi trường nước sâu nên không thể nuôi với mật độ cao như cá tra vì thế cá bông lau dù đã sinh sản nhân tạo được, đã nuôi thành công trong bè đặt ngoài sông lớn nhưng không hiệu quả kinh tế bằng cá tra”, kỹ sư thủy sản Bùi Minh Anh Trí, Giám đốc kinh doanh sản phẩm thủy sản Công ty GreenFeed, cho biết.

Trác Rin (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Thượng tá Đậu Văn Huy chỉ huy thực tập phương án chữa cháy tại trụ sở liên cơ quan tỉnh. Ảnh: H.S

Thượng tá Đậu Văn Huy: Cứu người bằng cái tâm

(GLO)- Với hơn 24 năm công tác, Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã tham gia, chỉ đạo thực hiện thành công hàng chục cuộc chữa cháy, cứu nạn và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.