Sài Gòn sau 18 giờ: 'Vì bạn đói thì tôi... đau'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những cuộc đời bế tắc, những số phận éo le trên đường phố Sài Gòn ngày càng nhiều. Nhưng cạnh đó, mỗi đêm nhiều đội nhóm thiện nguyện vẫn âm thầm đến tận nơi, cứu đói, cứu khổ, giúp những người lang thang qua cơn bế tắc nhất.
 
Dịu Hiền trao cho cụ Dung chiếc mền đắp cho đỡ lạnh trong đêm Sài Gòn bị ảnh hưởng giông bão. Ảnh: Lam Ngọc
Dịu Hiền trao cho cụ Dung chiếc mền đắp cho đỡ lạnh trong đêm Sài Gòn bị ảnh hưởng giông bão. Ảnh: Lam Ngọc
Trong đó có nhóm “Đêm Sài Gòn” hoạt động với phương châm “Vì bạn đói thì tôi… đau”.
Bàn tay Dịu Hiền
Đêm đầu tiên chúng tôi gặp cụ Lê Thị Dung, 86 tuổi, tại bến xe buýt Bến Thành (nhân vật trong bài Bụi đời bất đắc dĩ) trên đường Hàm Nghi cũng là lần đầu tiên chúng tôi gặp Nguyễn Vương Trường Thành, 28 tuổi, và Mai Thị Dịu Hiền, 29 tuổi, thành viên nhóm thiện nguyện “Đêm Sài Gòn”. Trên xe của hai bạn là một bọc quà lớn gồm mền, bánh mì, sữa và cả những bao thư tiền mặt.
Trước khi có Chỉ thị 12, mỗi đêm nhóm của Thành có tới 20 người chia nhau đi khắp Sài Gòn tặng quà cho người vô gia cư. Nhưng từ khi có lệnh hạn chế, chỉ còn Thành và Hiền duy trì đi phát quà ban đêm. “Mỗi ngày chúng tôi nhận rất nhiều ca cầu cứu. Chủ yếu là những người mất việc, người nghèo, bà già và trẻ con gặp khó khăn”, Thành chia sẻ. Nhóm của Thành sẽ chia đối tượng cần cứu đói hay cứu khổ. Phần quà cứu đói là sữa, bánh, gạo và 200.000 tới 500.000 đồng tiền mặt. Còn cứu khổ thì tuỳ vào mức độ khổ tới đâu, nhóm sẽ giúp hết khả năng mình có thể.
 
Sau Chỉ thị 12, mỗi đêm Hiền và Thành đều đi xuất phát từ 19 giờ và kết thúc sau 0 giờ để mang những phần ăn, mền, tiền mặt tới những người lang thang trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: Lam Ngọc
Sau Chỉ thị 12, mỗi đêm Hiền và Thành đều đi xuất phát từ 19 giờ và kết thúc sau 0 giờ để mang những phần ăn, mền, tiền mặt tới những người lang thang trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: Lam Ngọc
Biết nhiều đêm nay, cụ Dung 86 tuổi ngủ trên băng ghế xe buýt và sợ nhất là lạnh. Vừa dừng xe, cô gái đi cùng Thành lấy hai cái mền, sữa để lên đầu nằm và nhét vào túi cụ Dung 500.000 đồng. “Con tặng cụ”, vừa nói, Dịu Hiền ngồi bệt xuống đất trước mặt cụ Dung rồi dịu dàng nắm lấy bàn tay cụ: “Mấy nay cụ ở đây ngủ có được không? Con cái của cụ đâu rồi?”, tiếng nói qua lớp khẩu trang vẫn không mất đi sự ấm áp khiến cụ Dung trong chốc lát đã trải hết lòng mình.
Trong hành trình đi đêm của mình Hiền đã trao đi không chỉ là quà, tiền mặt hay vật phẩm mà còn là hơi ấm từ giọng nói ấm áp và những cái siết tay hỏi han. Hiền ý thức rất rõ dịch bệnh bao trùm mọi ngóc ngách, mỗi người lang thang đều có thể là những F0 có nguy cơ truyền bệnh nhưng cô vẫn chọn cách trang bị bảo hộ thật kỹ để vừa bảo vệ bản thân, vừa trao đi yêu thương nhiều nhất có thể.
“Bữa ăn nhẹ có thể giúp họ hết đói, một chút tiền có thể giúp họ trang trải vài ngày, cái mền có thể làm họ ấm áp hơn trong chốc lát nhưng không thể xoa dịu những tổn thương. Cái siết tay thay cho một lời hứa sẽ mang lại hy vọng. Em mong không ai bị đói, bị bỏ lại trong mùa dịch này. Vì điều đó khiến chúng em đau”, Hiền tâm sự.
 
Phút nghỉ chân trên hành trình giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Ảnh: Lam Ngọc
Phút nghỉ chân trên hành trình giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Ảnh: Lam Ngọc
“Bồ câu” mang hy vọng
Những đêm hành trình của mình, Hiền đã để lại bao yêu thương cho những người không may mắn. Hiền kể, từ hôm cùng chúng tôi gặp cụ Dung ở bến xe buýt Q.1 mỗi đêm sau đó cô đều ghé qua, dành ra một chút thời gian để trò chuyện với cụ và những người lang thang ở bến xe buýt. Mỗi lần trước lúc rời đi, hai bạn lại trao cho cụ Dung và những người vô gia cư một phần ăn khuya. Có lẽ vì thương mến tấm lòng của hai bạn trẻ mà cụ Dung và những người vô gia cư nơi bến xe đã đặt cho Hiền và Thành cái tên mới là hai chú “bồ câu trắng” cùng sự mong chờ, hy vọng mỗi đêm. 
Không phụ lòng mong mỏi của một người già, Hiền đã lên kế hoạch giúp cụ Dung một cách lâu dài (như cách mà các bạn từng làm với nhiều người trước đó). Hiền trao cho cụ Dung một chiếc thẻ đỏ. Với chiếc thẻ này, tối chủ nhật hàng tuần cụ Dung sẽ nhận được phần hỗ trợ 500.000 đồng. “Số tiền này có thể giúp cụ có tiền trang trải trong thời gian trước mắt. Sau dịch, chúng con sẽ đón cụ về mái ấm. Cụ có chịu không?”, Hiền thông báo. Cụ Dung gật đầu hoan hỉ: “Chịu. Về nhà, có chỗ ngủ ấm khỏi chạy công an. Già rồi, không ham Sài Gòn nữa”.
Vẫn chưa yên tâm, nếu từ nay tới hết dịch, cụ cứ ăn ngủ ngoài đường, chẳng may cụ nhiễm bệnh hay có chuyện gì thì sao? Nghĩ thế, Hiền lại chạy vạy khắp nơi để lo cho cụ một chỗ ăn ở ngay trong những ngày dịch này. Và hôm đó, khi Sài Gòn đưa ra số ca nhiễm trong ngày lên tới trên 5.000 ca, Hiền đã ríu rít thông báo cho tôi: “Em đã kết nối được chỗ ở tạm cho cụ rồi”, kèm theo đó là tấm hình chụp cụ Dung ngồi trên chiếc nệm dày. “Sau dịch, chúng em sẽ đón cụ về mái ấm. Từ đây cụ hết lạnh rồi. Chị yên tâm nhé”. Sống mũi cay cay, tôi thầm cám ơn Hiền, cám ơn những nghĩa tình cao đẹp mà em đã trao đi.
 
Hiền trao cho anh Phong phần hỗ trợ, giúp anh phần nào bớt khó khăn vượt qua mùa dịch. Ảnh: Lam Ngọc
Hiền trao cho anh Phong phần hỗ trợ, giúp anh phần nào bớt khó khăn vượt qua mùa dịch. Ảnh: Lam Ngọc
Mỗi hành trình Hiền đều lưu lại những câu chuyện đầy cảm động. Trong đó, chuyện về bé Út Cưng dưới dạ cầu Chà Và chiếm một góc đặc biệt trong trái tim ấm áp của cô. “Đêm đó, dưới chân cầu Chà Và (Q.5) tôi thấy một gia đình nhỏ có cháu bé với vết may dài trên đầu đang ngủ ngon lành dưới gầm cầu giữa ba và mẹ. Ba mẹ nằm bên để che chắn gió sông, sương đêm, chuột, côn trùng cho bé… Tôi ghé lại hỏi  thăm, chị kể do thất nghiệp, không có tiền trả trọ, vợ chồng chị đi lượm ve chai rồi tiện đâu ngủ đó.
Bé con tên Út Cưng, được 14 tháng tuổi. Tôi thương nàng Út Cưng vì ngủ ngoài đường nên bị té từ thành cầu xuống đất phải may tám mũi. Mới thôi nôi, con đã phải khoác trên mình chiếc áo có tên ‘vô gia cư’. Đến giờ cô phải đi rồi. Chào con! Trong lúc ngủ say con vẫn uống hết hộp sữa. Gió mưa ru con ngủ hàng đêm, tiếng còi xe có lớn như thế nào cũng không đủ làm con tỉnh giấc. Có lẽ con đã quen rồi …”. 
Hiền và Thành đã rời đi nhưng gia đình Út Cưng vẫn cứ ngoái theo mãi. Họ nhớ và mong đêm mai, cô Dịu Hiền lại tới. Hiền bảo: “Hàng đêm, tôi tự giao cho mình nhiệm vụ lang thang cứu đói và chia sẻ yêu thương …”. 

Hành trình kết nối

Với kinh phí khoảng 2 tỉ đồng, từ đầu mùa dịch Covid-19 lần 4, nhóm thiện nguyện “Đêm Sài Gòn” đã mua đồ bảo hộ, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ lương thực cho những nơi bị phong tỏa, cách ly, duy trì bếp cơm 0 đồng phục vụ mỗi ngày 500 - 1.000 suất ăn. Duy trì mỗi đêm, nhóm đều mang 100 - 200 phần quà, tiền mặt hỗ trợ người vô gia cư. Tuy không thể giúp đỡ tất cả những người đang đói nhưng sự xuất hiện của những bạn trẻ trong đêm đã mang đến bữa ăn tinh thần giúp những người vô gia cư cảm thấy không quá cô độc. 

(còn tiếp)
Theo Lam Ngọc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.