Sách hay giúp thay đổi cuộc đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là chia sẻ của em Trần Thị Thảo-học sinh lớp 12C1 (Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) khi nói về sách. Mới đây, Thảo được trao giải chuyên đề xuất sắc nhất cuộc thi “Tìm hiểu và đồng hành cùng kênh Cùng bạn đọc sách-Chia sẻ sách hay-Chung tay chống dịch”. 
Tham gia cuộc thi do Dự án Sách và Hành động phối hợp với Trung tâm Phát triển Văn hóa đọc và Học tập suốt đời cùng chương trình “Đồng hành cùng bạn đọc sách: Nâng tầm trí tuệ Việt” tổ chức, cô học trò nhỏ nhắn, năng động đã chọn giới thiệu cuốn sách được giới trẻ đón nhận nhiệt tình vài năm trở lại đây “Sống như ngày mai sẽ chết” (tác giả Phi Tuyết).  
Sống trọn vẹn từng khoảnh khắc
“Bạn đã bao giờ tự tay trồng một cái cây từ giai đoạn đầu tiên là làm đất cho đến khi gặt được thành quả là hoa lành, trái ngọt chưa? Và trong quá trình vun bồi, tưới tẩm ấy, bạn có nhận ra rằng mỗi ngày cái cây lớn lên là một sự kỳ diệu? Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, mỗi khoảnh khắc đều đáng quý, đáng trân trọng. Ta không thể biết hơi thở cuối phải rời lồng ngực, xa lìa cuộc đời này là khi nào. Vì vậy, hãy sống trọn vẹn từng khoảnh khắc”-nét xinh xắn, tự tin về hình thức và sự cuốn hút trong cách dẫn chuyện của Thảo đã “giữ chân” người xem hơn 5 phút giới thiệu sách qua video clip.  
Thảo cho hay, em được anh trai tặng cuốn sách truyền cảm hứng này cách đây vài năm. Càng đọc em càng nhận rõ định hướng cùng những giá trị chân thật của cuộc đời. Khi biết đến cuộc thi nói trên, Thảo quyết định giới thiệu cuốn “Sống như ngày mai sẽ chết”. Tiếp đó, em tìm cách liên hệ với tác giả Phi Tuyết (hiện đang sống tại Lâm Đồng) thông qua mạng xã hội để có cái nhìn sâu sắc hơn về cuốn sách. “Điều bất ngờ là chẳng những được hồi đáp, hỗ trợ nhiệt tình, em còn được tác giả hỏi địa chỉ để gửi tặng những tác phẩm đã xuất bản”-Thảo hạnh phúc chia sẻ.  
Em Trần Thị Thảo và giấy chứng nhận đạt giải chuyên đề xuất sắc nhất cuộc thi. Ảnh: L.N
Em Trần Thị Thảo và giấy chứng nhận đạt giải chuyên đề xuất sắc nhất cuộc thi. Ảnh: Lam Nguyên
Thầy Trần Bá Công-Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Văn Đồng: “Đây là lần đầu tiên nhà trường có học sinh đạt giải cao trong một cuộc thi về giới thiệu sách như em Trần Thị Thảo. Điều này góp phần không nhỏ vào việc lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường, giúp các em có thêm tri thức từ những trang sách”. 
Nói thêm về cuốn sách mà bản thân cực kỳ yêu thích và mong muốn tạo sự lan tỏa, Thảo cho biết: Cuốn sách gồm 4 phần, tương ứng với 4 bước trong quá trình trồng cây để tạo nên mảnh vườn riêng là làm đất, gieo hạt, chờ đợi và gặt thành quả. “Bạn hãy tưởng tượng mình là một nông dân và cuốn sách sẽ tặng bạn cái liềm, cái cuốc để xới đất, tặng bạn hạt giống. Nhưng bạn phải là người hành động. Khu vườn sẽ rực rỡ ngát hương thơm hay cỏ dại mọc đầy đều là do bản thân mình quyết định. Nếu cuộc đời là một cuốn phim, hãy làm cho nó trở nên đáng xem”-Thảo thổ lộ.  
Sau khi được tải lên trang YouTube “Cùng bạn đọc sách”, phần giới thiệu sách này của cô học trò nhỏ đã nhận được rất nhiều nhận xét tích cực của người xem như: “Vô tình lướt ngang, ấn tượng với giọng của bạn này quá, bài review cũng ý nghĩa nữa” (Ngân Trần);  “Chúc mừng Thảo, em rất giỏi, năng động, cuốn sách được giới thiệu hấp dẫn, khơi dậy đam mê đọc sách mỗi người. Đọc sách giúp bạn giàu có và tài sản ấy không bao giờ mất đi trong bạn, trong chúng ta!” (Chu Lê Phương Thảo).  
“Để sách nuôi dưỡng tâm hồn”
Chẳng cái gì tự nhiên mà có, thói quen đọc sách cũng vậy. Thảo nhớ lại: Ngày còn nhỏ, khi mới học lớp 3, em thấy trong tủ sách của ba nhiều tập sách hay về lịch sử cùng những tập thơ thấm đẫm tinh thần cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tố Hữu… Thảo tò mò lật giở và thấy rất thích thú.
Trưởng thành trong môi trường ấy, cả 4 anh chị em Thảo đều mê sách. Nhờ những “người bạn” này, em được hỗ trợ rất nhiều trong học tập cũng như cuộc sống, nâng cao vốn hiểu biết, khả năng ngôn ngữ, tư duy… Đặc biệt, trong các đợt dịch Covid-19, sách càng được Thảo xem như một điểm tựa. Em nhắn gửi: “Không ra ngoài trong thời gian quá lâu sẽ dẫn đến bí bách, thậm chí trầm cảm. Vậy hãy để sách nuôi dưỡng tâm hồn bạn”. Ngoài sách kỹ năng sống, Thảo thích đọc truyện ngắn trong và ngoài nước, sách song ngữ, tiểu thuyết… Thảo điểm qua những cuốn mà theo em rất đáng đọc như “Lá ngọc cành vàng” (Nguyễn Công Hoan), “Sáng hoan ca, chiều thưởng rượu” (Quan Đông Dã Khách), “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” (Adam Khoo)…
Hiện giờ, dù khá bận rộn với chương trình ôn thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học nhưng Thảo vẫn luôn dành thời gian cho sách. Em thường đọc ở thư viện trường hoặc đặt mua sách qua mạng, nghe các chương trình sách nói (audio book). Với sự hỗ trợ đắc lực của sách, Thảo nhiều năm liền là học sinh giỏi. 17 tuổi, em cũng vừa hoàn thành lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. 
Đặc biệt yêu thích sách kỹ năng sống, nhận ra những tổn thương về tâm lý của con người trong nhịp sống hiện đại hối hả, Thảo mong muốn nộp hồ sơ xét tuyển vào khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh và Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. “Học sinh chúng em hiện gặp nhiều vướng mắc và áp lực. Nếu được tư vấn tâm lý kịp thời thì sẽ tránh được tâm lý và hành động tiêu cực”-Thảo phân tích.
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.