Rắc rối vụ bồi thường 'đất vàng' ở Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
H.Cư M’gar (Đắk Lắk) đang thực hiện các quy trình để thu hồi khu “đất vàng” 3 năm trước đã dùng bồi thường cho một hộ dân khi thực hiện dự án nghĩa trang xã Cư Suê.
Đất rẫy đổi ngang “đất vàng”
Ngày 27.5, ông Nguyễn Công Văn, Phó chủ tịch UBND H.Cư M’gar (Đắk Lắk), xác nhận đơn vị vừa tổ chức cuộc họp liên quan đến nội dung thu hồi 2 quyết định giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho một hộ dân khi thực hiện dự án nghĩa trang tại xã Cư Suê, H.Cư M’gar.
Theo hồ sơ, vào ngày 30.10.2019, UBND H.Cư M’gar đã ban hành quyết định thu hồi hơn 2,4 ha đất trồng cây lâu năm của gia đình ông Vũ Đức Dậu (cách trung tâm xã Cư Suê khoảng 3 km) để thực hiện dự án nghĩa trang xã Cư Suê.
Cùng ngày 30.10.2019, UBND H.Cư M’gar đã phê duyệt phương án bồi thường với tổng kinh phí hơn 3,8 tỉ đồng cho gia đình ông Dậu. Tuy nhiên, thay vì bồi thường bằng tiền thì sau đó, ông Dậu được bồi thường một thửa đất khác với diện tích 2,1 ha ngay trung tâm xã Cư Suê với giá trị gần 3,8 tỉ đồng (tương đương giá trị thửa đất bị thu hồi).
 
Khu đất bồi thường cho ông Dậu có lợi thế về thương mại, nằm ngay trung tâm xã Cư Suê
Khu đất bồi thường cho ông Dậu có lợi thế về thương mại, nằm ngay trung tâm xã Cư Suê
Việc thu hồi đất để làm nghĩa trang và bồi thường bằng đất của UBND H.Cư M’gar được Thanh tra tỉnh Đắk Lắk xác định có sai phạm.
Cụ thể, khu đất mới được bồi thường cho ông Dậu có quy hoạch: 0,7 ha đất thương mại dịch vụ; 0,6 ha đất chưa sử dụng; 0,5 ha đất giao thông và hơn 0,2 ha đất nghĩa trang hiện hữu (có hiện trạng hơn 180 ngôi mộ).
Thế nhưng, ngày 11.11.2019, UBND H.Cư M’gar đã “biến hóa” 2,1 ha đất nói trên thành đất trồng cây lâu năm để cấp sổ đỏ nhằm bồi thường cho ông Dậu.
Cũng theo Thanh tra tỉnh Đắk Lắk, việc UBND H.Cư M’gar thu hồi đất nông nghiệp của ông Dậu nhưng lại “cào bằng” để đền bù diện tích khác tương tự ở vị trí thuận lợi hơn, có giá trị về thương mại, có 0,7 ha đất thương mại dịch vụ là trái quy định, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Trước những sai phạm nêu trên, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã chuyển hồ sơ vụ việc cho Công an tỉnh tiếp tục xử lý, đồng thời kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét, chỉ đạo Giám đốc Sở Nội vụ tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý kỷ luật Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND H.Cư M’gar phụ trách lĩnh vực đất đai có khuyết điểm trong vụ việc.
Hậu quả tai hại
Theo ông Nguyễn Công Văn, mới đây huyện đã mời đại diện tòa án, công an, Viện KSND huyện để họp, trao đổi về các vấn đề liên quan đến kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Lắk.
Ông Văn trao đổi: “Các bên đã đi đến thống nhất phải thực hiện kết luận của Thanh tra tỉnh. Tuy nhiên, vấn đề rất phức tạp. Huyện đã yêu cầu Phòng TN-MT thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng phương án đền bù cho ông Dậu. Đồng thời phải đối thoại với ông Dậu để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của gia đình rồi mới tính đến chuyện thu hồi, hủy bỏ các quyết định liên quan”.
 
Một phần khu đất trước kia của ông Dậu, nay đã được H.Cư M’gar làm nghĩa trang xã Cư Suê. Ảnh: Hoàng Bình
Một phần khu đất trước kia của ông Dậu, nay đã được H.Cư M’gar làm nghĩa trang xã Cư Suê. Ảnh: Hoàng Bình
Cũng theo ông Văn, hậu quả của vụ việc trên rất nặng nề vì các loại cây trồng, tài sản khác trên diện tích đất bị thu hồi trước đây hiện đã bị phá để làm nghĩa trang, đã có nhiều ngôi mộ được đưa về. Trong khi đó, ở phần đất được bồi thường, ông Dậu đã tạo lập nhiều tài sản khác, đã trồng cây như vải, nhãn, sầu riêng...
Trao đổi với Thanh Niên về việc diện tích đất vừa được bồi thường cho gia đình nay lại sắp bị thu hồi, hủy bỏ giá trị pháp lý, ông Dậu tỏ ra rất bức xúc. Theo ông Dậu, năm 2018, chính quyền địa phương và người dân đã nhiều lần vận động ông đổi đất để di dời nghĩa trang ra khỏi khu vực dân cư, tránh ô nhiễm môi trường để xây dựng xã nông thôn mới.
Sau khi được bồi thường đất vào năm 2019, trên phần đất mới nhận của ông Dậu vẫn còn gần 200 ngôi mộ. Tuy nhiên, ông vẫn chấp nhận cho thời hạn di dời các ngôi mộ trên phần đất của mình lên 7 năm. Đối với phần đất sạch, ông Dậu đã đầu tư hàng trăm triệu đồng trồng cây ăn trái và đến nay chuẩn bị cho thu hoạch. “Tôi không muốn ý kiến, nhưng ai làm sai thì người đó phải chịu chứ tôi không sai. Ngày xưa tôi không có nhu cầu đổi nhưng chính quyền, bà con vận động tôi đổi đất, nay lại thu hồi đất đã đổi cho tôi là không hợp lý. Các cấp phải xem xét thỏa đáng các quyền lợi của gia đình tôi”, ông Dậu chia sẻ.
Theo đại tá Nguyễn Văn Quy, Trưởng phòng Tham mưu - tổng hợp, Công an tỉnh Đắk Lắk, sau khi tiếp nhận hồ sơ từ Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh đã phân công cán bộ vào cuộc xác minh, làm rõ thông tin liên quan đến hồ sơ, thủ tục thực hiện dự án nghĩa trang xã Cư Suê.
Theo Trung Chuyên - Hoàng Bình (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.