Quyên góp làm từ thiện: Pháp lý và đạo lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều nhà hảo tâm đang thất vọng khi biết được sau hơn nửa năm tiền của họ vẫn chưa được chuyển đến để cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung; tấm lòng của họ, sự sẻ chia của họ đã chẳng làm được gì cho đồng bào của mình trong cơn hoạn nạn, bởi họ đã vội vàng đặt niềm tin vào nghệ sĩ Hoài Linh. Và vấn đề không chỉ là nghệ sĩ Hoài Linh có phải chịu trách nhiệm pháp lý hay không, mà còn là có còn xứng đáng với niềm tin đó hay không?

Xét về mặt pháp lý, nếu số tiền nghệ sĩ Hoài Linh vận động được vẫn còn được giữ nguyên trong tài khoản, và dịch Covid-19 là lý do khách quan khiến nghệ sĩ chưa chuyển được tiền, thì khả năng chưa có sự cấu thành của tội lừa đảo. Tuy nhiên, xét về mặt đạo lý, không ít vi phạm đã xảy ra.

Trước hết, các nhà hảo tâm chuyển tiền cho nghệ sĩ Hoài Linh để cứu trợ khẩn cấp là vì họ tin vào nghệ sĩ này. Xứng đáng với niềm tin này là một đòi hỏi mang tính đạo lý. Không chuyển tiền đi một cách kịp thời, không thông báo lại cho các nhà hảo tâm là một vi phạm. Thứ hai, đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung đang phải chịu cảnh đói rét vì thiếu ăn, thiếu mặc, nhà cửa bị cuốn trôi. Đồng cảm, chia sẻ với đồng bào là một đòi hỏi mang tính đạo lý. Chỉ có sự không đồng cảm, thiếu chia sẻ mới có thể giải thích được cho việc giữ một khoản tiền cứu trợ lớn mà chần chừ, mà không tìm cách để chuyển kịp thời. Để so sánh, cũng trong điều kiện tương tự, ca sĩ Thủy Tiên đã vượt qua mưa lũ chuyển đến đồng bào một lượng tiền và hàng lớn hơn rất nhiều. Thiếu đồng cảm, thiếu chia sẻ cũng là một vi phạm.

Nếu Nhà nước áp dụng chế tài đối với vi phạm pháp luật, thì xã hội áp đặt chế tài đối với vi phạm đạo đức. Những công kích và chê trách đối với nghệ sĩ Hoài Linh trên mạng xã hội chính là một số trong những chế tài mà xã hội đang áp đặt. Đối mặt có thể còn là những chế tài nặng nề hơn như bài xích, tẩy chay. Cư xử như thế nào là quyền của nghệ sĩ Hoài Linh, nhưng công luận thường nhẹ nhàng hơn với sự thành tâm. Một sự nhận lỗi chân thành, thực tâm hoàn toàn có thể giảm thiểu cường độ của “gạch đá”. Như giọt nước phản ánh bầu trời, vụ việc nghệ sĩ Hoài Linh chậm chuyển tiền cứu trợ cho thấy bảo đảm sự minh bạch đang là vấn đề rất lớn của hoạt động từ thiện hiện nay.

Trong nhiều trường hợp, tiền cứu trợ đã được chi tiêu như thế nào đã không được một số tổ chức và cá nhân có liên quan giải trình rõ ràng, mạch lạc. Khi bị xã hội soi xét, có nghệ sĩ còn dọa là nếu bắt phải giải trình thì sẽ không làm từ thiện nữa. Làm từ thiện hay không quả thực là quyền của mỗi người. Không ai bắt các nghệ sĩ phải làm từ thiện. Tuy nhiên, đã làm từ thiện thì phải thực tâm và phải minh bạch. Ngoài ra, giới showbiz làm từ thiện thì cũng chính là tự quảng bá hình ảnh cho mình, bởi họ đã được công chúng mến mộ thì lại càng được mến mộ hơn. Ở đây, cái cao đẹp, cái đúng đắn và cái có lợi thường đi liền với nhau.

Cuối cùng, hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương soạn thảo nghị định mới để thay thế cho Nghị định 64 về quyên góp và hỗ trợ khắc phục thiên tai, hỏa hoạn. Bên cạnh việc khắc phục sự chồng chéo, sự thiếu chuyên nghiệp, thì việc bảo đảm sự minh bạch phải là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nghị định mới.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
(Dẫn nguồn SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.

Chung đúc ý Đảng, lòng Dân

Chung đúc ý Đảng, lòng Dân

Cả nước đang sôi sục chuyển mình theo lời hiệu triệu khẩn thiết của Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm. Một cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đi đôi với những giải pháp quyết liệt thúc đẩy cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực.

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.

Hành động thực chất

Hành động thực chất

Không chỉ "vừa chạy vừa xếp hàng" mà còn phải bứt tốc để cùng lúc chuẩn bị, triển khai cả về diện rộng lẫn chiều sâu, xắn tay vào nhiều đầu việc quan trọng ngay những ngày đầu năm 2025. Đó là tâm thế của TP.HCM lúc này.