Có thể nói, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW chính là cách thiết lập cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc sử dụng cơ chế, biện pháp bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm. Nhất là với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong chính các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.
Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW xuất phát từ thực tế đã xảy ra không ít vụ tiêu cực trong các cơ quan làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Đảng và các cơ quan thanh tra, kiểm toán của Nhà nước.
Báo cáo tại phiên họp lần thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2023, hơn 120 trường hợp cán bộ, đảng viên trong các cơ quan PCTN, tiêu cực mắc sai phạm đã bị phát hiện và xử lý. Trong đó, hơn 60 trường hợp phải xử lý hình sự. Nếu tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay thì con số này là hơn 590 người, trong đó có hơn 200 trường hợp bị xử lý hình sự.
Thực tế thì bây giờ, báo chí và dư luận xã hội cũng không còn quá ngạc nhiên khi đây đó có cán bộ của các cơ quan bảo vệ pháp luật bị kỷ luật, truy tố. Họ có thể là cán bộ Tòa án, Viện Kiểm sát các cấp, là cán bộ, sĩ quan, thậm chí là tướng lĩnh trong lực lượng Công an, Quân đội… nhận tiền “chạy án” để giúp các đối tượng vi phạm thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật hoặc chỉ chấp hành hình phạt nhẹ hơn.
Người dân dường như cũng dần quen với thông tin người này, người kia bị bắt vì giả danh tướng tá Công an, Quân đội, cán bộ Văn phòng Chính phủ, thanh tra các cấp… nhận tiền chạy án rồi chiếm đoạt số tiền lớn, từ hàng chục triệu đến hàng tỷ đồng từ các đối tượng vi phạm.
Không có người nhận “chạy án” để bẻ cong pháp luật ắt sẽ không có người dám chi nhiều tiền để “chạy án”. Vì vậy, Quy định số 131 ra đời là rất cần thiết khi Đảng ta khẳng định là có tiêu cực trong chính các cơ quan làm nhiệm vụ “gác cửa” cho cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực.
Quy định số 131 đã chỉ rõ 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc ngăn chặn không để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực này như: không được vận động, dẫn dắt, thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, quyết định theo ý mình; báo cáo kịp thời, trung thực, khách quan, đầy đủ ý kiến của tập thể lãnh đạo với cấp có thẩm quyền, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau…
Bộ Chính trị cũng nghiêm cấm các hành vi can thiệp trái quy định vào hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán; lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán; thiết lập quan hệ để hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích chạy tội, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm…
Trên tinh thần ấy, Quy định số 131 của Bộ Chính trị là lời cảnh tỉnh đối với các cơ quan làm nhiệm vụ PCTN, tiêu cực trong việc tự giác chấn chỉnh nội bộ, ngăn chặn không để “vòi bạch tuộc” tham nhũng, tiêu cực tìm cách can thiệp vào hoạt động của cơ quan mình, làm sai lệch kết quả kiểm tra, giám sát, kỷ luật của cơ quan chức năng.
Chưa ngăn chặn được tiêu cực trong chính các cơ quan PCTN, tiêu cực tức là những cơ quan này vẫn còn “hé cửa” cho người khác “chạy” mình. Phải giữ hệ thống cơ quan “gác cửa” cho Đảng thực sự trong sạch, đáng tin cậy mới nâng cao được hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực nói chung và sự trong sạch của các cơ quan PCTN, tiêu cực nói riêng.