Quy định quản lý, sử dụng nhà, đất để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quy định quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại phải đảm bảo tiết kiệm, đúng mục đích, đúng đối tượng và công khai, minh bạch. Giá cho thuê nhà phục vụ đối ngoại được xác định theo thị trường. Ngoài ra, văn phòng nước ngoài được thuê nhà theo chính sách ưu đãi đặc biệt.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 90/2022/NĐ-CP ngày 28-10-2022 về quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước.

 Một cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam. (Nguồn: baochinhphu.vn)
Một cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam. (Nguồn: baochinhphu.vn)


Theo Nghị định, việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng và các pháp luật khác có liên quan; trường hợp các Điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo Điều ước quốc tế đã ký.

Việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại phải đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Các khoản thu, chi liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định pháp luật có liên quan.

Giá cho thuê nhà phục vụ đối ngoại được xác định theo thị trường; đảm bảo bù đắp chi phí, có tích lũy để bảo tồn và phát triển nhà phục vụ đối ngoại; việc miễn hoặc giảm giá cho thuê nhà thấp hơn giá thị trường do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định trên nguyên tắc "có đi có lại", phù hợp với quan hệ đối ngoại của Nhà nước.

Việc thuê đất, xác định tiền thuê đất và miễn, giảm tiền thuê đất (nếu có) của đơn vị sự nghiệp công lập được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và Nghị định này.

Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu của Nhà nước để phục vụ hoạt động đối ngoại thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại theo chức trách, nhiệm vụ được giao; quản lý nguồn thu, các khoản chi theo quy định của pháp luật.

Về việc quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại để cho thuê, Nghị định nêu rõ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định cho tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài được thuê nhà, đất theo chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước đối với từng trường hợp cụ thể; xem xét, quyết định giá cho thuê nhà đảm bảo theo giá thị trường, phù hợp với quan hệ đối ngoại, đảm bảo lợi ích của Nhà nước theo nguyên tắc "có đi có lại" đối với từng trường hợp cụ thể.

Đơn vị được giao trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại được miễn tiền thuê đất đối với diện tích nhà, đất phục vụ đối ngoại cho các tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê. Việc miễn tiền thuê đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đối với quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài còn lại (không thuộc trường hợp quy định trên) thuê theo nhiệm vụ nhà nước giao thì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ xem xét, quyết định cho tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài được thuê nhà, đất theo nhiệm vụ nhà nước giao đối với từng trường hợp cụ thể; xem xét, quyết định giá cho thuê nhà đảm bảo theo giá thị trường.

Ngoài ra, đơn vị được giao trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại phải nộp tiền thuê đất đối với diện tích nhà, đất phục vụ đối ngoại cho các tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê theo quy định của pháp luật về đất đai.

Về việc cho các tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê nhà, Nghị định nêu rõ: Việc cho các tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê nhà chỉ áp dụng đối với trường hợp nhà, đất đang trong quá trình lập phương án bố trí sử dụng hoặc giới thiệu để tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê kéo dài quá 06 tháng mà chưa có đối tượng đăng ký thuê nhà.

Cũng theo Nghị định trên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho đối tượng không phải tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê.

Việc cho thuê thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản sửa đổi (nếu có).

Bộ Ngoại giao quy định cụ thể thời hạn cho thuê, điều kiện chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà trước thời hạn để đảm bảo thu hồi lại nhà đang cho thuê để phục vụ mục đích đối ngoại; hàng năm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình cho đối tượng không phải tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê nhà.

 

G.B
 

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.