Quốc lộ 14C: "Đòn bẩy" phát triển kinh tế-xã hội vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quốc lộ 14C đoạn qua tỉnh Gia Lai có chiều dài gần 100 km, là một trong những tuyến đường huyết mạch nằm sát biên giới Việt Nam-Campuchia. Không những vậy, khi được đầu tư nâng cấp, tuyến đường quan trọng này còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng biên giới của tỉnh nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Huyết mạch vùng biên

Quốc lộ 14C là một trong những nhánh quan trọng của hệ thống đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau năm 1975, tuyến đường được gọi là tỉnh lộ 661 và tỉnh lộ 668. Đến tháng 6-1996, Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) quyết định chuyển thành quốc lộ 14C, chạy song song và cách biên giới Việt Nam-Campuchia khoảng 6-11 km. Quốc lộ 14C có điểm đầu tại ngã tư Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), chạy qua các tỉnh: Gia Lai, Đak Lak và kết thúc tại Cửa khẩu Bu Prăng (huyện Tuy Đức, tỉnh Đak Nông) với tổng chiều dài khoảng 426 km.

 Quốc lộ 14C đoạn qua địa bàn xã Ia O, huyện Ia Grai. Ảnh: Minh Nguyễn
Quốc lộ 14C đoạn qua địa bàn xã Ia O, huyện Ia Grai. Ảnh: Minh Nguyễn


Đoạn quốc lộ 14C chạy qua tỉnh Gia Lai có chiều dài gần 100 km, điểm đầu tại Km 107 thuộc bờ Bắc sông Sê San (giáp địa phận tỉnh Kon Tum), điểm cuối tại Km 202 thuộc bờ Bắc sông Ia Hlốp (giáp địa phận tỉnh Đak Lak). Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành cho Tây Nguyên nguồn lực tương đối để đầu tư cho hạ tầng giao thông, trong đó có một số đoạn của quốc lộ 14C qua địa bàn các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông. Tại Gia Lai, từ năm 2000 đến nay, tuyến đường vành đai biên giới này cũng dần được đầu tư nâng cấp qua nhiều giai đoạn khác nhau.

Theo ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở GT-VT: Quốc lộ 14C được đầu tư nâng cấp đã trở thành một điểm nhấn nổi bật, kết nối tỉnh Gia Lai với Kon Tum và Đak Lak, góp phần rất lớn vào nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng-an ninh. Mặt khác, tuyến đường không chỉ tạo nên bộ mặt hạ tầng vùng biên khang trang ngang qua các huyện Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông mà còn tạo động lực lớn để các doanh nghiệp, người dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế ở khu vực biên giới. Có vị trí, tầm quan trọng đặc biệt nên khi tuyến đường hoàn thành đến đâu thì nơi đó khởi sắc đến đấy.

Làng Ring (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) nằm ở đoạn cuối tuyến quốc lộ 14C, tiếp giáp với xã Ia Hlốp (huyện Ea Soup, tỉnh Đak Lak). Trước đây, đoạn đường “mưa lầy, nắng bụi” này từng là nỗi khốn khổ của 113 hộ dân trong làng. “Giờ đây, cuộc sống người dân đã đổi khác nhiều, nhà cửa khang trang, ngay cả đường ra cánh đồng cũng đã được thảm bê tông, xe máy, ô tô đến tận ruộng. Việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa quốc lộ 14C không những tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, vận chuyển hàng nông sản mà còn tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của xã”-Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Văn Toàn phấn khởi nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-cho hay: Đoạn quốc lộ 14C qua địa bàn xã dài hơn 30 km, hiện chỉ còn một đoạn ngắn nữa là hoàn thành. Trước đây, đoạn này là đường đất cấp phối, vào mùa mưa rất lầy lội, hàng nông sản không vận chuyển được, thường bị ứ đọng. “Tuyến đường không chỉ giúp hàng hóa thông thương với các xã lân cận hoặc về trung tâm huyện thuận lợi mà có thể đi tỉnh Đak Lak hoặc đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Một khi hàng hóa lưu thông, nông dân sẽ phấn khởi chăm lo phát triển kinh tế. Địa phương cũng quan tâm đầu tư thêm các tuyến đường nhánh, đường xã đấu nối vào tuyến quốc lộ này tạo hệ thống giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn nhằm kết nối giao thương”-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr khẳng định.

Kết nối giao thông đồng bộ

Kết nối với quốc lộ 19 và đường biên giới cấp bách huyện Đức Cơ vừa hoàn thành, quốc lộ 14C sẽ tạo nên tuyến giao thông liên hoàn, đồng bộ, trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các xã vùng biên. Bên cạnh đó, tuyến đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông hoàn thành sẽ kết nối vào tuyến đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông, hình thành mạng lưới giao thông kết nối với khu vực biên giới. Chưa hết, tuyến tỉnh lộ 664 được nâng cấp, mở rộng sẽ nối với tuyến đường Hồ Chí Minh-đoạn tránh Pleiku và các tuyến đường liên huyện, cùng quốc lộ 14C tạo sự kết nối liên hoàn với nhiều vùng kinh tế trong tỉnh; tỉnh lộ 665 hoàn thành việc nâng cấp nối quốc lộ 14 với quốc lộ 14C sẽ liên kết vùng động lực Chư Sê với huyện Chư Prông.

Ông Phan Ngọc Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ) nhận định: “Các tuyến đường giao thông này đã giúp việc đi lại, giao thương của người dân xã biên giới với trung tâm huyện và nhiều địa phương khác trong tỉnh được thuận lợi hơn. Việc tháo gỡ nút thắt về giao thông còn góp phần đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới”.

 Tỉnh lộ 664 kết nối với quốc lộ 14C và các tuyến đường liên huyện tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn với nhiều vùng kinh tế trong tỉnh. Ảnh: Minh Nguyễn
Tỉnh lộ 664 kết nối với quốc lộ 14C và các tuyến đường liên huyện tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn với nhiều vùng kinh tế trong tỉnh. Ảnh: Minh Nguyễn


Trong khi đó, ông Vũ Mạnh Định-Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho hay: Định hướng của huyện là mở 5 km đường từ xã Ia Pnôn ra quốc lộ 14C đi tỉnh Đak Lak; mở đường từ xã Ia Nan qua xã Ia Kriêng, Ia Pnôn rồi nhập với tuyến đường biên giới cấp bách huyện Đức Cơ và quốc lộ 14C để mở hướng phát triển toàn diện khu vực biên giới. “Từ nay đến năm 2025, huyện sẽ đầu tư 4 tuyến đường xương sống với chiều dài khoảng 22 km, vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng kết nối trung tâm huyện đến các xã với tuyến đường giao thông trọng điểm. Huyện sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng; kết nối các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nhằm tạo đà phát triển kinh tế-xã hội địa phương trong thời gian đến”-ông Định nhấn mạnh.

Trung tá Lê Hồng Tuấn-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Chía (huyện Ia Grai) cũng thông tin: Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài hơn 7 km và phụ trách địa bàn xã Ia Chía. Đoạn tuyến quốc lộ 14C hoàn thành đã kết nối với Đồn góp phần đảm bảo sự cơ động nhanh chóng giữa lực lượng Biên phòng và một số phương tiện quân sự trên biên giới, đáp ứng trong mọi điều kiện để giữ vững an ninh chính trị, phòng-chống cháy rừng, tạo hệ thống phòng thủ vững chắc về quốc phòng cho khu vực. “Quốc lộ 14C còn phục vụ trực tiếp công tác quản lý, tuần tra bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đáp ứng nhu cầu giao thông, vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân. Tuyến quốc lộ này cộng với các đường nhánh được quan tâm xây dựng đã giúp giao thông khu vực biên giới tương đối hoàn thiện”-Trung tá Tuấn cho hay.

Giám đốc Sở GT-VT cho biết thêm: Xác định mạng lưới giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, đầu tư hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Chính vì vậy, tỉnh đã triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo và mở rộng nhiều tuyến đường, từng bước xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Đây đều là những tuyến giao thông huyết mạch tạo điều kiện để các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và biên giới kết nối với các vùng thuận lợi.

“Hạ tầng ngày một hoàn thiện là cơ sở quan trọng thúc đẩy giao thương, đặc biệt là những tuyến đường liên huyện đã gia tăng tính kết nối giữa các vùng trong khu vực. Đây cũng chính là điểm tựa liên kết các địa phương trong tỉnh cũng như với các tỉnh lân cận, mang lại điều kiện sống, phát triển kinh tế tốt hơn cho người dân từ thành thị đến nông thôn”-Giám đốc Sở GT-VT nhấn mạnh.

 

 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

(GLO)- Với phương châm “Bạn uống, tôi lái”, dịch vụ lái xe hộ chuyên nghiệp là giải pháp được nhiều khách hàng lựa chọn sau khi đã sử dụng rượu bia hoặc có nhu cầu đi công tác, du lịch xa để bảo đảm cả người và phương tiện đều an toàn.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất