Theo đó, những tài khoản ngân hàng mà người lập một đường người dùng một nẻo, tài khoản lập ra sau đó bị bán đi để sử dụng vào những mục đích phi pháp… sẽ bị vô hiệu hóa khi ngân hàng mở chiến dịch truy quét quy mô lớn. Ngăn chặn các hành vi lừa đảo là điều cần thiết và bắt buộc phải làm. Nhưng cứ dễ dãi đầu vào vô tội vạ, để xảy ra chuyện rồi tiến hành xác minh chính chủ, gây phiền phức, mất thời gian thì lại khiến cho dư luận bức xúc.
Chúng ta vừa trải qua một đợt xác minh SIM điện thoại chính chủ rầm rộ nhằm ngăn chặn hành vi lừa đảo, ngăn chặn cuộc gọi, tin nhắn rác nhưng kết quả không như mong đợi. Thậm chí, tội phạm còn lợi dụng ngay việc này để giả mạo nhà mạng, quấy nhiễu người dân. Rồi nhà mạng lại phát đi cảnh báo... dồn dập hết cả lên. Cũng phải nhắc lại là, vụ xác minh SIM chính chủ lần vừa rồi đã là lần thứ 2 nhưng mục tiêu thì vẫn không như mong đợi. Tin nhắn, cuộc gọi rác vẫn dội bom khách hàng. Nhiều người đến giờ vẫn hoang mang tự hỏi, đã chính chủ rồi sao vẫn còn SIM rác?
Tương tự với tài khoản rác. Không thể phủ nhận một phần lớn trong số này là hệ quả của tình trạng chạy đua phát triển mạng lưới, lôi kéo khách hàng của các nhà băng nhiều năm qua. Thực tế nhiều người trong chúng ta mở tài khoản ngân hàng (NH) chỉ vì cả nể, vì bị mời chào quá nhiều, vì được đến tận nơi, được miễn phí tiền làm thẻ, phí thường niên... nên "chặc lưỡi"? Chẳng thế mà có người có cả chục tài khoản NH, dù chỉ giao dịch 1 - 2 cái; trong ví tới hàng chục loại thẻ ATM trong khi nhu cầu chỉ 1 cái là đủ. Từ đó mới phát sinh cho mượn, cho, cho thuê, làm mất, vứt lung tung... mà theo thống kê của NHNN, hiện có tới 51 triệu tài khoản cần đối chiếu để làm sạch. Một con số khủng khiếp xét cả về rủi ro lẫn sự lãng phí.
Nhắc lại để thấy, "quét" tài khoản rác không chỉ là cần thiết mà còn cấp thiết, nhất là trong bối cảnh lừa đảo ngày càng nhiều, ngày càng tinh vi hiện nay. Thế nhưng, xác minh tài khoản chính chủ lúc này phải bảo đảm một số yếu tố.
Thứ nhất, hạn chế tối đa làm phiền khách hàng. Ngành NH vẫn tự hào đi đầu về công nghệ hay giải pháp xác thực, vậy thì hãy ứng dụng để xác minh tài khoản chính chủ chứ đừng đẩy gánh nặng sang khách hàng. Thứ 2, phải bảo đảm tài khoản chính chủ rồi thì lừa đảo, gian lận bằng tài khoản rác phải được chấm dứt. Còn nếu vẫn xảy ra, NH phải chịu trách nhiệm. Thứ 3, thay vì chạy đua về số lượng, NH hãy đầu tư nhiều hơn cho chất lượng, dịch vụ và trách nhiệm để thu hút khách hàng. Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ hack tài khoản, tiền trong tài khoản bốc hơi, sổ tiết kiệm bị rút không phải từ chính chủ, gọi đường dây nóng của NH thì "nguội lạnh", huy động thì thấp mà cho vay thì cao, đến gửi tiết kiệm thì chào mời, đến vay thì ép mua bảo hiểm... gây mất niềm tin cho người dân. Đó là những vấn đề cấp thiết không kém gì so với tài khoản rác, mà nếu không xử lý đồng bộ thì cũng sẽ vẫn dẫn đến tình trạng lừa đảo gia tăng.
Cuối cùng, chính chủ rồi mà các nhà băng lại chạy đua lôi kéo khách hàng thì có quét đến thế nào cũng chẳng xuể. Dọn rác, hiệu quả nhất phải là tiền kiểm chứ đừng đợi xảy ra hậu quả mới vào cuộc.