Chị V.T.B.N trình bày mất hơn 50 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng không rõ nguyên nhân |
Ngày 1/6, chị V.T.B.N (29 tuổi, ngụ tại TP Đà Lạt) cho biết, tài khoản tiền gửi của chị tại 1 ngân hàng có chi nhánh tại Lâm Đồng mới đây đột ngột bị mất hơn 50 triệu đồng, nghi vấn do bị kẻ xấu chiếm đoạt, tấn công tài khoản. Cụ thể, chị N. cho hay: “Ngày 12/4 lúc 13h58 phút, tài khoản ngân hàng của tôi đột ngột thông báo bị trừ số tiền 50.140.000 đồng không rõ lý do. Ngay lập tức tôi đã gọi điện đến tổng đài của ngân hàng yêu cầu khóa tài khoản khẩn cấp để ngăn chặn mất thêm tài sản”.
Cũng theo chị N., sáng 13/4, chị đã tới quầy giao dịch của ngân hàng để khiếu nại sự việc, yêu cầu tra soát giao dịch tiền bị mất. Đồng thời, chị trình bày cam kết với ngân hàng tại thời điểm tiền bị trừ trong tài khoản, chị không thực hiện giao dịch nào, không đưa thẻ ATM cũng như chia sẻ mã OTP cho bất kì cá nhân, tổ chức nào.
Chiều cùng ngày, ngân hàng đã cung cấp cho chị N. chứng từ giao dịch, đồng thời, có văn bản cung cấp thông tin cũng như đề nghị cơ quan Công an TP Đà Lạt sớm xác minh, làm rõ vụ việc nhằm bảo vệ uy tín, thương hiệu của ngân hàng và thu hồi tài sản của chị N. trong thời gian sớm nhất.
“Theo chứng từ ngân hàng cung cấp, số tiền tôi bị mất có đối tượng đã dùng mua 2 chiếc điện thoại tại TP Hồ Chí Minh, đơn hàng do Tiki Now vận chuyển thành công được thanh toán qua cổng thanh toán zalopay thông qua Công ty Cổ phần Zion (công ty hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán). Bản thân tôi có bán hàng online trên mạng nhưng ví zalopay tôi chưa từng liên kết với ngân hàng, chỉ xài ví thanh toán Momo”, chị N. nói và cho biết cũng trong ngày 13/4, chị đã có đơn trình báo sự việc tới Công an TP Đà Lạt. Tuy nhiên tới nay, số tiền bị kẻ xấu chiếm đoạt nêu trên vẫn chưa được cơ quan chức năng làm rõ.
Ngoài trường hợp của chị N., trong vòng một tháng qua, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều trường hợp người dân thông tin bị trừ từ 400.000 đồng tới cả chục triệu đồng trong tài khoản ngân hàng không rõ nguyên nhân. Hầu hết người bị mất tiền đều cho rằng bị chiếm đoạt tiền trong thẻ do các đối tượng lừa đảo dùng thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng nhắn SMS từ nhiều số điện thoại mạo danh ngân hàng báo tài khoản bị khóa và yêu cầu nhập vào đường link để xác thực. Chỉ đến khi thấy tài khoản bị trừ tiền, các khách hàng mới biết đã bị lừa. Điều đáng nói, do số tiền bị mất không quá lớn nên nhiều khách hàng chủ quan, không thông báo tới ngân hàng, cơ quan chức năng để ngăn chặn, có các biện pháp phòng ngừa.
Trước tình trạng khách hàng bị lừa đảo thực hiện chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng ngày càng gia tăng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua đã có công văn gửi các đơn vị, địa phương liên quan nêu lên 7 thủ đoạn lừa đảo qua tài khoản ngân hàng khá tinh vi và đưa ra các biện pháp để hạn chế rủi ro cho khách hàng.
Trong đó, đáng chú ý là kẻ gian thường mạo danh nhân viên ngân hàng điện thoại cho khách hàng với lý do hỗ trợ kiểm tra số dư và giao dịch của khách hàng. Sau khi đọc tên khách hàng và 6 số đầu tiên của thẻ ghi nợ nội địa, đối tượng yêu cầu khách hàng đọc nốt dãy số còn lại trên thẻ để xác nhận khách hàng đúng là chủ thẻ. Sau đó, các đối tượng thông báo ngân hàng sẽ gửi tin nhắn cho khách hàng và yêu cầu khách hàng đọc mã 6 số trong tin nhắn, thực chất đây là mã OTP để thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến. Trường hợp khách hàng thực hiện theo yêu cầu của đối tượng thì có thể gây rủi ro mất tiền trong tài khoản thẻ của khách hàng.
Bên cạnh đó, kẻ gian gửi tin nhắn mạo danh thương hiệu ngân hàng đến khách hàng (tin nhắn này được nhận, lưu trong cùng mục với các tin nhắn của ngân hàng trên điện thoại di động của khách hàng) để thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường và hướng dẫn khách hàng xác nhận thông tin, thay đổi mật khẩu... thông qua truy cập đường link giả mạo gửi kèm trong tin nhắn, qua đó lừa đảo khách hàng tiết lộ các thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) để sử dụng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng...
Ngoài ra, các ngân hàng và cơ quan công an địa phương cũng nhiều lần cảnh báo người dân sử dụng tài khoản ngân hàng về những chiêu thức lừa đảo mới. Đồng thời, yêu cầu khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật E-banking như tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, Smart OTP và nội dung các tin nhắn thông báo từ ngân hàng cho bất kì ai, kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng... Không cài đặt các phần mềm crack, can thiệp vào thiết bị, hệ điều hành; không nhập mật khẩu đăng nhập, mã OTP trên các trang mạng không rõ nguồn gốc, hoặc đường link lạ; không thực hiện giao dịch trên các thiết bị công cộng, tiềm ẩn rủi ro cao, hay lưu thông tin tự động đăng nhập ngân hàng điện tử tại bất kì đâu; không nên cung cấp thông tin, đưa thông tin giao dịch lên mạng, đặc biệt là những giao dịch bán hàng online, vì sẽ tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo.