(GLO)- Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai đang khuyến khích các trường thực hiện thí điểm việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý và phê duyệt giáo án. Đây hứa hẹn là bước đột phá nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT trong thời đại công nghệ 4.0.
Thí điểm bước đầu
Được sự cho phép của Sở GD-ĐT, đầu tháng 10 vừa qua, Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) đã tiên phong thực hiện thí điểm việc quản lý và phê duyệt giáo án trên mạng internet. Theo thầy Cao Xuân Hà-Hiệu trưởng nhà trường, việc ứng dụng CNTT vào quản lý giáo án sẽ tiết kiệm một khoản chi phí về in ấn, đồng thời góp phần thay đổi căn bản nền nếp làm việc của giáo viên lẫn tổ trưởng chuyên môn.
“Chúng tôi đã chỉ đạo cho nhóm giáo viên Tin học xây dựng dự thảo quy trình thực hiện thí điểm đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả dựa trên ứng dụng Google Drive. Trước mắt, nhà trường đang triển khai mô hình này cho 12 giáo viên thuộc Tổ Vật lý-Công nghệ và Tổ Toán-Tin, sau đó sẽ tiến hành tập huấn, hướng dẫn, áp dụng cho tất cả giáo viên. Bước đầu triển khai, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn như: trình độ CNTT của một số giáo viên còn hạn chế, nhất là giáo viên lớn tuổi; nhiều giáo viên chưa có máy tính xách tay; mạng internet chưa thể phủ sóng hết tất cả các lớp học… Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục trong thời gian đến để có thể thực hiện hiệu quả”-thầy Hà cho hay.
Thầy Võ Quý Thủ (Tổ trưởng Tổ Vật lý-Công nghệ, Trường THPT Phan Bội Châu) phê duyệt giáo án của giáo viên trên mạng. Ảnh: Hồng Thi |
Thay vì ngồi lật từng trang giáo án của giáo viên để kiểm tra, gần 2 tuần qua, thầy Võ Quý Thủ-Tổ trưởng Tổ Vật lý-Công nghệ chỉ cần mở máy tính để phê duyệt. Thầy Thủ chia sẻ: “Khi thực hiện mô hình này, tất cả giáo viên không cần phải in giáo án, có thể sửa chữa, bổ sung giáo án kịp thời. Tổ trưởng cũng dễ dàng nắm bắt tiến độ thực hiện, chất lượng soạn giảng của từng giáo viên và chủ động trong công tác quản lý về mặt chuyên môn mọi lúc, mọi nơi, miễn là có máy tính hay điện thoại thông minh kết nối mạng internet. Qua đó, đội ngũ giáo viên thuận lợi hơn trong công tác chuẩn bị, triển khai các bài giảng; đồng thời là cơ hội để chúng tôi nâng cao kỹ năng sử dụng, ứng dụng CNTT, đáp ứng yêu cầu của thời đại 4.0”.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định: Sở đã chỉ đạo các Phòng GD-ĐT lựa chọn một số trường mầm non, tiểu học, THCS để thực hiện thí điểm việc ứng dụng CNTT vào quản lý và phê duyệt giáo án. Sau một thời gian thí điểm, nếu đánh giá thấy hiệu quả, Sở sẽ triển khai thực hiện đại trà trong toàn ngành. |
Tương tự, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP. Pleiku) cũng vừa hoàn thiện quy trình quản lý, sử dụng giáo án trên mạng internet trong năm học 2020-2021. Theo đó, nhà trường tự xây dựng và phát triển phần mềm riêng. Mỗi cán bộ, giáo viên sẽ được cấp 1 tài khoản sử dụng và được phân quyền theo chức vụ quản lý. Giáo viên phải cập nhật giáo án vào phần mềm ít nhất trước 1 ngày so với ngày dạy. Việc kiểm tra giáo án của tổ chuyên môn, Ban Giám hiệu nhà trường hoặc đoàn kiểm tra của Sở GD-ĐT sẽ được thực hiện trên phần mềm.
Thầy Nguyễn Văn Tàu-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Sau khi được sự đồng ý của Sở GD-ĐT, nhà trường sẽ tổ chức tập huấn sử dụng phần mềm cho tất cả giáo viên và triển khai thực hiện vào đầu tháng 11 tới”.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm
Trao đổi với P.V, ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT-cho biết: “Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15-9-2020 của Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học đã cho phép giáo viên sử dụng hồ sơ điện tử; còn việc sử dụng ở mức độ nào, quy trình kiểm tra ra sao, ứng dụng CNTT như thế nào thì Bộ giao cho từng Sở xây dựng tùy theo điều kiện thực tế của địa phương. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế của thời đại 4.0”.
Cũng theo ông Định, Gia Lai là một trong những tỉnh đi trước một bước về ứng dụng CNTT trong quản lý trường học. Ngành GD-ĐT từng bước triển khai thí điểm tuyển sinh đầu vào trực tuyến đối với cấp THPT; sử dụng phần mềm SMAS để quản lý sổ điểm điện tử, học bạ điện tử và đã chuẩn bị đầy đủ nền tảng về cơ sở hạ tầng để chuẩn bị thực hiện chuyển trường điện tử; từng bước triển khai phần mềm kiểm định chất lượng và xây dựng trường chuẩn...
Việc thực hiện quản lý và duyệt giáo án trên mạng internet sẽ giúp giáo viên chủ động, thuận tiện hơn trong việc chuẩn bị bài dạy khi lên lớp. Ảnh: Hồng Thi |
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy-học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong GD-ĐT, ngay từ đầu năm học 2020-2021, Sở GD-ĐT đã khuyến khích các trường thực hiện thí điểm quản lý và phê duyệt giáo án trực tuyến trên trang mạng thông qua phần mềm, email, Google Drive... Các trường sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm, thiết lập quy trình quản lý, báo cáo đăng ký thực hiện thí điểm về Sở hoặc Phòng GD-ĐT theo phân cấp quản lý.
Sở GD-ĐT đã đồng ý cho Trường THPT Phan Bội Châu và Trường THPT Hoàng Hoa Thám thực hiện thí điểm mô hình này và đề nghị nhà trường xây dựng quy trình đảm bảo các yêu cầu gồm: quyền quản trị, quyền chỉnh sửa tài liệu; thời gian upload tài liệu trước giờ dạy học trên lớp, lưu thời gian chỉnh sửa hoặc upload; quản lý chặt chẽ các bước, tính bảo mật, tính công bằng, khách quan và trung thực; giáo viên lên lớp phải có thiết bị xem giáo án (không sử dụng điện thoại di động); file giáo án của từng giáo viên phải được lưu trữ thành tệp, thứ tự theo tiết học, tuần học. Ngoài ra, trong quá trình tổ chức thực hiện quy trình, nhà trường phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung nội dung cho phù hợp và tiến hành đánh giá rút kinh nghiệm.
HỒNG THI