Quá sức chịu đựng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
A lô, em ở dự án địa ốc…, Anh có nhu cầu vay tiền không ạ…, Em là nhân viên công ty tài chính, xin được tư vấn về chứng khoán…. Hằng ngày, không ít người sử dụng điện thoại di động gặp phải những cuộc gọi rác như trên.

Cuộc gọi rác, tin nhắn rác không dừng lại ở đó. Thông qua các thuê bao ẩn danh, nhiều kẻ bất lương còn rao bán hàng cấm, hàng giả; giả danh cơ quan chức năng lập bẫy lừa đảo rất nhiều người. Ngay cả Bộ Công an cũng đã đưa ra cảnh báo về tội phạm này và nạn nhân liên tục tăng lên trong thời gian qua.

Nỗi ấm ức này kéo dài nhiều năm với hầu như toàn bộ hơn 120 triệu thuê bao điện thoại hiện đang sử dụng trên toàn quốc. Người dân phản ánh trên các diễn đàn viễn thông, cơ quan chức năng tổ chức nhiều hội nghị để mổ xẻ, và các đại biểu cũng đã đặt ra trên bàn nghị sự của Quốc hội… nhưng tình hình chưa được giải quyết triệt để.

Tất cả các thuê bao đều được đăng ký, xác minh qua nhà mạng nên doanh nghiệp phải có trách nhiệm sàng lọc những thuê bao làm ăn không đàng hoàng. Một mặt để chấn chỉnh kịp thời những sai phạm phát sinh, mặt khác là để bảo vệ khách hàng của mình. Khách hàng tuân thủ quy định của pháp luật và hợp đồng với nhà mạng thì ngược lại trách nhiệm nhà mạng phải cung cấp dịch vụ thuận lợi, sạch sẽ và ngăn chặn bất cứ ai làm phiền. Nếu việc ngăn chặn này nằm ngoài khả năng của nhà cung cấp dịch vụ thì vấn đề không còn là phiền nhiễu với khách hàng mà liên quan đến an ninh trên mạng viễn thông của cả quốc gia.

Thừa nhận rằng vấn nạn cuộc gọi rác không chỉ riêng có ở Việt Nam mà hầu hết các nước phát triển mạng viễn thông đều gặp phải. Vấn đề là khi giao trọng trách quản lý và cấp phép kinh doanh thì pháp luật ở họ luôn quy định cụ thể những tổ chức liên quan phải có trách nhiệm tương ứng và năng lực bảo đảm xử lý các vấn đề phát sinh. Bởi viễn thông chưa bao giờ là vấn đề kinh tế thuần túy mà nó len lỏi vào tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, kể cả an ninh quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các nhà mạng tại Việt Nam công bố đã chặn hơn 243 triệu tin nhắn rác nhưng con số này còn quá xa với thực trạng. Minh chứng đơn giản là đến hiện tại, hàng triệu tin nhắn, cuộc gọi rác vẫn "khủng bố" khách hàng từng ngày.

Chặn điện thoại rác cũng phải song hành với việc bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng. Vấn đề này liên quan đến nhiều lĩnh vực rộng hơn, mà bất kể người dân khi kê khai dữ liệu cá nhân với đối tác đều có khả năng bị tiết lộ. Phải có kẻ bán những dữ liệu này thì nhiều người khác mới có thể "tìm đến tận nhà" của khách hàng để giới thiệu bán bảo hiểm, bán đất, dụ dỗ chơi chứng khoán quốc tế… Vụ phát hiện một nhân viên ngân hàng bán dữ liệu cá nhân của khách hàng vừa qua đã phần nào cho thấy nỗi bất an của người dân về thông tin cá nhân rất hiện hữu.

Vấn nạn này đã quá sức chịu đựng. Dù xét về mặt cá nhân hay xã hội, việc nhắn tin, gọi thoại quấy nhiễu cuộc sống của người khác là không thể chấp nhận trong trong cuộc sống văn minh. Trách nhiệm này đã được quy định rõ trong nhiệm vụ của cơ quan quản lý chuyên ngành và hợp đồng kinh doanh của các nhà mạng viễn thông.

Có thể bạn quan tâm

Để không phải nói 'giá như'

Để không phải nói 'giá như'

Vụ việc 3 cháu nhỏ tử vong trong vụ cháy nhà ở Đà Lạt mới đây một lần nữa báo động về việc người lớn phải bảo đảm an toàn cho trẻ em, đặc biệt trong mùa hè khi phần lớn trẻ nhỏ nghỉ học ở nhà.
Không lơ là, chủ quan

Không lơ là, chủ quan

Với tính chất quan trọng, phức tạp và nhạy cảm, kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn nhận được sự quan tâm lớn của xã hội. Năm 2024, việc chuẩn bị cho kỳ thi không chỉ sớm mà còn hết sức chủ động.
Chậm còn hơn không

Chậm còn hơn không

Nước mặn không thể tự nhiên xuất hiện tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang - một vùng đất nằm trong khu vực an toàn, không bị nhiễm mặn tự nhiên.