Lên núi Chư Hreng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mang nét hoang sơ, kì vĩ và với địa thế cùng nhiều cảnh vật đẹp, núi Chư Hreng được biết đến như một địa điểm du lịch có tiềm năng lớn.

Bon bon trên chiếc xe gắn máy qua cầu mới (hướng từ khu nhà hành chính tỉnh đến UBND xã Chư Hreng), tôi cùng Bí thư Đảng ủy xã Chư Hreng Ka Rô Chinh  khám phá đỉnh núi Chư Hreng – một thắng cảnh đang cuốn hút du khách.

Đoạn đường từ UBND xã đến chân núi Chư Hreng chỉ tầm 4km. Vừa đi, anh Ka Rô Chinh rôm rả quanh câu chuyện về ngọn núi này. Anh cho biết: Núi Chư Hreng mang những tiềm năng du lịch hấp dẫn, tuy nhiên, vì đường đi hiểm trở nên trước đây ít người biết đến. Đa số người tới lui thường là bà con địa phương và người lao động trên địa bàn mà thôi.

Bước ngoặt được mọi người quan tâm nhiều đến núi này, theo anh Ka Rô Chinh, là từ việc thực hiện chủ trương của UBND thành phố về triển khai trồng rừng ở đây. Trong quá trình tiến hành trồng rừng tại núi Chư Hreng, rất nhiều các bạn trẻ đã khám phá ra nhiều nét đẹp hoang sơ và chia sẻ trên các trang mạng xã hội… Cũng nhờ những thông tin đó, thời gian gần đây, nhiều khách du lịch đã tìm đến với núi Chư Hreng để khám phá.

 

 Từ điểm cao núi Chư Hreng nhìn về thành phố Kon Tum. Ảnh: NGUYỄN BAN
Từ điểm cao núi Chư Hreng nhìn về thành phố Kon Tum. Ảnh: Nguyễn Ban

 
Từ chân núi Chư Hreng trở lên, đường gồ ghề với những khúc cua gập ghềnh, chúng tôi chủ động giảm tốc độ để đảm bảo an toàn. Theo kinh nghiệm của anh Ka Rô Chinh, thời tiết phù hợp nhất để khám phá núi Chư Hreng chính là thời điểm sau cơn mưa khoảng một ngày. Lúc này, đất ẩm ướt, bánh xe bám mặt đường tốt hơn. Ngược lại, vào thời tiết khô, mặt đường cát và bụi nhiều, xe chạy dễ trượt, nhất là khi xuống dốc.

Càng lên cao, cảnh vật, địa hình và khí hậu ở núi cũng dần thay đổi. Những dãy cỏ lau, cây dại dần nhường chỗ những hàng thông thẳng tắp. Khí hậu trở nên mát mẻ dễ chịu hơn.

Anh Ka Rô Chinh cho biết, chiều cao trung bình của dãy núi Chư Hreng đạt khoảng 800 – 900 mét so với mực nước biển, trong đó, điểm cao nhất đạt trên 1.100 mét. Trên cao, xuất hiện nhiều bãi đất trống và những mỏm đá kỳ vĩ  phù hợp tổ chức các hoạt động du lịch trải nghiệm, cắm trại...

Núi Chư Hreng hiện còn diện tích rừng nguyên sinh khoảng 20ha với 15ha mọc tập trung và gần 5ha rải rác, còn lại là rừng tái sinh (khoảng 1.000ha). Với độ cao, thảm thực vật và cây cối đa dạng, núi Chư Hreng có khí hậu mát mẻ, trong lành.

 

Ông Huỳnh Đức Tiến chia sẻ về việc trồng rừng tại núi Chư Hreng. Ảnh: T.T
Ông Huỳnh Đức Tiến chia sẻ về việc trồng rừng tại núi Chư Hreng. Ảnh: T.T


Để giữ cho khu vực núi Chư Hreng không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, chính quyền địa phương đang chú trọng tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng và bảo vệ rừng để phát triển du lịch. Việc phát triển du lịch ở núi Chư Hreng là hướng đi trọng tâm đang được đặt ra ở địa phương.  

Sau khoảng 45 phút chạy xe lên núi, chúng tôi bắt gặp ông Huỳnh Đức Tiến – một hộ dân canh tác và sản xuất tại núi Chư Hreng. Thấy ông Tiến đang miệt mài trồng cây, tôi xởi lởi bắt chuyện: “Giữa trời nắng chang chang mà chú vẫn trồng cây à? Sao không đợi lúc mát, ngơi nắng mà trồng cho đỡ nhọc?”

Ông Tiến vui vẻ đáp: Tôi mới nhập thêm gần 2.000 cây xanh, gồm 500 cây mai, 500 cây đào, 600 cây sao đen, 300 cây bằng lăng và một số cây giống khác. Nay tranh thủ thời gian rảnh, tôi đến trồng cây, đồng thời kiểm tra xem các cây con trước đó có sinh trưởng ổn định không. Bản thân xác định làm du lịch, thì điều kiện tiên quyết là phải giữ được rừng, giữ được khí hậu vốn có của nơi đây mới mong có ngày phát triển.

Sau cuộc trò chuyện ngắn với ông Tiến, chúng tôi lại tiếp tục hành trình khám phá của mình. Càng tiến lên đỉnh núi, tôi càng cảm nhận được những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng cho núi Chư Hreng. Cùng với hệ thảm thực vật đa dạng, khí hậu mát mẻ, dọc đường lên núi, tôi gặp hàng chục con suối lớn, nhỏ đan xen với nhau, tạo thành một hệ thống nước chạy dọc cả khu vực rộng lớn.

Thấy tôi mải mê trước cảnh sắc thiên nhiên, anh Ka Rô Chinh chia sẻ: Trong tương lai, khi du lịch phát triển ổn định, những con suối này thực sự là món quà đặc biệt mà thiên nhiên dành cho những người ưa thích loại hình du lịch khám phá và cắm trại. Đây chắc chắn sẽ là điều kiện, điểm nhấn mà không nhiều nơi có được.

Trên thực tế, nhận thức rõ về tiềm năng phát triển du lịch, một số hộ dân xung quanh núi Chư Hreng cũng đã triển khai các dịch vụ. Điển hình như dịch vụ Farmstay (mô hình trang trại du lịch trải nghiệm) của chị Nguyễn Bá Tường Vy - chủ cơ sở Huly Fam And Camp. Tuy mới bắt đầu hình thành, nhưng cũng đã đón lượng khách du lịch nhất định trong thời gian qua.

Chị Vy cho biết: Đối với khách du lịch, mình cung cấp các dịch vụ thiết yếu như lều, thức ăn, địa điểm cắm trại, khu vực đốt lửa trại... Tuy mô hình chỉ đơn giản là thế, nhưng mình đã nhận được sự quan tâm của nhiều du khách. Hiện tại, mình đã trang bị 3 chiếc lều, 1 căn nhà sàn và 4 phòng để phục vụ các du khách đến khám phá núi Chư Hreng. Trong thời gian tới, mình sẽ tiếp tục đầu tư thêm cơ sở hạ tầng cho Huly Fam And Camp để đáp ứng yêu cầu du khách.

 

Mô hình trang trại du lịch trải nghiệm trên núi Chư Hreng. Ảnh: T.T
Mô hình trang trại du lịch trải nghiệm trên núi Chư Hreng. Ảnh: T.T


Tương tự như chị Vy, anh Hồ Tấn Mẫn, tại thôn Đăk Brông, xã Chư Hreng cũng cung cấp những dịch vụ du lịch cho du khách. Cụ thể, đối với những khách có nhu cầu thuê trang phục truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ để chụp ảnh, hoặc thưởng thức những món đặc trưng địa phương (gà nướng, cơm lam, rượu ghè, măng rừng,…), anh đều có thể kết nối, đáp ứng cho du khách.

Anh Mẫn cho biết: “Tôi cảm thấy hướng đi về phát triển du lịch tại địa phương sẽ là cơ hội lớn về việc làm cho bà con. Đồng thời, giúp bà con bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc mình. Đây là những ưu đãi mà núi Chư Hreng đã dành tặng cho người dân nơi đây”.

Nhận thấy được tiềm năng và trước yêu cầu đặt ra, chính quyền địa phương có nhiều động thái trong việc phát triển du lịch tại núi Chư Hreng. Anh Ka Rô Chinh cho hay, hiện tại, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan, xác định hướng đi cụ thể về đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông từ chân núi đến đỉnh núi Chư Hreng để phát triển du lịch. Đồng thời, vận động người dân đoàn kết, chung tay trong trồng và bảo vệ rừng để biến núi Chư Hreng trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách.

Theo  TẤT THÀNH (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.