Tự truyện của người về từ địa ngục ma túy - Kỳ 11: Cú 'độp' tự sát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lúc nào tôi cũng sống trong đọa đày tâm hồn lẫn thể xác. Tận cùng của sự vô vọng, một hôm tôi tìm về nhà chị mình nương tựa, tìm kiếm tình cảm yêu thương và tìm lại phần người sau những lúc ngập chìm với ma túy.
Vòng luẩn quẩn nghiện - cai nghiện - tái nghiện....Ảnh: M.Đ.
Vòng luẩn quẩn nghiện - cai nghiện - tái nghiện....Ảnh: M.Đ.
Chiếc ghe bầu lớn chở 59 thằng "ma ken" chạy trên sông Soài Rạp đến trưa thì tới Nông trường Đỗ Hòa, Cần Giờ. Ngồi dưới hầm ghe nhìn lên, tôi thấy rất đông người đang đứng trên bờ, chỉ trỏ vào bọn tôi.
Vòng luẩn quẩn bỏ trốn - bị bắt
Ai đó ra lệnh:
- Tất cả đứng dậy theo cầu thang lên tàu, đi hàng 1 vào hội trường.
Đám nghiện tụi tôi răm rắp rời tàu. Vào đến hội trường, 59 thằng được xếp ngồi theo chiều ngang, thằng nào cũng gục đầu né tránh bị nhận diện. Sau đó, bộ phận hồ sơ đến kiểm danh, kiểm diện từng thằng, nào là đi viện, đi phép bỏ trốn, nào là trốn trong lúc lao động.
Nhìn lại chỉ còn tôi không có hồ sơ để kiểm, ban giám đốc hỏi bộ phận trách nhiệm:
- Xem kỹ lại nó có phải học viên mình không? Hồ sơ học viên đúng không?
- Thưa anh, không có hồ sơ thằng này. Không hiểu sao bộ phận thu gom lại đưa lên.
Đến lúc này, họ đã rõ tôi không phải học viên của Đỗ Hòa. Một nhân viên trong chiến dịch thu gom cất tiếng:
- Thằng này ở Phú Văn được hồi gia về chơi ma túy lại, bị thu gom vì nó rất giống thằng Được ở đội 2. Ở phòng tạm giữ, thằng này đã đứng chặn cửa cho cả 42 đứa trốn thoát.
Ban giám đốc nghe xong, chỉ đạo chuyển tất cả 59 "ma ken" về đội quản giáo cắt cơn bằng phương pháp "cai khô" (gồng chịu) và chịu kỷ luật do bỏ trốn.
Kể từ tháng 10-1982, tôi trở thành học viên Đỗ Hòa, lại cắt cơn, lại cai nghiện. Tôi bị mức kỷ luật một tháng rưỡi, còn tụi nó chỉ một tháng. Sau đó, tôi được chuyển về đội 1 của anh Thành Điếc đội trưởng.
Nông trường Đỗ Hòa nằm ngay bờ sông Soài Rạp, cạnh bên đội hình Tổng đội 2 TNXP (Thanh niên xung phong) trú đóng địa phận xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Bên trong, các đội nằm gần kề nhau, không như ở Phú Văn trải dài và cách xa nhau. Lao động ở Đỗ Hòa chỉ có đào ao, đắp đường đê, đắp nền, lên liếp trồng dừa mà không có việc khác làm ở đây.
Tôi hòa nhập tập thể, nhưng trong đầu luôn ấm ức vì bị nhận diện lầm lẫn, nên để ý tìm cách trốn. A1 của chúng tôi trong buổi họp tối qua được đội phân công sang đơn vị bạn (Tổng đội 2 TNXP) kết hợp lên liếp trồng dừa. Sáng nay, A trưởng dẫn 10 người trong A đi. Khi đến đơn vị TNXP, chúng tôi ngồi ở bờ đê chờ A trưởng vào liên hệ công tác. Ngay lúc đó, bọn tôi nhìn nhau ra hiệu và cùng lúc sáu, bảy thằng bỏ chạy mỗi đứa mỗi ngả. Sau lưng, tiếng la rất lớn của A phó:
- Đứng lại, đứng lại, trốn trường.
Không biết bọn nó chạy ra sao, còn tôi một mình chạy thẳng ra bờ sông, nhảy xuống cặp lấy một bẹ dừa nước đang nổi lềnh bềnh làm phao bơi qua sông. Bảo vệ từ nông trường truy đuổi, đứng ở bờ sông kêu tôi bơi trở lại vì lo tôi đuối nước.
Tôi vẫn mím môi bơi thẳng. Lên được bờ bên kia, tôi chỉ còn cái quần đùi đang mặc mà mình trần trùi trụi chạy đi ngay. Chui vào mấy chòi lá của người dân canh ruộng, tôi lấy trộm được cái áo cũ nhuộm phèn vàng khè mặc lên người. 
Lát sau, ở cái chòi khác, tôi lại trộm được cái quần dài, rồi hỏi đường về trung tâm thành phố. Mới hồi sáng còn ở Đỗ Hòa, buổi trưa tôi đã có mặt ở bến đò Thủ Thiêm để lại lò mò vào động chích của bà Quang sau mấy tháng bị "tó" đi nông trường.
Những ngày nghiện ngập, thân tàn ma dại trôi dạt bụi đời ở các vỉa hè, công viên, góc chợ lại tái diễn... Đêm đêm, đám "ma ken" kéo nhau đi làm chuyện phạm pháp, gây khổ đau cho người khác. Một hố lầy không chân nhấn chìm kẻ nghiện ngập. 
Trong vòng xoáy khắc nghiệt này, tôi không làm sao vượt ra khỏi dù đôi lúc cũng nghĩ đến tháng ngày cai nghiện và lao động vui khỏe trước đây. Thời gian này, chính quyền quyết liệt bài trừ ma túy, thu gom người nghiện. 
Sau những lần tránh thoát, tôi lại bị thu gom lần nữa khi vừa qua Thủ Thiêm chích choác. Tôi bị nhập vào đám lố nhố 20 "ma ken" bị bắt trước, sau đó tất cả được đưa về Trường giáo dục Lao động công nông nghiệp thanh niên mới để quản lý cai nghiện bắt buộc.
Bọn "ken" cũ không phải vào chung phòng với các học viên lần đầu mà gom chung lại ở phòng K (phòng kỷ luật bị giới hạn mọi mặt) và ưu tiên đi trường khi có điều động. 
Do đó, khoảng vài tháng là bọn tôi lại trở lên Phú Văn lao động, rồi lại tìm cách bỏ trốn về thành phố và lao vào cuộc sống nghiện ngập, trôi dạt không bến bờ. Từ khu Hàm Nghi, Thủ Thiêm đến các tụ điểm cầu chữ Y, cầu Ba Cẳng, cầu Nhị Thiên Đường, Xóm Chỉ, khu Cây Da Sà và bất cứ nơi nào có buôn bán, chích choác ma túy.
Lúc nào tôi cũng sống trong đọa đày tâm hồn lẫn thể xác. Tận cùng của sự vô vọng này, một hôm tôi tìm về nhà chị mình nương tựa, tìm kiếm tình cảm yêu thương và tìm lại phần người sau những lúc ngập chìm với ma túy.
Ông Xuân (thứ 2 từ trái qua) vẫn nhớ thời thanh niên xung phong vui vẻ và khát vọng. Ảnh: GIA TIẾN
Ông Xuân (thứ 2 từ trái qua) vẫn nhớ thời thanh niên xung phong vui vẻ và khát vọng. Ảnh: GIA TIẾN
Tự sát mà không thể chết
Một ngày kia tôi quyết định chấm dứt việc nghiện ngập để không hổ thẹn xấu xa với chính mình, với gia đình. Tôi mua chai thuốc xirô ho nấu chung với cục thuốc phiện hai gam rưỡi cho cô đặc lại rồi rút thành mũi thuốc 5 "xê" (50ml). Sợ để lại phiền toái cho gia đình chị, tôi ghi vào mảnh giấy là tôi chọn tự chích xì ke để được chết đi.
Với liều lượng "hàng đen" gấp mấy lần bình thường này chích vào người, tôi nghĩ chắc chắn mình sẽ chết. Sau khi để mảnh giấy dưới gối đầu, tôi bắt ven rồi chích hết mũi thuốc vào người. Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác người căng ra hết mức, mắt như lọt ra ngoài, trong người nóng rực lên từng cơn rất nhanh như bị đốt cháy. Rồi tôi không còn biết được gì, không biết ngã ra trên giường hay dưới đất!
...Tôi mở mắt ra từ từ, đầu đau buốt, nặng trĩu như bị cục đá đè lên. Vài phút, mắt tôi bớt mờ và nhìn thấy trên cao chai nước biển đang chuyền cho mình. Tôi với tay lấy cái bảng bệnh án ở đầu giường lên xem: bị sốc ma túy, vào viện cách đây 3 ngày.
Bàng hoàng tôi nhận ra mình chưa chết như ý muốn và đang nằm trong bệnh viện. Tôi liền tháo bỏ dây đang cột cổ tay vào giường, rồi rút bỏ kim chuyền nước biển, lần mò ra khỏi phòng bỏ trốn. 
Lảo đảo nhảy lên xích lô, tôi chỉ đường đến thẳng động chích và tiếp tục cuộc sống nghiện ngập. Nó cứ như thế xoay vòng lặp đi lặp lại, cho đến lúc này tôi không còn nhớ được đã là lần thứ bao nhiêu ra vào trường cai nghiện, lên xuống lần thứ mấy ở Nông trại Phú Văn nữa.
Sau đó, cơ hội sống đến với tôi vào năm 1985. Sau một lần nữa lại bị "tó" và cai nghiện, tôi gia nhập TNXP, mưu tìm cuộc sống mới cách xa con đường nghiện ngập. Đơn vị trú đóng ở Đắk Nông, chúng tôi có nhiệm vụ khai hoang, xây dựng cơ bản khu dân cư, trồng cao su, cà phê, cây sả chiết lấy tinh dầu, trồng các loại cây giống ngắn ngày... 
Để hoàn thành công việc, người đội viên TNXP phải trưởng thành, xác định được mục đích cuộc sống, tìm ra lý tưởng và ước mơ định hướng tương lai.
Theo thời gian lao động trôi qua đã tạo cho tôi thay đổi suy nghĩ, có những ước mơ tốt đẹp mà không còn vương vấn gì đến ma túy để có được cuộc sống bình thường như mọi người. Đó là điều tôi mong ước nhưng không bao giờ làm được trong tháng ngày nghiện ngập. Rồi thời hạn xuất ngũ đã đến, tôi về lại gia đình và xã hội sau gần 5 năm tham gia TNXP.
Lần trở về này, tôi đã có chuyển biến trong suy nghĩ, không tìm đến những tụ điểm buôn bán ma túy, ổ động chích choác và tránh gặp gỡ đám dân "ken". 
Một thời gian, tôi đã theo người quen đi làm rẫy ở quê nhằm tìm môi trường cách ly ma túy... Nhưng trời ơi, cuộc chiến đấu của phần người trong tôi cũng chỉ được ít tháng năm. "Cô ba phù dung" lại một lần nữa vươn vòi bạch tuộc cuốn lấy tôi. 
Một lần từ rẫy về thành phố, tôi đã tự thưởng cho mình một mũi "độp" ma túy trong động chích...

Bị bắt lần thứ... B40

Bao nỗ lực lao động, bao gìn giữ bản thân lại sụp đổ. Tôi lại một lần nữa ngập chìm trong địa ngục ma túy. Và không bao lâu sau, tôi lại bị thu gom cai nghiện. Khi bộ phận tiếp nhận lập hồ sơ hỏi tôi B mấy (bị bắt lần thứ bao nhiêu), tôi trả lời là B40 cho gọn, bởi tôi cũng không nhớ được chính xác lần mấy vì quá chán nản, mệt mỏi với chính bản thân mình.

Lên Nông trường Tân Hiệp cai nghiện, tôi đã lọt vào "mắt xanh" một cô gái và được cấp đất xây dựng tổ ấm. Tưởng đời đã sang trang, ai dè…
_________________________________
Kỳ tới: Tôi đã “đốt” tổ ấm của mình
TRẦN KIM XUÂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Nhà báo... tay ngang

Nhà báo... tay ngang

Giữa trời nắng nóng 40°C, ông hẹn gặp chúng tôi ở quán nước bên cây ngô đồng. Ông bảo tranh thủ chút đỉnh vì còn đi cơ sở viết bài cho bà con. Ông là Hồ Duy Thiện (76 tuổi, ngụ thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), được bà con gọi thân thương là “nhà báo làng”
Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 10: Thi công móng cọc giữa vùng lầy

Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 10: Thi công móng cọc giữa vùng lầy

Đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua khu vực Nam Định, Thái Bình chủ yếu được xây dựng trên khu vực đồng trũng, đất lầy nên việc thi công móng cọc có tính quyết định. Tổng chiều dài cọc ép xuống lòng đất tuyến Nam Định I - Phố Nối khoảng 500km tương đương chiều dài tuyến đường dây 500kV mạch 3.
Khi tôi đeo đuổi nhân vật

Khi tôi đeo đuổi nhân vật

Sự may mắn trong lúc đi viết phóng sự chỉ đến khi chính mình đã kiên trì, gắng sức đeo bám nhân vật. Nếu nản lòng, bạn có thể sẽ bỏ qua một câu chuyện ý nghĩa, một con người thú vị, truyền cảm hứng cho cộng đồng…
Kon Plông thức giấc

Kon Plông thức giấc

Kon Plông là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum với diện tích tự nhiên 137.000 ha. Dân số toàn huyện trên 27.850 người, chủ yếu là người dân tộc Xơ Đăng, Mơ Nâm, Ca Dong, Hre.
Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 6: Sắc xanh tình nguyện

Trên đại công trường 500kV mạch 3 - Bài 6: Sắc xanh tình nguyện

Để hỗ trợ, tiếp sức lực lượng thi công đường điện 500kV mạch 3 qua địa bàn, những ngày qua tuổi trẻ Nghệ An đã chung sức, chung lòng đồng hành với đội ngũ thi công. Dù nắng, dù mưa, màu áo xanh tình nguyện vẫn có mặt tại các công trường để hỗ trợ, góp phần đưa dự án đường điện quốc gia sớm về đích.
Rủi may nghề xoi trầm

Rủi may nghề xoi trầm

“Nhiều người trúng trầm đổi đời, mua nhà, mua xe nhưng không phải lúc nào cũng may, nếu rủi mua phải cây “rỗng” trầm thì cũng lỗ nặng vì giá mỗi cây phải từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.
Trăm năm xe nước bên sông

Trăm năm xe nước bên sông

Gần 50 năm vắng xa, bây giờ bờ xe nước - cỗ máy bằng tre vốn là biểu tượng bên dòng sông một thời ngày đêm quay đều mang nước tưới cho ruộng đồng xanh tốt, vẫn có một người ngày đêm dựng tạo lại, để một“kỳ quan đồng ruộng” không biến mất.