“Điện Biên Phủ” ở Liên khu V
Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi tới tổ 1 (thị trấn Đak Pơ) gặp ông Thái Diệp-người chiến sĩ Đak Pơ năm xưa. Ở tuổi 96, ông vẫn vui vẻ chào đón, tiếp chuyện phóng viên. Ông bảo, ông vừa được mời tham gia giao lưu trong chương trình kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 70 năm Chiến thắng Đak Pơ do Huyện Đoàn phối hợp với Câu lạc bộ Lý luận trẻ tỉnh tổ chức.
Trong bộ quân phục chỉnh tề, ông Diệp bồi hồi kể về chiến thắng lịch sử Đak Pơ-trận đánh bồi tiếp sau chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ký kết Hiệp định Genève ngày 20-7-1954, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược tại Đông Dương. Đây là sự kiện mang tầm vóc lịch sử, được ví như một “Điện Biên Phủ” ở Liên khu V.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên (bìa phải) ân cần thăm hỏi sức khỏe ông Nguyễn Anh Hồi (tổ 8, phường An Phú, thị xã An Khê, nguyên Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo không giật SKZ 60 mm). Ảnh: Ngọc Minh |
Người chiến sĩ năm xưa nhớ lại: Trung đoàn 96 khi đó đang đóng ở Quy Nhơn thì được lệnh hành quân lên Gia Lai. Từ cuối năm 1953 đến đầu năm 1954, trên chiến trường Tây Nguyên, một số đơn vị của ta đã tiêu diệt gọn các đồn địch ở Măng Đen, Kon Plông và Kon Rẫy (Kon Tum); các đồn ở đèo Mang Yang, đèo An Khê (Gia Lai) cũng bị tấn công khiến địch phải co cụm lực lượng tại An Khê. Trung tuần tháng 6-1954, do không được tiếp tế, chi viện kịp thời, lại bị tấn công liên tục nên quân Pháp tại An Khê rơi vào tình thế nguy cấp.
Nhận định địch sẽ rút chạy trên đường 19, Bộ Tư lệnh Liên khu V giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 96 cùng các lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt quân địch.
Ông Diệp hồi nhớ: Lực lượng của địch lúc đó gấp 5 lần ta, đặc biệt là có Binh đoàn cơ động 100 (GM 100) của Pháp rút về từ Triều Tiên. Đây là binh đoàn mạnh nhất của quân đội Pháp lúc bấy giờ, quân số rất đông, lại có sự yểm trợ của nhiều phương tiện, vũ khí tối tân như máy bay, pháo 105 mm, xe cơ giới…
“Đêm 23, rạng sáng 24-6-1954, chúng tôi từ Bình Định hành quân lên An Khê. Trung đoàn bố trí trận địa suốt dọc 6-7 cây số gần khu vực mà nay là Đền tưởng niệm liệt sĩ và Tượng đài chiến thắng Đak Pơ. Ngoài ra, 2 đơn vị được giao chốt chặn ở khu vực cầu Bà Di (Bình Định) và cầu Ayun (Gia Lai) để ngăn lực lượng tiếp viện của địch”-ông Diệp kể.
Ông Thái Diệp (thị trấn Đak Pơ) hồi tưởng về trận đánh Đak Pơ cách đây tròn 70 năm. Ảnh: Phương Duyên |
Trưa 24-6-1954, địch bắt đầu rút chạy nhưng không thể ngờ rằng chúng đã nằm trong trận địa phục kích. Khi chiếc xe đầu tiên tới dốc Đói thì bị ĐKZ của ta bắn cháy, khiến gần 400 chiếc xe phía sau ùn ứ, không thể tiến lên do đây là đoạn đường hẹp, gấp khúc. Đội hình địch nhanh chóng rơi vào hỗn loạn. Ông Diệp khi đó là Khẩu đội phó Khẩu đội cối 82 mm thuộc Tiểu đoàn 40 cùng đồng đội nhằm thẳng vào các cụm xe địch dưới mặt đường mà bắn. Súng nổ ran, địch chống trả quyết liệt.
“Tuy nhiên, ta có ưu thế chủ động tấn công, lại phục kích từ trên các đồi cao trong khi địch ở dưới thấp gặp nhiều bất lợi. Chỉ trong 7 tiếng đồng hồ, Trung đoàn 96 cùng với lực lượng vũ trang địa phương đã lập nên chiến công vang dội, xóa sổ GM 100”-ông Diệp hồi tưởng trong niềm tự hào.
Sau trận chiến, trên 700 lính Âu-Phi bỏ mạng và bị thương; Đại tá Barroux cùng toàn bộ Ban Tham mưu của GM 100 bị bắt sống. Quân ta thu được 229 xe cơ giới, 20 khẩu súng đại bác, hơn 1.000 súng các loại, 1 xe tăng 28 tấn, 18 pháo 105 mm và hàng chục tấn đạn. Với chiến thắng vang dội, trận Đak Pơ được xem là điển hình của nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn”.
Ấm nghĩa đồng đội
Tròn 70 năm kể từ trận chiến ấy, những người trực tiếp tham gia chiến đấu hầu hết đều đã trên dưới 90 tuổi, trí nhớ bị thử thách bởi thời gian, song một số người vẫn nhớ ký ức oanh liệt ngày nào. Một trong số đó có ông Nguyễn Anh Hồi (tổ 8, phường An Phú, thị xã An Khê), nguyên Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo không giật SKZ 60 mm. Câu chuyện của ông Hồi kể cho chúng tôi nghe về trận Đak Pơ khá đặc biệt không chỉ bởi những chi tiết lịch sử đáng nhớ mà còn ở cuộc hội ngộ với ân nhân đã cứu sống ông trong trận chiến này sau hàng chục năm.
Bên ấm trà nóng, người cựu chiến binh 92 tuổi hồi nhớ: Trưa 24-6-1954, khi nhận được lệnh đánh địch, khẩu đội của ông nã súng dữ dội vào chiếc xe đi đầu trong đoàn xe của địch. Chúng bắn trả quyết liệt khiến ông không may trúng đạn. Biết mình không thể tiếp tục chiến đấu, ông Hồi lệnh cho đồng chí Khẩu đội phó lên thay để chỉ huy.
Ông kể: “Lúc này, đạn địch bắn như mưa, nhưng dưới sự chiến đấu anh dũng và kiên cường của khẩu đội, chiếc thứ 2 trong đoàn xe địch cũng bị tiêu diệt. Lực lượng bộ binh tràn lên chiếm lĩnh trận địa. Khi tôi ngã xuống vì bị thương, bất ngờ có 2 đồng chí là thanh niên xung phong đến đỡ dậy, vội vã đưa về tuyến sau. Các đồng chí dùng 2 ba lô là chiến lợi phẩm thu được của địch lót cho tôi nằm, rồi dùng chăn bông đắp lên giữ ấm vì trời lúc này đổ mưa. Được bàn giao cho lực lượng quân y và phẫu thuật kịp thời nên tôi mới được cứu sống”.
Từ trái sang, ông Phạm Lộng và ông Nguyễn Anh Hồi ôn lại ký ức về trận Đak Pơ năm 1954. Ảnh: Huỳnh Bá Tính |
Hòa bình lập lại, ông Hồi trở về với cuộc sống đời thường, tham gia một số vị trí công tác tại địa phương. Thế nhưng, trong lòng ông vẫn không nguôi trăn trở về 2 thanh niên xung phong là ân nhân năm xưa, không biết họ còn sống hay đã hy sinh.
Hết sức tình cờ, hơn 50 năm sau trận đánh, trong một lần trò chuyện với ông Phạm Lộng (hiện là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thị xã An Khê), họ mới nhận ra nhau. Ông Phạm Lộng chính là 1 trong 2 người đã cứu sống ông Hồi ngày đó. Không cần nói thêm cũng đủ biết 2 người vui mừng đến nhường nào. Từ bấy đến nay, 2 ông vẫn thi thoảng gặp nhau trò chuyện, kể nhau nghe kỷ niệm không quên về những năm tháng chiến đấu hào hùng.
Niềm tri ân sâu sắc
Với tấm lòng tri ân dành cho một thế hệ “gan vàng, dạ sắt” đã hy sinh thanh xuân và xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc, công tác chăm lo, đền ơn đáp nghĩa luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Đak Pơ (24/6/1954-24/6/2024), các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình liệt sĩ và những nhân chứng sống của trận đánh lịch sử. Theo thống kê mới nhất, có tổng cộng 45 gia đình liệt sĩ và những người trực tiếp tham gia trận Đak Pơ đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, trong số này có 12 người còn sống.
Ông Nguyễn Anh Hồi: “Tròn 70 năm chiến thắng Đak Pơ, tôi chỉ mong sao được gặp lại lần nữa những đồng đội từng chiến đấu với nhau năm ấy. Mong rằng thế hệ trẻ hôm nay hiểu và trân trọng những hy sinh, mất mát của cha anh trong kháng chiến giành độc lập dân tộc để không ngừng phấn đấu vươn lên”.
Tại huyện Đak Pơ và thị xã An Khê, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đã ân cần thăm hỏi tình hình đời sống, sức khỏe của những người trực tiếp tham gia trận đánh và thân nhân, gia đình.
Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với những cống hiến vô cùng to lớn của những chiến sĩ, thanh niên xung phong đã anh dũng chiến đấu năm xưa với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” làm nên chiến thắng Đak Pơ huyền thoại; đồng thời mong muốn các cựu chiến binh và gia đình tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, giáo dục, động viên con cháu tích cực thi đua lao động sản xuất để đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh.
Khi được hỏi về mong muốn lớn nhất hiện giờ, ông Nguyễn Anh Hồi tâm sự rằng, điều mà những người trong cuộc như ông cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương và thân nhân các liệt sĩ hy sinh trong trận Đak Pơ trăn trở là hài cốt của 147 người hy sinh trong trận đánh hiện vẫn chưa được tìm thấy.
Còn ông Thái Diệp cho biết, trước trận đánh, Trung đoàn 96 đã khảo sát và đặt 1 trạm phẫu thuật dã chiến gần một mương nước nhỏ để tiếp nhận thương binh về chữa trị. Những chiến sĩ hy sinh cũng được đưa về khu vực này chôn cất.
“Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã tập trung tìm kiếm nhưng không có kết quả. Chỗ mương nước ngày xưa sau nhiều năm đã biến thành hồ. Chúng tôi nghĩ, rất có thể các đồng đội của mình đang nằm dưới hồ nước này”-ông Diệp chia sẻ. Nỗi đau đáu ấy của các cựu chiến binh cũng được Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên chia sẻ sâu sắc trong chuyến thăm hỏi, tặng quà mới đây.
Những cuộc kiếm tìm sẽ không dừng lại. Hy vọng các nhân chứng cuối cùng của chiến thắng Đak Pơ sẽ có cơ hội thắp nén tâm hương trên bia mộ đồng đội kiên trung mà anh linh hòa cùng hùng thiêng của sông núi, đất trời Tây Nguyên.