Khi tôi đeo đuổi nhân vật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sự may mắn trong lúc đi viết phóng sự chỉ đến khi chính mình đã kiên trì, gắng sức đeo bám nhân vật. Nếu nản lòng, bạn có thể sẽ bỏ qua một câu chuyện ý nghĩa, một con người thú vị, truyền cảm hứng cho cộng đồng…

1. Trên hành trình đi viết phóng sự, chắc hẳn nhiều đồng nghiệp cũng như tôi từng đối diện nỗi lo: không gặp được nhân vật. Ở đồng bằng còn đỡ, chứ tìm lên những bản làng heo hút nơi rẻo cao mà "nhân vật vắng nhà" thì quả là không gì buồn hơn. Đọc đến đây, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Sao không hẹn trước cho đỡ mất công? Trên thực tế, những nhân vật gắn liền với biên cương, hải đảo như già làng thường không dùng điện thoại hay những ngư dân quanh năm bám biển có dùng thì cũng mất sóng. Để gặp được họ, không cách nào khác là phải theo đuổi đến cùng.

Người viết cùng ngư dân Lê Văn Ninh trên tàu cá của ông

Người viết cùng ngư dân Lê Văn Ninh trên tàu cá của ông

Nhớ lần tôi đi tìm lão ngư Nguyễn Đình Bê (P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) để thực hiện phóng sự Can trường bám biển Hoàng Sa (đăng trên Báo Thanh Niên ngày 30.11.2021). Từ thông tin của Bộ đội biên phòng TP.Đà Nẵng, tôi được biết nhà ông Bê chỉ cách nơi tôi sinh sống khoảng chừng 2 km. Hớn hở vù xe máy tìm đến nhà thì vợ ông Bê cho biết khoảng nửa tháng nữa ông mới từ ngư trường Hoàng Sa trở về. Tôi thất thểu ra về với số điện thoại của ông luôn trong tình trạng "ò í e".

Gương ngư dân bám biển với tấm lòng nghĩa hiệp - Lê Văn Ninh

Gương ngư dân bám biển với tấm lòng nghĩa hiệp - Lê Văn Ninh

Vợ ông Bê nói "nửa tháng" là áng chừng vậy thôi, chứ tàu cá cập bờ thì có bao giờ ấn định chính xác thời gian. Bà hứa sẽ gọi ngay để thông báo khi tàu về, nhưng không ai đảm bảo lúc đó bà sẽ còn nhớ để bấm số điện thoại của tôi. Trong khi đó, chuyên mục mà tòa soạn mở ra cũng sắp đóng... Thành ra, mỗi ngày, tôi đều đặn gọi 2 cuộc vào sáng sớm và cuối giờ chiều. Tuần đầu, điện thoại của ông vẫn báo ngoài vùng phủ sóng. Đến buổi sáng của ngày thứ 10, tôi gọi và mắt như sáng lên khi nghe đầu dây bên kia đổ chuông. "Tàu mới về tối qua, anh tới cảng cá để mình nói chuyện. Tui đang tranh thủ vá lưới…", ông Bê đáp gọn.

Sau chuyến biển thắng lợi, ông Bê tâm trạng phấn chấn nên câu chuyện về "nghiệp" bám biển, bảo vệ ngư trường Hoàng Sa của ông cũng xuất hiện nhiều tình tiết thú vị. Sau khoảng hơn 1 giờ đồng hồ gặp mặt, tôi ra về và biên ngay phóng sự kể về một cuộc đời nỗ lực bám biển. Bài báo được đăng đã tạo hiệu ứng tốt đẹp trong lòng bạn đọc về một nhân vật mang trong lòng tình yêu và sự say mê biển cả, gan lì bám giữ ngư trường truyền thống… Vui hơn nữa là sau đó, phóng sự về ông Bê được trao giải nhất giải Báo chí TP.Đà Nẵng năm 2022. Lúc đứng trên bục cao nhất nhận giải, tôi thầm cảm ơn nhân vật, cảm ơn vì mình đã không bỏ cuộc…

2. Tôi khá có duyên khi đeo đuổi rồi gặp được nhân vật là những ngư dân điển hình, tiêu biểu của TP.Đà Nẵng. Cũng như trường hợp ông Bê, để có phóng sự "Hiệp sĩ" ở Hoàng Sa về ngư dân Lê Văn Ninh (trú tại P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu) đăng trên đặc san 21.6 của Báo Thanh Niên năm 2023, mỗi ngày tôi đều gọi điện để canh chừng khi nào ông Ninh về bờ. Chỉ cần điện thoại đổ chuông, tôi sẽ hẹn và có mặt ngay lập tức để phỏng vấn. Và tôi đã mất gần nửa tháng gọi điện thoại "canh me"…

Mất nhiều ngày chờ đợi, người viết mới gặp được nghệ nhân điêu khắc gỗ Pa Kôh - ông Cu Đài

Mất nhiều ngày chờ đợi, người viết mới gặp được nghệ nhân điêu khắc gỗ Pa Kôh - ông Cu Đài

Nếu ở TP.Đà Nẵng, không gặp được nhân vật thì còn có thể quay về và chờ đợi. Nhưng khi đi thực tế ở miền núi, len sâu vào những bản làng trên dãy Trường Sơn, nỗi lo "nhân vật vắng nhà" càng tăng lên gấp bội. Vì đường sá cách trở nên đồng bào Pa Kôh, Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều… khi đi đâu đó thường phải tính thời gian vắng nhà bằng "đơn vị" ngày. Không ít lần tôi lâm cảnh dở khóc dở cười bởi lúc tìm đến thì nhân vật mới rời khỏi nhà mấy tiếng đồng hồ trước. Như lần tôi về đại ngàn A Lưới (Thừa Thiên-Huế) tìm nghệ nhân điêu khắc gỗ Pa Kôh - ông Cu Đài (trú thôn Ta Ay, xã Trung Sơn). "Anh tới sớm hơn chút thì hay rồi, tôi đi ăn cưới ở bản giáp Lào. Mốt mới về…", ông trả lời điện thoại khi tôi đã tìm đến tận nhà. Mà để tìm được nhà ông, trước đó tôi đã mất cả buổi chiều để dò hỏi đường đi. Lần đầu tìm không thấy, sáng sớm hôm sau tôi tiếp tục hỏi và được một người dân tốt bụng dẫn đến tận nhà. Vậy mà…

Mất hơn 3 ngày, tôi mới gặp được nhân vật thứ sáu trong loạt bài Giữ hồn đại ngàn (đăng trên Báo Thanh Niên tháng 11.2022). Loạt bài sau đó đã vào đến vòng chung khảo giải Báo chí Hải Triều (Thừa Thiên-Huế) năm 2023. Vì sao ông Cu Đài quan trọng với tôi như vậy? Vì ông là một tay đục giỏi, đại diện cho bộ môn điêu khắc truyền thống của đồng bào A Lưới. Không gặp được ông, loạt bài sẽ không trọn vẹn, cứ như xem một bộ phim mà bị "xén" mất một tập.

Ngư dân Nguyễn Đình Bê - nhân vật mà người viết phải theo đuổi nhiều ngày mới gặp được

Ngư dân Nguyễn Đình Bê - nhân vật mà người viết phải theo đuổi nhiều ngày mới gặp được

Nhiều người hỏi đã bao giờ vì nản lòng mà tôi bỏ cuộc giữa chừng trên hành trình đi tìm nhân vật? Chắc chắn là không! Những lần như thế, tôi thường nghĩ vui: nhân vật "đinh" họ thường "trốn tìm", để rồi tự động viên mình "cố lên chút nữa, câu chuyện hay đang chờ mình ở phía trước". Tôi sẽ chờ để gặp được họ. Bởi tôi cũng tin rằng đó là thử thách mà tôi phải vượt qua. Chờ đợi là cái giá để có được nhân vật hay. Và "trời không phụ lòng… phóng viên", khi gặp được họ, tôi thường có những phóng sự ưng ý.

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Nữ anh hùng ở ngôi làng anh hùng

Nữ anh hùng ở ngôi làng anh hùng

Ngôi làng ấy trải qua những năm tháng đau thương và hào hùng của chiến tranh, ngôi làng ấy cũng sinh ra người nữ anh hùng đặc biệt. Mấy mươi năm ngày đất nước thống nhất, làng anh hùng đã thay da đổi thịt, và người nữ anh hùng cũng đã bạc trắng mái đầu.

Đổi thay trên quê hương Anh hùng A Sanh

Đổi thay trên quê hương Anh hùng A Sanh

(GLO)- Phát huy truyền thống quê hương Anh hùng A Sanh, những năm qua, người dân làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động trong lao động sản xuất, trở thành điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Ký ức tháng ba

Ký ức tháng ba

(GLO)- Một ngày mùa khô cuối tháng 3-1975, ông Ksor Doen lần đầu tiên trở về làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) sau hơn 2 năm xa nhà. Quê nhà hiện ra sau cây hoa pơ lang còn sót lại vài bông cuối mùa khiến người lính đang ngây ngất trong niềm vui chiến thắng càng bồn chồn bước chân.