Thăng trầm nước mắm truyền thống-Bài 2:Nhà thùng trước áp lực cạnh tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những chai nước mắm của các thương hiệu nước mắm pha chế (đang tạm gọi là nước mắm công nghiệp) được thiết kế bắt mắt, có vị mặn vừa phải, giá rẻ, nhưng độ đạm thấp. Trước sự cạnh tranh gay gắt, hiện nhiều cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống buộc phải “đi hai chân” - vừa sản xuất nước mắm truyền thống bán cho người tiêu dùng, vừa cung cấp nước mắm cho các cơ sở nước mắm công nghiệp để họ pha chế.
 
Kiểm tra chất lượng nước mắm trong quá trình rút kéo nước mắm bên trong nhà thùng tại Phú Quốc. Ảnh: NGỌC CHÁNH
“Đi hai chân”
Ngoài những khó khăn như thiếu cụm công nghiệp, đầu ra khó khăn, nước mắm truyền thống đã và đang chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt với nước mắm công nghiệp.
Là chủ cơ sở sản xuất nước mắm Quang Hải có sản lượng tới 850.000 lít/năm - nhiều nhất trong số các cơ sở tư nhân sản xuất nước mắm ở Cát Hải, Hải Phòng, ông Bùi Đức Vinh chia sẻ: Nước mắm công nghiệp chủ yếu là mua nước mắm loại chất lượng thấp của cơ sở thủ công sản xuất, sau đó về pha chế hương liệu, làm loãng ra nên có độ đạm thấp, nhạt hơn, giá thành rẻ hơn. Nhiều cơ sở thủ công không có đủ tiềm lực tài chính, năng lực tiếp thị để cạnh tranh với nước mắm công nghiệp, nên khi sản phẩm làm ra dù chất lượng rất cao nhưng vẫn khó chiếm lĩnh được thị trường.
Nhiều nhà thùng nước mắm truyền thống cho biết, để có được mẻ mắm ngon phải mất 9 - 12 tháng trời, nên giá bán nước mắm truyền thống có giá khá cao, từ 100.000 đến 200.000 đồng/lít. Từ khi nước mắm công nghiệp ra đời được bán giá rẻ hơn, nhiều làng nghề nước mắm bị thu hẹp dần. Như ở làng nghề nước mắm Cửa Bé (Nha Trang) từ trăm hộ nay chỉ còn chưa đến chục hộ giữ nghề truyền thống, làng nghề nước mắm An Thới (Phú Quốc) trước đây có 33 nhà thùng thì hiện nay còn được 2.
Ông Sáu Sỹ, Chủ hãng nước mắm Hớn Hưng, tại thị trấn An Thới, Phú Quốc, cho biết: cách đây khoảng 15 năm, khi một “ông lớn” trong ngành sản xuất nước mắm công nghiệp đặt nhà thùng tại Phú Quốc thì những người làm nước mắm bản địa chết dần. Ngày “ông lớn” đặt tại huyện đảo Phú Quốc,  lúc đó có khoảng 130 nhà thùng, hiện tại chỉ còn 53 nhà thùng. Ông Sáu Sỹ tâm tình: Vì mình là người nông dân chỉ sản xuất, còn “ông lớn” này có thị trường, có tiềm lực kinh tế. Nội tiền họ chi cho quảng cáo thôi còn gấp hơn nhiều lần tài sản của nhà thùng. Những năm gần đây không ai dám đầu tư nhà thùng mới nữa.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều chủ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống (mà người dân hay còn gọi là nhà thùng) cho biết họ buộc phải “đi hai chân”. “Để sản xuất nước mắm công nghiệp, các doanh nghiệp mua loại nước mắm 20 - 25 độ đạm về pha chế. Điều này đã khiến những hộ làm nước mắm truyền thống như chúng tôi - để có thể tồn tại và phát triển - buộc phải đi hai chân, nghĩa là vẫn làm nước mắm 35 độ đạm bán trực tiếp đến người tiêu dùng và loại 20 - 25 độ đạm bán cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp”, chủ một cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống cho biết. 
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Thư ký Hiệp hội Nước mắm Nha Trang - Khánh Hòa, cho biết: “Mỗi năm cơ sở của tôi sản xuất khoảng 6 - 7 trăm ngàn lít nhưng chỉ có 10% trong số ấy là loại 35 độ đạm, số còn lại chúng tôi bán cho doanh nghiệp sản xuất nước chấm. Nhiều cơ sở khác cũng chọn giải pháp này để tồn tại”.
 
Đồ họa: TRÍ THẾ
Nước mắm đểu
Đa số người tiêu dùng Việt Nam thích dùng nước mắm truyền thống, nhưng mua ở đâu đảm bảo: chợ, siêu thị, trên mạng, hay trực tiếp nơi sản xuất? Có thể thấy, khi đi công tác hoặc du lịch ở những vùng có làng nghề nước mắm truyền thống nổi tiếng, việc ghé các cửa hàng mua nước mắm là sở thích của nhiều người. Nhưng việc đi này không thường xuyên, mà mua ở chỗ mấy anh hướng dẫn tour giới thiệu chất lượng cũng hên - xui lắm, không biết đâu mà lần. Còn mua nước mắm nguyên chất ở chợ hay mua qua mạng lại càng không an tâm. 
“Trên thực tế, ngoài nước mắm công nghiệp, nước mắm truyền thống còn bị cạnh tranh bởi loại nước chấm đểu, giả nước mắm truyền thống. Loại này được bán nhan nhản trên mạng, ở các chợ, được sử dụng vô tội vạ ở nhiều quán ăn” - một chuyên gia nước mắm cho biết. 
Chị Nguyễn Thị Hạnh, chuyên bán bánh ướt trên đường Tô Ký (quận 12, TPHCM), chia sẻ cho chúng tôi rằng mỗi ngày chị bán được khoảng 20 - 30kg bánh, tương ứng với số nước chấm 1 - 1,5 lít. “Nước chấm chúng tôi làm được pha loãng từ nước mắm của các thương hiệu, với tỷ lệ 1/10, tức là khoảng 10 muỗng nước chấm thì có một muỗng nước mắm, cũng có khi tỷ lệ này là 1/20, tùy nơi. Sau đó chúng tôi cho thêm đường, ớt, chanh… để tạo thành một chén nước chấm sánh mịn, ngon mắt, nhưng vẫn an toàn cho khách. Nếu dùng nước mắm nguyên chất sẽ mặn gắt, khách không thích”, chị Hạnh cho biết thêm. 
Trong vai khách hàng, mấy ngày qua, chúng tôi cũng đã đến khảo sát việc kinh doanh, sử dụng nước mắm tại một số quán ăn, cửa hàng giáp ranh khu vực chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12), chợ Bà Điểm (Hóc Môn), chợ Nhật Tảo (quận 10) và ghi nhận việc sử dụng nước chấm, bằng cách trộn lẫn nước mắm với nước đun sôi để nguội cùng gia vị diễn ra phổ biến. Tuy vậy, nguồn gốc số nước mắm này được lấy ở đâu, ai cung cấp thì chỉ chủ hàng mới biết được. Đem những thắc mắc này hỏi anh N.V.T., một đầu bếp quán ăn đông khách trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10), anh T. cho biết: nước chấm mà 100% nước mắm sẽ nặng mùi, vị gắt, không phải khách hàng nào cũng ưa thích. Quán anh thường đặt mua nước chấm pha chế loại 5 lít/can, mỗi lần mua khoảng vài chục can, giá chỉ 50.000 - 55.000 đồng/can. Anh T. còn cho biết, có những chủ quán mua hương liệu về pha chế cho đỡ tốn kém. 
Lần theo một vài đầu mối anh T. cung cấp, chúng tôi đến chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM) - chuyên doanh hóa chất, hương liệu, phụ gia các loại. Tại đây, bà M., chủ một quầy hàng bán hương liệu có diện tích nhỏ xíu (khoảng 1 - 1,5m²) đồng ý bán cho 500ml hương liệu nước mắm sánh vàng, sực mùi nước mắm, với giá 150.000 đồng. Lời chỉ dẫn cũng cực kỳ đơn giản: “Dùng bao nhiêu tùy vào liều lượng cần pha chế”. Bà M. còn nói nhỏ: “Vụ thông tin ngược chiều giữa nước mắm truyền thống với nước chấm công nghiệp đang ì xèo mấy bữa nay, khiến chúng tôi cũng không dám bán hương liệu cho khách lạ, dù rằng hàng chúng tôi bán không phải hàng cấm kinh doanh”. 
Trao đổi với PV SGGP, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM thông tin, cho đến thời điểm hiện tại, đơn vị chưa phát hiện nước mắm không đạt chuẩn, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ở góc độ cá nhân, bà Lan cho rằng, việc sử dụng nước mắm truyền thống hay nước chấm công nghiệp phụ thuộc vào sự quyết định của mỗi người tiêu dùng, tuy vậy, thị trường cần sòng phẳng với người mua hàng, nên thông tin rõ ràng với khách hàng rằng đang bán nước chấm hay nước mắm. Mục tiêu chính nhằm đảm bảo quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.
Nhóm PV(SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Trên quê hương người 'khai sơn phá thạch'

Trên quê hương người 'khai sơn phá thạch'

Xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) là mảnh đất quật cường, giàu truyền thống yêu nước, sản sinh ra nhiều con người tài ba như Trương Định, Trương Đăng Quế, Trương Quang Giao…, và Thiếu tướng Võ Bẩm người tiên phong "khai sơn phá thạch" mở đường Trường Sơn huyền thoại.
Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Với tính đặc thù và sự khan hiếm nên giá ươi luôn 'nhảy múa' theo mùa vụ. Giá cao khiến ngày càng đông người vào rừng săn ươi, dẫn đến tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt, đốn hạ cây ươi để lấy quả, ảnh hưởng nghiêm trọng công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên ở H.Bù Đăng (Bình Phước).
Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Cứ mỗi độ vào mùa, người dân lại đổ xô vào rừng săn lùng quả ươi. Để xí phần, nhóm người săn ươi đánh dấu bằng cách dùng dao, rựa chặt vạt tạo vết trên thân cây hoặc xịt sơn làm ký hiệu; và hầu hết cây ươi bị đánh dấu này đều chung số phận bị chặt hạ, tỉa cành để khai thác ươi.
'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.