Kỳ 3: Quyết tâm xóa nhà tạm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể cũng như lực lượng vũ trang trên địa bàn toàn tỉnh đã tích cực tham gia Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng. Bằng sự chỉ đạo, hành động kịp thời, nhanh chóng, 1.248 ngôi nhà xây mới và sửa chữa cho người có công đã được hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Kịp thời, sâu sát

Ngay sau khi nhận được công văn của UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phòng ban liên quan, các xã, thị trấn và các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn đẩy nhanh công tác xây mới và sửa chữa nhà ở cho các gia đình có công với cách mạng. Đồng thời, các địa phương cũng tiến hành rà soát nhu cầu nhà ở, lập danh sách đề xuất đề nghị hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho các gia đình người có công. Nhờ sự chung tay của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân mà những ngôi nhà tạm bợ chỉ trong một thời gian ngắn đã được thay bằng những ngôi nhà mới kiên cố, khang trang.


 

  Các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã đóng góp hàng ngàn ngày công hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công.            Ảnh: Phương Linh
Các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã đóng góp hàng ngàn ngày công hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công. Ảnh: Phương Linh

Tính từ ngày 27-2-2017 đến 15-5-2017, huyện Đak Đoa đã triển khai xây dựng và sửa chữa nhà cho 43 gia đình người có công trên địa bàn. Ông Lê Quang Thanh-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa, cho biết: “Sau khi tiến hành lập danh sách và được phê duyệt, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn giao kinh phí hỗ trợ cho gia đình người có công thực hiện theo tiến độ. Theo đó, các gia đình tự chọn đại lý mua vật liệu và chọn thợ thi công dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. Qua vận động, đã có 36 gia đình đối ứng kinh phí để làm mới và sửa chữa nhà ở, gia đình ít nhất 5 triệu đồng, gia đình nhiều nhất khoảng 100 triệu đồng”. Bên cạnh đó, huyện cũng vận động gia đình, dòng họ, cộng đồng đóng góp ngày công, vật liệu để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở phù hợp với phong tục, tập quán.
 

Đại tá Tống Văn Hiểu-Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 3: “Cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3 đã trực tiếp tham gia giúp các gia đình chính sách, người có công bằng những việc làm cụ thể. Đây cũng là một cách giáo dục trực quan cho bộ đội hiểu được những giá trị to lớn mà thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu mới có được như ngày hôm nay. Đồng thời góp phần củng cố và không ngừng tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân-dân”.

Theo kế hoạch năm 2017, huyện Đak Pơ tiến hành xây mới 25 căn nhà và sửa chữa 52 căn nhà. Trong quá trình thực hiện, có 4 căn nhà thuộc diện sửa chữa đã quá xuống cấp. Vì vậy, huyện đã hỗ trợ thêm kinh phí cho các gia đình xây mới (là kinh phí do địa phương vận động được từ các tổ chức, doanh nghiệp). Theo đó, tổng số nhà xây mới được nâng lên 29 căn, số nhà sửa chữa là 48 căn, với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng (trong đó có 210 triệu đồng do các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ cho 4 căn nhà xây mới; các gia đình đối ứng gần 600 triệu đồng). Ông Nguyễn Công Chánh-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Pơ, bày tỏ: “Nhờ sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp lãnh đạo cũng như sự chung tay của cả hệ thống chính trị nên các công trình đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, hoàn thành kế hoạch đề ra”.

Trên thực tế, thời gian triển khai xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công khá gấp gáp, lại vào mùa thi công các công trình tập trung khiến giá vật liệu và nhân công tăng cao, gây khó khăn cho việc thuê công thợ. Tuy nhiên, huyện Chư Prông vẫn nỗ lực hết sức để hoàn thành đúng tiến độ. Thời gian qua, từ các nguồn lực, huyện Chư  Prông đã hỗ trợ xây mới 63 căn nhà với tổng kinh phí hơn 5,3 tỷ đồng (trong đó các gia đình đối ứng hơn 2,1 tỷ đồng); sửa chữa 62 căn nhà với tổng kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng. Ông Lê Văn Ba-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Prông, chia sẻ: “Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục rà soát các gia đình có công với cách mạng đang gặp khó khăn về nhà ở cũng như khó khăn trong cuộc sống để có biện pháp giúp đỡ. Đồng thời, huyện cũng sẽ kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí để xây mới, sửa chữa nhà cho gia đình người có công cũng như tu sửa các nhà bia, các đài tưởng niệm trên địa bàn”.

Sức mạnh từ cộng đồng

1.248 căn nhà được xây mới và sửa chữa là sự nỗ lực của cả cộng đồng, trong đó có sự góp sức không nhỏ của các đoàn thể, lực lượng vũ trang và người dân địa phương. Bên cạnh sự ủng hộ bằng vật chất, các đơn vị cũng bỏ ra hàng ngàn ngày công giúp các gia đình tiết kiệm chi phí thuê nhân công. Ông Lê Quang Thanh-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa, ghi nhận: “Góp phần vào sự thành công của Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trên địa bàn huyện phải kể đến Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Huyện Đoàn và đặc biệt là các đơn vị thuộc Quân đoàn 3 như: Lữ đoàn 273, Lữ đoàn 40, Sư đoàn 320, Tiểu đoàn 28, Tiểu đoàn 21. Lực lượng vũ trang đã tham gia đóng góp hơn 4.000 ngày công để xây dựng và sửa nhà cho các gia đình có công”. Cũng tương tự, Công an huyện Chư Prông, Công ty Bình Dương, Trung đoàn 710, các Đồn Biên phòng 727, 731, 729; Huyện Đoàn Chư Prông… cũng hỗ trợ công xây mới 11 căn nhà trên địa bàn huyện (tương đương 280 triệu đồng). Trong thời gian qua, Quân đoàn 3 đã giúp 2.000 ngày công để xây mới và sửa chữa gần 30 căn nhà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng ở các huyện: Đak Đoa, Chư Pah, Đức Cơ, Mang Yang.

Hầu hết các gia đình người có công đều có hoàn cảnh khá khó khăn, nhiều gia đình rất neo người. Vì vậy, sự chung tay giúp đỡ của người thân, của cộng đồng có ý nghĩa rất to lớn. Ông Hoàng Phi Ấn-Chủ tịch UBND xã Hà Tam (huyện Đak Pơ), chia sẻ: “Trong năm 2017, xã Hà Tam đã tiến hành xây mới 1 căn nhà và sửa chữa 3 căn nhà cho gia đình người có công trên địa bàn xã. Vì các gia đình chính sách đều là người dân tộc thiểu số, kinh tế lại khó khăn nên sự giúp đỡ từ phía cộng đồng rất có ý nghĩa. Tại làng Hway, khi triển khai sửa nhà cho các gia đình chính sách, các tổ sản xuất trong làng đã tự phân công luân phiên nhau đến phụ giúp ngày công xây dựng”.

 Đinh Yến-Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.