"Tôi" chỉ là thảo mộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi ta ôm một bó hoa đứng chờ người yêu bước ra, có cảm giác nào rung toàn thân hơn lúc này.

Ngay một kẻ chinh chiến cầm gươm như người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ rồi cũng phải có những phút giây lãng mạn và hào hoa không thể tưởng khi lòng yêu thương dâng trào để mà nghĩ ra được động tác bậc thầy trong chinh phục trái tim nữ giới: gửi cành đào từ sa trường phương Bắc về hậu phương ở trời Nam cho dáng hồng Ngọc Hân-công chúa con của nhà Lê mà ông vừa coi như phế truất, thay vào vị trí cai quản bảo vệ giang san. Để rồi, người con gái được gọi là “Công chúa” đó phải xao xuyến, càng thêm phục mê chàng trai anh hùng hảo hớn. Xuất thân nông dân ở miền thượng đạo mà phong lưu thế. Đàn ông mà, anh hùng mà, giữa làn tên mũi đạn, chuyện chết sống coi tợ mây khói nên cứ muốn nâng niu sự mong manh yếu đuối, như cái đẹp, coi hoa là mỹ nhân, trước sau đối xử trượng phu, nghĩa hiệp.

 

Hoa lan trong một trang trại. Ảnh: N.H.T
Hoa lan trong một trang trại. Ảnh: N.H.T

Như chuyện Napoléon Bonaparte khi bị đày ở đảo Elbe (1814) cũng hẹn một ngày sẽ trở về với hoa violét tím, đã làm hết thảy đám quần thần mạc vận cũng bay bổng theo, quý phục và hy vọng. Thế gian cũng chẳng thể quên người dân Bồ Đào Nha nổi dậy trong “rừng” hoa cẩm chướng màu hồng và đỏ để đòi dân chủ khi muốn chấm dứt sự cai trị của nhà độc tài của Caetano (vào năm 1974)…vv và...vv. Chao ôi, phận hoa mỏng manh, phù du vậy mà bao giờ cũng có thể làm nên những màu nhiệm khác xa gươm giáo, bom súng kia, mang đến tin yêu, muốn tẩy trần cái ác, chiến tranh, hóa giải được hận thù.  Nó cứ như sứ giả của sự an lành, hòa bình, yêu thương.

Người ta dùng hoa để tạo thành vòng mà khoác lên cổ của người khi được vinh danh chứ không phải kim cương hay bạc vàng, dù đó là cuộc tôn vinh trí tuệ, sắc đẹp, sáng tạo, thành đạt, hay hành động anh hùng. Nhân loại cũng để lại bao cuộc “ngoại giao” bằng… hoa, kể từ cổ sử đến hiện đại. Nay, loạn lạc còn không ít, nhưng hàng ngày tại các phi trường, nếu để ý trên những thân máy bay, bạn sẽ thấy phần nhiều các hãng hàng không dân sự đều dùng các loài hoa để làm biểu tượng (logo) cho mình. Thông điệp của an lành. Kinh doanh vận tải mà còn tinh tế thế đó. Bởi năng lượng,“quyền lực” của hoa quá cao sâu. Nó cao sâu vì con người luôn cần đến cái đẹp. Bất cứ lúc nào cần sự tử tế, khi mừng vui, cũng ngay như khi tiễn nhau vĩnh biệt cõi trần, người ta đều mang hoa ra trước. Cái đẹp có tính hóa giải, thiết lập niềm tin. Hoa là kẻ dẫn đường. Qua nó, tự dưng tạm thời có thể xóa bỏ được những dị biệt về màu da, nhận thức chính trị, khoảng cách văn hóa, bởi khả năng kết nối lòng người siêu hạng của nó. Ngay trên bàn của một cuộc đàm phán hòa hoãn, đình chiến… người ta cũng còn thấy hoa trên bàn, huống chi những cuộc hội họp ngoại giao thông thường. Một cô dâu sẽ rất chơi vơi, lúng túng, nếu vào ngày cưới mà trên tay thiếu bó hoa kia. Một tù nhân ngày ra tù người ta còn dùng hoa để tặng, chúc nhau được trở lại cuộc sống bình thường. Một cô gái đang nằm trong bệnh viện, khi nhận một bó hoa bạn hữu đưa tới tặng hẳn cơn đau cũng chợt êm đi tí chút. Tha nhân tin, hoa làm mềm đi sự hung bạo và làm mạnh mẽ lên sự yếu đuối, ủ ê. Làm người ta xí xóa cho nhau. Làm cái ác chùng tay, “nghĩ  lại”.  Và làm cái thương thêm thương, thậm dày.

 

Hoa mai anh đào ở Đà Lạt. Ảnh: N.H.T
Hoa mai anh đào ở Đà Lạt. Ảnh: N.H.T

*
Mà không chỉ có vậy, nay thì có quốc gia nào rồi không muốn tạo dựng cho hình ảnh quốc gia mình một loài hoa nào đó bên cạnh 2 thứ thiêng liêng là quốc kỳ và quốc ca. Trong cuộc quẫy đạp để thế giới biết đến mình, mở đường phát triển, tìm kiếm thịnh vượng, chẳng quốc gia nào bỏ qua sức mạnh “mềm” của hoa. Thế gian há chẳng lại thèm khát được như Hà Lan lúc gọi lên cái tên tulip, hay trường hợp hoa hồng với Bulgaria, hoa anh đào với nước Nhật, hoa lily (loa kèn) với nước Pháp, phong lan với Thái Lan, cúc với Indonesia… Trước sau hoa vẫn thi vị hơn tàu ngầm hạt nhân của nước Mỹ, tên lửa xuyên lục địa của nước Nga…  Loài tulip đã mang Hà Lan đi khắp nơi trên trái đất. Tương tự, người Thái với cuộc chinh phục phong lan ngoạn mục suốt 30 năm nay, để giờ nhắc phong lan người ta nghĩ đến quốc gia nhiệt đới nhỏ này, dù phong lan quốc gia nhiệt đới nào cũng có. Du lịch là lối mở, hoạt động lễ hội là công cụ, mà họ biết rằng bất cứ một xứ sở nào cũng có những loài hoa đặc trưng, cùng sự khác biệt thú vị về văn hóa để “quyến rũ” du khách... Thế là lễ hội hoa ra đời nhan nhản ở Brazil, Mexico, tràn ngập vùng Fuji ở Nhật Bản, Keukenhof, Floriade, Bloemencrso ở Hà Lan, Mumbay ở Ấn Độ, Canberra (Australia), Pen Nang ở Malaysia, Chiang Mai ở Thái Lan, Côn Minh ở Trung Quốc và ngay cả như đảo quốc nhỏ bé Singapore cũng cố mà kéo thế giới lại gần với mình bằng lễ hội hoa nổi tiếng Sentosa hàng năm… Đất nước nhỏ, nông nghiệp là cái thứ yếu, thế mà Singapore lần đầu tiên đứng ra tổ chức hội thảo hoa lan toàn thế giới ngay hồi đầu thế kỷ, rồi lễ hội nhà vườn trồng hoa. Những nhà hoạch định du lịch ở Malaysia đã phác thảo ra kịch bản chiến lược để biến Malaysia thành một vùng hoa, thành đất nước xinh đẹp từ hoa. Các nước Indonesia, Lào, Campuchia, Myanmar cũng quyết “tấn công” vào hoa, đẩy mạnh “Flower Tourist” (du lịch hoa)... Phụ trách du lịch hoa của Malaysia-bà Da Nua Nu Yi từng khẳng định rằng ở thời buổi biên giới chỉ còn mang tính ước lệ, sự giao lưu là một nhu cầu tự thân chủ yếu của con người thì đất nước nào nhiều hoa cũng là một sức mạnh, lợi thế. Theo bà, hoa là quà tặng của thiên nhiên, nó làm cho các dân tộc xích lại gần nhau, cảm thông, hòa hợp, hiểu biết, hướng đến tương lai.

20 năm trở lại đây, nhờ doanh nghiệp Hà Lan sang đầu tư, trồng hoa công nghệ cao, hoa Việt Nam cũng đã có mặt ở Nhật Bản, Australia, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và cả Hà Lan… Đất nước nông nghiệp Việt Nam này không chỉ có lúa gạo, cà phê, da giày, quần áo, tôm sú, cá ba sa, đồ điện tử…, mà sản phẩm có cả hoa rồi, “Flower of Viet Nam”.

Mà không chỉ thế, Việt Nam nay cũng đã biết phát huy vai trò và giá trị của hoa. Nhiều tỉnh đã tận dụng những giống hoa đặc trưng địa phương mình để gây chú ý, tạo sự kiện, cố kéo thế giới về với mình, đưa mình ra thế giới. Không chỉ “Vương quốc hoa Đà Lạt” 2 năm 1 lần tổ chức Festival Hoa, mà Hải Phòng cũng làm lễ hội hoa phượng đỏ, Hà Giang làm lễ hội hoa tam giác mạch và ngay cả Yên Bái cũng biến mùa lúa chín vàng trên ruộng bậc thang thành “lễ hội”... 

 

Dã quỳ miền cao nguyên. Ảnh: Lê Anh Tuấn
Dã quỳ miền cao nguyên. Ảnh: Lê Anh Tuấn

Mọi công trình kiến trúc cũng đều vô nghĩa nếu nó thiếu hoa, không có tiền cảnh lẫn hậu cảnh là hoa. Ngay dinh thự, lâu đài của những tên trọc phú, bọn tàn phá thiên nhiên cây cối, hay kẻ độc tài còn phải thảm đầy hoa để thể hiện mình cũng là người biết yêu, hướng đến cái đẹp.

*
Mỗi khi mùa hoa tam giác mạch hay hoa ban đang trổ hồng và trắng núi đồi Tây Bắc, người tận Sài Gòn còn rạo rực khi nhìn ảnh dân đi phượt đưa lên mạng. Mùa dã quỳ trổ vàng các cung đường xứ núi Tây Nguyên, người Sài Gòn, Hà Nội nhìn qua ảnh hãy còn nôn nao, muốn được có mặt ngay ở cái cao nguyên xa cách ấy. Mùa hoa mai anh đào nở hồng mép các đồi thông Đà Lạt, xem ti vi người thờ ơ nhất còn xao lòng. Mùa của loài hoa nào mà không làm ồn ào, ngay trên mạng, ngay khi người ta ngồi trước bàn phím.

Cũng sẽ rất “khủng khiếp” nếu Tết Việt mà thiếu hoa. Đây là thời điểm mà từ thành thị đến nông thôn tràn ngập hoa, ùa ra đường. Còn trong các “tổ người”, nhà nào cũng cố đưa vào mái ấm mình ít nhiều hoa. Người ta làm hội hoa Xuân mọi nơi có thể là để thỏa mãn nhu cầu ngắm nhìn hoa. Người nghèo không tiền để tậu chậu mai, cành đào cũng đảo tới đảo lui vào những dịp này. Ngay trong thời chiến hôm nào mà Tết còn không thể thiếu hoa, huống chi thời bình này. Không có hoa không thành Tết mà! Hoa làm con người ta an vui, rạo rực và dậy lên tình yêu cuộc sống.

Hoa nó ghê gớm thế đấy. Dù với chính nó, nếu biết nói nó sẽ nói rằng: “Tôi chỉ là thảo mộc”. Con người thì biết, nó là sự kết tinh của thảo mộc, chưng cất trong trời đất, miệt mài hành trình trao đổi chất để đạt đến đỉnh của rực rỡ. Dĩ nhiên không riêng trên đất nước tôi, người Việt tôi.

Nguyễn Hàng Tính

Có thể bạn quan tâm

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.