Tin giả, hậu quả thật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 11-7, chủ tài khoản mạng Zalo "Hoàn Tô" là Tô Vĩ Hoàn đã bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai sự thật, do đăng tải thông tin sai sự thật về ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch của Tập đoàn Vingroup.

Hành vi của chủ tài khoản này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của ông Phạm Nhật Vượng và Vingroup mà còn tác động xấu đến thị trường chứng khoán.

Điều đáng nói, đây không phải là vụ tung tin đồn thất thiệt, tin giả (fake news) trên mạng xã hội đầu tiên bị xử lý. Ngay trong vụ có liên quan tới Vingroup lần này, ngoài ông Hoàn, cơ quan chức năng còn xử lý 9 người khác ở 7 tỉnh, thành tung tin đồn rằng "Chủ tịch Vingroup bị cấm xuất cảnh".

Lâu nay, một trong những thứ mà doanh nghiệp sợ nhất là tin đồn thất thiệt về đơn vị mình trên mạng internet. Với doanh nghiệp bình thường thì tác hại chủ yếu ở chính nạn nhân đó. Với những doanh nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội, cũng như có tác động tới thị trường chứng khoán thì những tin đồn thất thiết gây thiệt hại diện rộng, tới nhiều người hơn. Chẳng hạn như một số vụ hỗn loạn thị trường chứng khoán, sập sàn vừa qua cũng có phần do những tin đồn thất thiệt về các doanh nghiệp tầm cỡ. Không thể thống kê, đánh giá được những thiệt hại mà tin đồn, tin giả gây ra. Nhưng điều đã rõ là chúng gây thiệt hại rất lớn, rất nặng nề, thậm chí để lại hậu quả lâu dài.

Tâm lý chung là người ta thường tin vào những chuyện "nóng sốt", "giật gân" chưa có kiểm chứng, xác thực từ cơ quan chức năng. Nhưng trong một xã hội thượng tôn pháp luật thì những thông tin "tiên tri", sai bản chất sự việc thì đều vi phạm, thậm chí có thể bị truy cứu với những tội danh chẳng nhẹ chút nào.

Tin giả, tin đồn luôn là một vấn nạn mang tính toàn cầu. Vì thế, ngay từ các cơ quan chức năng lẫn người dùng mạng phải chấp nhận chung sống với tin đồn, tin giả và buộc phải có cách đối phó với chúng một cách hữu hiệu.

Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhà quản trị mạng xử lý nghiêm khắc các hành vi tung tin đồn, tin giả. Hành lang pháp lý của Việt Nam đối với hành vi tung tin đồn, tin giả đều đã có. Vấn đề là nhà chức trách có xử lý rốt ráo hay không.

Song song đó, các cơ quan hữu trách cũng cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc cung cấp thông tin chính xác cho cộng đồng. Một khi lượng thông tin chính thống phủ rộng hơn, mang tính áp đảo thì lượng tin đồn, tin giả ắt phải thu nhỏ lại.

Người dùng mạng thông minh và có ý thức luôn phải cảnh giác trước các thông tin mang tính nóng sốt, giật gân. Có lẽ cũng chẳng cần nâng tầm quan điểm, đạo lý gì ở đây, người dùng internet chỉ cần luôn nhớ rằng tung tin hoặc chia sẻ tin đồn, tin giả có thể khiến mình bị xử phạt nặng và có thể phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.

Theo PHẠM HỒNG PHƯỚC (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Hết thời 'đếm bài thưởng tiền'?

Hết thời 'đếm bài thưởng tiền'?

Mới đây, một lãnh đạo Bộ KH-CN cho biết định hướng đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong thời gian tới của bộ này sẽ tập trung phát triển các nhóm nghiên cứu xuất sắc, không ưu tiên đầu tư nghiên cứu chỉ để có bài báo quốc tế.
Câu chuyện cấp thiết

Câu chuyện cấp thiết

Bình Thuận đang tích cực chuẩn bị cho việc đoàn thanh tra của EC đến thanh tra lần thứ 5 về các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); nhằm nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản.
'Cuộc kiện vĩ đại' vẫn tiếp tục

'Cuộc kiện vĩ đại' vẫn tiếp tục

Hơn 3 năm trước, ngày 26.1.2021, tôi đã viết bài Một cuộc kiện vĩ đại để hưởng ứng cuộc kiện của bà Trần Tố Nga, một nạn nhân của chất độc da cam, khởi kiện các công ty hóa chất lớn đã cung cấp "thuốc diệt cỏ" và thả xuống miền Nam VN cùng hai nước Lào và Campuchia ngày trước.