Lương nhà giáo cao nhất không còn là tuyên ngôn?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đưa quy định "tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" vào dự thảo luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT mong muốn chủ trương này sẽ không chỉ là tuyên ngôn như cả chục năm qua.

Dù số giáo viên (GV) nghỉ việc có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, 10 tháng qua vẫn còn hơn 7.000 GV nghỉ việc, chuyển việc, trong đó số GV nghỉ việc độ tuổi dưới 35 chiếm tới 60%... Sau khi Báo Thanh Niên đăng thông tin này, ý kiến của chính "người trong cuộc" cho rằng GV nghỉ việc, chuyển việc trước 35 tuổi chiếm tới 60% không phải vì họ không đam mê, không yêu nghề. Mà bởi vì sau 35 tuổi, họ không thể tìm được việc khác ổn định. Cũng không thể đòi hỏi họ yêu nghề, nhiệt huyết và chịu đựng áp lực lớn của nghề dạy học với "cái bụng đói".

Lương và phụ cấp ưu đãi nghề chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống, nhất là với những GV trẻ ở thành phố là một trong những nguyên nhân chính khiến họ không yên tâm gắn bó, cống hiến với nghề. Đồng thời cũng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, địa phương cũng không có nguồn tuyển dụng để bổ sung số GV còn thiếu trầm trọng.

Theo Bộ GD-ĐT, lương của nhà giáo "được ưu tiên xếp cao nhất" đã được khẳng định tại Nghị quyết 29. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm vẫn chỉ dừng ở mức độ là tuyên ngôn, không thể đi vào đời sống khi Chính phủ không quy định bảng lương riêng đối với nhà giáo. Chủ trương này cũng từng được đưa vào dự thảo luật Giáo dục 2019, nhận được sự đồng thuận rất cao trong suốt quá trình thảo luận, xin ý kiến góp ý. Song, đến trước khi trình Quốc hội thông qua đã phải rút lại do chưa nhận được sự đồng thuận của các bộ ngành có tính quyết định về tài chính, ngân sách. Nhiều đời Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã hứa hẹn về cải cách lương GV nhưng đều "lực bất tòng tâm" khi Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ nói không đủ nguồn lực để thực hiện.

Bởi vậy, lần này chủ trương "lương GV cao nhất" đưa vào dự thảo luật Nhà giáo là một tin vui nhưng nhiều nhà giáo chia sẻ họ chỉ cho phép mình "vui một cách thận trọng" bởi đây mới là dự thảo lần đầu được công bố. Còn cả một chặng đường rất dài và rất nhiều điều kiện phải xem xét, mổ xẻ để luật được ban hành và các văn bản dưới luật được thực thi…

Chưa kể, ngành giáo dục không được quyết định về tài chính cho ngành mình quản lý. Trong khi chờ luật Nhà giáo, cả triệu GV trên cả nước đang chờ chính sách tiền lương mới từ ngày 1.7 tới với nhiều hy vọng khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã phát biểu trước Quốc hội rằng khi cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT rà soát quy định tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo để tăng lên mức cao nhất. Khi đó, việc luật hóa chủ trương "lương nhà giáo cao nhất" sẽ có cơ sở và tính khả thi cao hơn.

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.